Sớm có cơ chế đưa các doanh nghiệp FDI lên niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán
Tới đây, Bộ Tài chính sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế đưa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lên niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ có cơ chế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện giám sát các doanh nghiệp này sau khi lên sàn.
Trước đây đã có một số doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn. Trong đó, có thể kể tên một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (TYA), Công ty cổ phần Everpia (EVE), Công ty cổ phần Mirae (KMR), Công ty cổ phần Công nghiệp Tung Kuang (TKU)…
Tuy nhiên, trên thực tế, cũng không ít doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn đã không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư khi nắm giữ cổ phiếu. Một số doanh nghiệp thua lỗ dần lộ diện, cổ phiếu rớt xuống dưới mệnh giá, thậm chí bị hủy niêm yết.
Do đó, hấp lực các cổ phiếu này cũng suy giảm mạnh. Cộng thêm việc thiếu các quy định pháp lý, việc doanh nghiệp FDI lên sàn dần ít người đề cập, nhất là khi TTCK Việt Nam phải trải qua thời kỳ dài thăng trầm cùng những khó khăn khách quan của thị trường tài chính toàn cầu cũng như trong nước..
Tuy nhiên, gần đây, việc việc niêm yết của doanh nghiệp FDI lại được đề cập đến nhiều hơn. Theo Bộ Tài chính, hiện nay, có một số doanh nghiệp FDI đã chuyển đổi thành công ty cổ phần nhưng chưa có quy định pháp lý cụ thể về việc niêm yết/đăng ký giao dịch.
Cuối tháng 5/2019, Bộ Tài chính đã họp xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an), trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế niêm yết/đăng ký giao dịch đối với doanh nghiệp FDI.
Seoul Metal Việt Nam và Ngũ Kim Fortress Việt Nam đã lên kế hoạch niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) từ năm 2017 nhưng đến nay, mọi sự vẫn chưa được rõ ràng do vướng mắc chính là doanh nghiệp FDI.
Lí giải thêm về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng một phần là vì doanh nghiệp có nhu cầu đưa cổ phiếu lên sàn, phần khác là vì TTCK cần lớn về quy mô và đa dạng phạm vi hoạt động, nên lấp khoảng trống pháp lý cho doanh nghiệp loại này lên sàn đang trở thành vấn đề thời sự.
Cuối tháng 5/2019, Bộ Tài chính đã họp xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an), trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế niêm yết/đăng ký giao dịch đối với doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, việc giám sát hoạt động của các doanh nghiệp FDI cũng cần phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, tránh những rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời ảnh hưởng đến hình ảnh chất lượng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính sẽ có cơ chế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện giám sát sau khi các doanh nghiệp FDI lên sàn.
Theo các chuyên gia, TTCK đang chờ đợi tiến trình pháp lý sẽ được đẩy nhanh hơn, để khối DN có nhu cầu, có năng lực, có tính chuyên nghiệp và quốc tế hóa cao hơn là khối FDI sẽ sớm xuất hiện trên TTCK để đa dạng hóa hàng hóa và tăng quy mô thị trường.