Sẽ sai lầm khi huy động vàng bằng lãi suất

Theo Hà Tâm/baodautu.vn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục im lặng trước đề xuất huy động vàng trong dân, song giới chuyên gia cho rằng, nếu không trả lãi suất thì huy động vàng sẽ “bất khả thi”, còn nếu trả lãi suất thì sẽ là một sai lầm lớn.

Việc huy động vàng trong dân không đơn giản, nhất là với tâm lý tích trữ tài sản tồn tại từ rất lâu. Ảnh: Chí Cường
Việc huy động vàng trong dân không đơn giản, nhất là với tâm lý tích trữ tài sản tồn tại từ rất lâu. Ảnh: Chí Cường

Ngã vào vết xe đổ

Liên quan đến đề xuất lập sàn vàng và huy động vàng trong dân theo đề xuất của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, một nguồn tin từ NHNN cho hay, trong ngắn hạn, cơ quan này chưa có ý định lập sàn vàng hay huy động vàng trong dân.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc huy động vàng trong dân không đơn giản. Bởi nếu huy động không trả lãi, người dân sẽ chẳng mang vàng ra gửi, nhất là với tâm lý “vàng cất ống bơ” tồn tại hàng trăm năm nay. Còn trả lãi để huy động vàng sẽ là sai lầm lớn, dẫm vào vết xe đổ trước đây.

“Tôi không đánh giá cao tư duy huy động vàng trong dân bằng công cụ lãi suất. Trả lãi khi huy động vàng sẽ làm tăng vàng hóa, điều mà chúng ta đã phải rất vất vả mới thoát ra được, làm như vậy là đi ngược với những nỗ lực trước đây”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) bình luận.

Một thời gian dài trước đây, khi NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được huy động và cho vay vàng, nhiều ngân hàng đã trở thành các “tay to” lũng đoạn thị trường vàng, gây ra các cơn sốt nóng, sốt lạnh. Sóng vàng cũng đã hút một lượng ngoại tệ không nhỏ, từ đó gây ảnh hưởng xấu đến tỷ giá và cả kinh tế vĩ mô.

Chính vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, thời gian tới, nếu có huy động vàng, NHNN cũng không nên để các ngân hàng thương mại thực hiện, mà đích thân đứng ra chủ trì. Bên cạnh đó, không nên trả lãi huy động vàng mà huy động bằng cấp chứng chỉ vàng. Tuy nhiên, để người dân mạnh dạn gửi vàng để lấy chứng chỉ, cũng phải tạo lập được thị trường giao dịch sơ cấp và thứ cấp cho loại chứng chỉ này. Dù vậy, khả năng này cũng khá mơ hồ.

Do cả cách thức trả lãi cho người dân lẫn cách thức sử dụng số vàng sau khi huy động về đều tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nên không có gì khó hiểu khi NHNN tiếp tục im lặng, dù ý tưởng huy động vàng trong dân đã được NHNN đặt ra năm 2011 và Chính phủ cũng nhiều lần yêu cầu NHNN nghiên cứu vấn đề này.

Sàn vàng phục vụ nhà đầu tư hay giới đầu cơ?

Theo đề xuất của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nên thành lập các sàn vàng, vừa nhằm huy động vàng, vừa tạo sân chơi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, phần lớn dân thường mua vàng với mục đích tích trữ tài sản lâu dài, mà không quan tâm đến diễn biến hàng ngày, họ sẽ không mặn mà với sàn vàng.

“Động cơ nắm giữ chủ yếu mang tính dài hạn để bảo toàn tài sản, như một thứ của để dành, dù giá vàng lên hay xuống, họ vẫn tích trữ như một thói quen, đây là điều không dễ thay đổi. Những đối tượng muốn tham gia sàn vàng có lẽ chủ yếu là giới đầu cơ hoặc những người có ít tiền nhàn rỗi, buôn bán nhỏ tranh thủ lướt sóng”, TS. Nguyễn Đức Độ nói.

TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, huy động được nguồn vàng nằm trong dân là điều rất tốt, nhưng huy động qua sàn vàng thì khó khả thi, nhiều rủi ro. Do đó, giải pháp tốt nhất để huy động vàng trong dân là ổn định kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh. Khi môi trường kinh doanh tốt lên, người dân làm ăn dễ dàng, họ sẽ bỏ tiền ra đầu tư làm ăn.

Chung quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng: “Muốn người dân thôi không nắm giữ vàng, chỉ còn một cách là kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất tiền gửi hấp dẫn hơn. Còn khi kinh tế vĩ mô tiếp tục bất ổn, lãi suất tiền đồng thấp, thì người dân vẫn nắm vàng, không có gì ngăn cản được”.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, sau hơn 4 năm thực hiện các chính sách quản lý thị trường vàng, đến nay, thị trường đang diễn biến ổn định, biến động của giá vàng không còn tác động lớn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ cũng như kinh tế vĩ mô ổn định, tình trạng “vàng hoá” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Theo ông Mai Tiến Dũng, NHNN đang nghiên cứu, đánh giá lại chính sách quản lý vàng thời gian qua để đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả hơn trong thời gian tới. “Mục tiêu vẫn là tiếp tục duy trì sự ổn định thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng vàng hoá trong nền kinh tế, tạo tiền đề để tiếp tục chuyển hoá nguồn lực vàng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, ông Dũng chia sẻ.