Thị trường trái phiếu Chính phủ:

Sẽ nghiên cứu đưa thêm một số sản phẩm mới

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Bà Trần Minh Hằng - Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết như vậy, tại cuộc trao đổi với phóng viên, liên quan tới kế hoạch công tác huy động vốn, thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong năm 2014.

 Sẽ nghiên cứu đưa thêm một số sản phẩm mới  - Ảnh 1
Bà Trần Minh Hằng
Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước
Phóng viên: Năm 2013 đã qua với những khó khăn của nền kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huy động vốn. Tuy nhiên, KBNN đã chủ động xây dựng kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp, nhằm hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Xin bà cho biết một số ý kiến đánh giá về công tác này?                                           

Xác định việc huy động vốn thông qua phát hành TPCP có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho ngân sách nhà nước (NSNN) và cho đầu tư phát triển, ngay từ đầu năm 2013, KBNN đã chủ động triển khai tích cực nhiều giải pháp như: xây dựng lịch biểu phát hành, kế hoạch phát hành và thông tin rộng rãi tới các thành viên thị trường, nhà đầu tư; triển khai đều đặn các phiên phát hành trái phiếu qua các kênh đấu thầu để tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi của thị trường trong những tháng đầu năm; phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu, duy trì việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm vào các phiên cuối tháng theo đề nghị của các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư.

KBNN đã thí điểm 3 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 15 năm, qua đó tạo tiền đề để phát hành trái phiếu kỳ hạn dài nhằm kéo dài kỳ hạn trung bình của TPCP, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của NSNN; duy trì việc phát hành TPCP với hình thức lô lớn...

Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục tái cơ cấu hàng hóa trên thị trường TPCP niêm yết để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Năm qua, KBNN đã huy động được 181.093 tỷ đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao. Kết quả này đánh dấu một bước chuyển mới, với tỷ lệ huy động vốn đạt cao nhất kể từ khi KBNN triển khai nghiệp vụ phát hành TPCP.

Năm vừa qua, các thành viên tham gia thị trường TPCP như thế nào? Làm thế nào để TPCP thực sự là một kênh hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, thưa bà? 

 Đạt được kết quả khả quan này, bên cạnh việc triển khai các giải pháp tích cực từ phía KBNN, còn có sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của đông đảo thành viên thị trường TPCP, trong đó khối ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước là các nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu, với tổng khối lượng trái phiếu mua năm 2013 chiếm khoảng 73% tổng khối lượng trái phiếu phát hành.

Đặc biệt, năm 2013 cũng đánh dấu sự tham gia trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường TPCP, gồm các NHTM nước ngoài và các quỹ đầu tư với khối lượng mua TPCP chiếm khoảng 17% tổng khối lượng phát hành.

Để TPCP thực sự là một kênh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, chúng tôi sẽ nâng cao chất lượng của công tác xây dựng và công bố kế hoạch phát hành, công bố sớm nhu cầu vốn huy động hàng quý và chi tiết theo các kỳ hạn để các nhà đầu tư có kế hoạch bố trí nguồn vốn mua trái phiếu.

Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao diễn biến tình hình thị trường để điều hành lãi suất trái phiếu phát hành phù hợp; tiếp tục hiện đại hóa công tác tổ chức phát hành đảm bảo 2 mục tiêu đáp ứng nhu cầu vốn cho ngân sách, cho đầu tư phát triển và phát triển thị trường TPCP theo hướng thống nhất, đồng bộ.

Song song với các giải pháp tổ chức điều hành, KBNN sẽ tích cực cùng với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng hệ thống các nhà kinh doanh trái phiếu, hiện đại hoá hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của thị trường, phát triển thêm các sản phẩm mới…để tăng tính hấp dẫn của TPCP Việt Nam, phát triển thị trường trái phiếu trở thành kênh huy động vốn dài hạn chủ đạo của nền kinh tế.

