Siết cho vay ngoại tệ

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 29/2013/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú. Như vậy, đây là bước tiếp theo của NHNN trong việc siết cho vay ngoại tệ.

Siết cho vay ngoại tệ
Thông tư 29/2013/TT-NHNN là bước tiếp theo của NHNN trong việc siết cho vay ngoại tệ. Nguồn: internet

4 nhóm doanh nghiệp được vay

Theo Thông tư 29, từ năm 2014, các tổ chức tín dụng chỉ được phép cho vay vốn ngoại tệ đối với 4 nhóm doanh nghiệp. Theo đó, cho vay ngắn, trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đối với doanh nghiệp có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 2014, có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu, nhưng không có hoặc không đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay, chỉ được vay ngắn hạn.

Quy định này thực hiện đến hết ngày 31/12/2014. Bên cạnh đó, cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam đối với doanh nghiệp có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Nhóm doanh nghiệp này, khi được tổ chức tín dụng giải ngân vốn cho vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2014.

Nhóm cuối cùng, cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

Như vậy, cho vay ngắn hạn ngoại tệ đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới, thay vì kết thúc vào cuối năm nay sẽ được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2014.

Tuy nhiên, trong Thông tư 29, NHNN còn quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc cho vay ngoại tệ. Cụ thể, khi tổ chức tín dụng cho vay phải thẩm định và đảm bảo dự án, phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng có khả thi, hiệu quả, khách hàng vay đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật về hoạt động cho vay, có khả năng thu hồi nợ đúng hạn (gốc và lãi).

NHNN cũng kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay ngoại tệ, khi yêu cầu các tổ chức tín dụng phải báo cáo cụ thể về nguồn vốn bằng ngoại tệ để thực hiện cho vay, đồng thời cam kết và đảm bảo cân đối được nguồn vốn bằng ngoại tệ phù hợp với thời hạn, mức vốn cho vay và phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các khách hàng và các nội dung, thông tin cung cấp tại văn bản đề nghị.

Chống đô la hóa

Việc NHNN siết chặt cho vay ngoại tệ do thời gian qua nhu cầu vay để sản xuất kinh doanh thật sự rất ít, trong khi nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc vay vốn ngoại tệ để bán ra thị trường tự do hưởng chênh lệch. Nhận định về việc siết cho vay ngoại tệ, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng NHNN siết việc cho vay ngoại tệ là một trong những bước để thực hiện chương trình xóa tình trạng đô la hóa nền kinh tế của Chính phủ.

Lộ trình chống đô la hóa sẽ kéo dài đến năm 2020, nhưng hiện Chính phủ đã bắt đầu thực hiện thông qua việc tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ và đưa ra danh mục không được phép cho vay ngoại tệ, giảm lãi suất huy động tiền gửi bằng ngoại tệ đối với cá nhân và doanh nghiệp. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2017-2018 sẽ không còn tiền gửi ngoại tệ và cho vay ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Cùng với việc siết cho vay ngoại tệ thời gian qua, tín dụng ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng thương mại cũng sụt giảm mạnh. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 11, dư nợ cho vay bằng tiền đồng tăng 12,1%, trong khi dư nợ cho vay ngoại tệ giảm 22,1% so với cuối năm 2012. Tín dụng ngoại tệ giảm là nguyên nhân làm tín dụng năm nay tăng trưởng thấp.

Giám đốc phụ trách khối cho vay khách hàng doanh nghiệp của một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp không phải không có, song quy định của NHNN hạn chế rất nhiều đối tượng. Cùng với đó, NHNN cũng kiểm soát chặt chẽ nên các ngân hàng thương mại phải thận trọng thẩm định đối với doanh nghiệp nằm trong diện được vay vốn theo yêu cầu của NHNN.

Hiện nay lãi suất cho vay ngoại tệ ở mức 5-7%/năm, trong khi lãi suất vay tiền đồng tại nhiều ngân hàng áp dụng cao nhất cũng 9-11,5%/năm. Riêng các doanh nghiệp có sức khỏe tốt, có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được ngân hàng cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7%/năm. Vì thế, nếu không thật sự cần ngoại tệ, doanh nghiệp nên vay tiền đồng để tránh rủi ro tỷ giá.