Sôi động trái phiếu chính quyền địa phương

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tổng dư nợ trái phiếu chính quyền của tất cả các địa phương tính đến nay khoảng 17.000 tỷ đồng. Thị trường trái phiếu chính quyền địa phương được nhận định là sẽ tiếp tục sôi động.

Sôi động trái phiếu chính quyền địa phương
Phát hành trái phiếu chính quyền nhằm huy động các nguồn tiền nhàn rỗi vào xây dựng KT-XH tại địa bàn. Nguồn:Internet

Cuối tuần trước, Hà Nội đã huy động thành công 2.220 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô kỳ hạn 5 năm với lãi suất trúng thầu 7,26%/năm. Phiên đấu thầu được nhận định khá sôi động. Các thành viên dự thầu hầu hết là các ngân hàng đã đặt lãi suất đấu thầu trong vùng 6,8 - 7,9%/năm - cao hơn trái phiếu Chính phủ. Đợt phát hành này đã đưa tổng vốn Hà Nội đã huy động qua trái phiếu lên 6.620 tỷ đồng, tính từ năm 2013 đến nay.

Giữa tháng 7 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị HĐND thành phố xem xét, phê duyệt đề án phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương năm 2014. Thời gian phát hành trái phiếu dự kiến vào quý III và toàn bộ số tiền thu được sẽ ưu tiên bố trí cho 60 công trình, dự án hạ tầng quan trọng của thành phố.

Nhiều tỉnh, thành phố đều đã và đang có kế hoạch phát hành trái phiếu huy động vốn cho ngân sách địa phương trong những tháng cuối năm nay và một vài năm sắp tới. Giai đoạn 2003 - 2011, trên quy mô toàn quốc, chỉ có 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai phát hành đạt 15.697 tỷ đồng. Năm 2012, có 2 tỉnh, thành phố phát hành trái phiếu là TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với tổng khối lượng phát hành là 4.810 tỷ đồng. Nhưng từ năm 2013, các địa phương đã đua nhau phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tạo nên làn sóng mới trên thị trường trái phiếu sôi động. Đứng đầu là UBND TP Hồ Chí Minh phát hành thành công 3.480 tỷ đồng.

Tổng dư nợ trái phiếu chính quyền của tất cả các địa phương tính đến nay khoảng 17.000 tỷ đồng. Đây là số liệu của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cũng là một trong các thống kê ít ỏi và cập nhật nhất về thị trường trái phiếu chính quyền địa phương. Dòng tiền đổ ra mua trái phiếu chính quyền địa phương vẫn là từ các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại cổ phần đã mua loại trái phiếu này gồm Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Quân đội (MBB), Đầu tư và Phát triển (BIDV), NN và PTNT (Agribank), Ngoại thương (Vietcombank), Hàng hải (Maritime Bank), Kỹ thương (Techcombank), Liên Việt và Bảo hiểm nhân thọ AIA...

Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt nhận định, thị trường trái phiếu chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phát triển khi nguồn vốn ngân sách không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của từng địa phương. Hơn nữa, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến hết tháng 7, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 3,68% so với cuối năm 2013, trong khi tốc độ huy động vốn tăng 6,98%. Để cán đích tăng trưởng tín dụng (12% - 14%), các ngân hàng vẫn buộc phải đẩy vốn ra. Trong tương quan với các kênh đầu tư an toàn và có thể sinh lời thì trái phiếu, trong đó có trái phiếu chính quyền địa phương, vẫn là lựa chọn số một. Bên cạnh đó, so với trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương có mức lãi suất hấp dẫn hơn, đồng thời, giúp các tổ chức đa dạng hóa danh mục đầu tư trái phiếu. Đây là những lý do khiến các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm nhiều hơn tới trái phiếu chính quyền địa phương trong thời gian tới.