Bà có thể cho biết về hệ thống thành viên và các nhà đầu tư hiện nay, nhóm nhà đầu tư nào sẽ tham gia tích cực vào thị trường TPCP?

Trong năm 2013, thị trường TPCP gồm 36 thành viên, trong đó có 22 NHTM và 14 công ty chứng khoán. Tuy nhiên, đến cuối năm, Vụ Tài chính- Ngân hàng (Bộ Tài chính) đã phối hợp với KBNN và SGDCK Hà Nội tổ chức đánh giá tình hình thực hiện nghĩa vụ và hoạt động của 36 thành viên, xếp hạng thành viên; qua đó, rà soát và loại bỏ 12 thành viên không hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ và bổ sung thêm 1 thành viên mới.

Trong năm 2014, theo Quyết định số 3152/QĐ-BTC ngày 18/12/2013 của Bộ Tài chính, thành viên đấu thầu TPCP gồm 25 đơn vị, chia thành 3 nhóm, trong đó: Nhóm các NHTM gồm 17 thành viên, nhóm các công ty chứng khoán gồm 7 thành viên và 1 thành viên là Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Như đã nêu ở trên, trong năm 2013, khối các NHTM đã mua tới hơn 70% khối lượng trái phiếu phát hành. Dự kiến trong năm 2014, đây vẫn tiếp tục là nhóm các nhà đầu tư chiếm thị phần lớn trên thị trường TPCP. 

Năm 2014 được cho là còn nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh đó cùng với những bài học kinh nghiệm rút ra từ năm trước, KBNN đã đề ra chiến lược huy động vốn theo hướng nào?

Năm 2014, dự kiến kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục có cải thiện. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của Chính phủ đi vào cuộc sống sẽ giúp các doanh nghiệp hồi phục, phát triển, dẫn đến nhu cầu và khả năng tiếp cận vốn tín dụng sẽ tăng lên. Theo kinh nghiệm các năm trước, tín dụng cải thiện thì nguồn vốn đầu tư vào TPCP sẽ giảm đi, trong khi nhu cầu huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển vẫn khá lớn.

Trước tình hình đó,  ngay từ cuối năm 2013, KBNN đã phối hợp với Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam khảo sát nhu cầu đầu tư của các thành viên thị trường trái phiếu trong năm 2014, qua đó dự kiến được khả năng hấp thụ của thị trường đối với từng loại trái phiếu, từng kỳ hạn ..., để xây dựng kế hoạch phát hành năm 2014 cho phù hợp.

Ngoài ra, KBNN tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đã thực hiện trong năm 2013 như:  tăng tần suất phát hành trái phiếu vào các thời điểm thị trường thuận lợi để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi của NSNN và thanh khoản của KBNN; đa dạng hóa các loại kỳ hạn của trái phiếu để thu hút nhà đầu tư, tăng khối lượng phát hành trái phiếu dài hạn để kéo dài kỳ trả nợ, linh hoạt trong việc sử dụng tín phiếu kỳ hạn ngắn để thu hút nguồn vốn ngắn hạn từ các NHTM; bám sát tình hình thị trường để quyết định kỳ hạn và khối lượng phát hành hợp lý của từng đợt đấu thầu.

Bên cạnh các giải pháp thị trường, KBNN cũng chú trọng trong công tác quản lý phát hành TPCP, trong đó: chủ động phối hợp chặt chẽ với Vụ Tài chính - Ngân hàng tham mưu cho Bộ khung lãi suất phù hợp, điều hành linh hoạt lãi suất trúng thầu TPCP, đảm bảo khả năng huy động vốn cho NSNN và sát với định hướng điều hành chính sách tiền tệ; phối hợp với Vụ NSNN trong việc tham mưu cho Bộ kế hoạch huy động hàng quý, vừa đảm bảo nhu cầu chi NSNN, vừa phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường.

Trong năm 2014, KBNN sẽ triển khai nghiên cứu một số sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa công cụ trên thị trường TPCP, tăng khả năng huy động vốn.

Xin cảm ơn bà!