Siết chặt quản lý quỹ dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng trong và ngoài nước

Hồng Nhung

(Tài chính) Ngày 21/01/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02) quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2013.

Ảnh minh họa. Nguồn: Interent
Ảnh minh họa. Nguồn: Interent

5 nhóm nợ xấu

Tại Thông tư 02, các khoản nợ xấu được phân loại như sau:

Nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm các khoản nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng hạn, cộng với các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn cùng với nợ gốc và lãi còn lại đúng hạn.

Nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) bao gồm nợ quá hạn từ 10 đến 90 ngày, các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu.

Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày, nợ gia hạn lần đầu và nợ được miễn giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng.

Đặc biệt, nợ nhóm 3 được bổ sung thêm các trường hợp:

Nợ của khách hàng hoặc bên bảo đảm là tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng theo quy định.

Nợ được bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng hoặc tiền vay được sử dụng để góp vốn vào một tổ chức tín dụng khác trên cơ sở tổ chức tín dụng cho vay nhận tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng nhận vốn góp.

Theo đó, Thông tư 02 sẽ thay thế Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 22/4/2005 về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng và Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN ban hành ngày 25/4/2007 về sửa đổi, bổ sung Quyết định 493.

Nợ không có bảo đảm được cấp với điều kiện ưu đãi hoặc giá trị vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi cấp cho khách hàng thuộc đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định.

Nợ cấp cho công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát có giá trị vượt các tỷ lệ giới hạn theo quy định.

Nợ có giá trị vượt quá giới hạn cấp tín dụng, trừ trường hợp được phép vượt giới hạn, theo quy định của pháp luật.

Nợ vi phạm các quy định của pháp luật về cấp tín dụng, quản lý ngoại hối và các tỷ lệ đảm bảo an toàn với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nợ vi phạm các quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay, chính sách dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nợ đang thu hồi theo kết luận thanh tra.

Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) sẽ bao gồm các khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 2; Nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng đã quá thời hạn thu hồi đến 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được...

Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) bao gồm nợ quá hạn trên 360 ngày, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn.

Mức dự phòng và tỷ lệ nợ xấu

Thông tư 02 cũng quy định: Mức dự phòng cụ thể được trích cho các nhóm nợ từ 1 đến 5 vẫn giữ nguyên so với quy định tại Quyết định 493 là 0%, 5%, 20%, 50% và 100%. Mức dự phòng chung vẫn giữ nguyên là 0,75% trên tổng dư nợ.

Ngoài ra, Thông tư 02 cũng hướng dẫn tỷ lệ nợ xấu sẽ được tính bằng tỷ lệ giữa nợ xấu so với tổng nợ từ nhóm 1 đến nhóm 5 và bổ sung thêm nợ của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị phong tỏa vốn và tài sản.

Một điểm mới đáng lưu ý trong Thông tư 02 là khái niệm "Tỷ lệ cấp tín dụng xấu". Theo đó, tỷ lệ cấp tín dụng xấu là tỷ lệ giữa tổng nợ và cam kết ngoại bảng từ nhóm 3 đến nhóm 5 so với các cam kết ngoại bảng từ nhóm 1 đến nhóm 5.

Tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng phải báo cáo

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài ít nhất mỗi quý một lần, trong 15 ngày đầu tiên của tháng mỗi quý phải tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của quý trước và gửi báo cáo này lên cho Trung tâm xếp hạng tín dụng (CIC).

Riêng với quy cuối cùng của kỳ kế toán năm, trong 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng cuối cùng, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của tháng thứ hai quý cuối cùng của kỳ kế toán.

Ngoài thời điểm phân loại nêu trên, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo quy định nội bộ.

Một số nội dung mới trong Thông tư 02

(i) Các khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;

(ii) Số tiền mua và uỷ thác mua trái phiếu chưa niêm yết;

(iii) Uỷ thác cấp tín dụng;

(vi) Tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán); Quy định Tổ tổ chức tín dụng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại nợ theo thời gian quá hạn để phù hợp điều kiện thực tế hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phân loại theo phương pháp định tính, Thông tư quy định đồng thời phân loại theo phương pháp định lượng và nếu có khoản nợ, cam kết ngoại bảng được phân loại theo định lượng vào nhóm có mức độ rủi ro cao hơn thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải điều chỉnh cho phù hợp…