Sóng cổ phiếu M&A

Theo tinhnhanhchungkhoan.vn

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán trong nước chứng kiến nhiều cổ phiếu tăng phi mã nhờ những thông tin xung quanh việc thâu tóm, thay đổi cơ cấu cổ đông lớn của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhà đầu tư hẳn không còn xa lạ với câu chuyện đi lên liên tục của cổ phiếu TTF (CTCP Tập đoàn Gỗ Trường Thành) từ năm 2014 đến nay.

Bên cạnh thông tin hỗ trợ tích cực từ phía Công ty về việc tái cơ cấu nợ thành công, đạt lại mức doanh thu kỷ lục 3.000 tỷ đồng như thời còn hoàng kim thì thông tin Tập đoàn Vingroup - thông qua CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát tham gia là đối tác chiến lược của TTF đã giúp thị giá cổ phiếu này tăng mạnh.

Sau Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của TTF, dù thông tin Tân Liên Phát sẽ sở hữu 69% vốn chính thức được công bố và nhiều nhà đầu tư và công ty chứng khoán đều có nhận định giá cổ phiếu đã cao, nhưng từ đó đến nay, thị giá cổ phiếu TTF vẫn tiếp tục tăng từ 22.000 đồng/CP lên hơn 37.000 đồng/CP, bất chấp những phiên thị trường điều chỉnh.

Ngay trong phiên 24/6, thời điểm đa số các mã cổ phiếu đụng sàn vì sự kiện Brexit thì TTF chỉ giảm nhẹ, sau đó lại bật tăng. Động lực chính vẫn đến từ kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư vào việc Vingroup chưa dừng ở mức sở hữu 69%.

Ngoài câu chuyện của TTF, thời gian qua, cặp cổ phiếu DRH (của CTCP Căn nhà Mơ Ước, Dream House) và KSB (của CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương) cũng khiến nhà đầu tư chóng mặt khi liên tục tăng giá. Đà tăng khởi đầu từ khi thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn tại doanh KSB và DRH liên tiếp công bố sở hữu 10%, 15% và mới đây là đăng ký mua thêm để sở hữu 20% cổ phần KSB.

Trao đổi với phóng viên, một số chuyên viên phân tích vẫn chưa lý giải được đà tăng này ngoài kỳ vọng DRH sẽ tiếp tục gia tăng sở hữu tại KSB lên mức chi phối...

Một cổ phiếu duy trì đà tăng tốt nhờ thông tin bị nhà đầu tư ngoại thâu tóm là SVC của CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn. Cuối năm 2015, thông tin quỹ đầu tư Thái Lan Finansia Syrus Securities Public Company Limited mua thêm 74.000 cổ phiếu SVC, nâng số cổ phần nắm giữ từ 1.225.280 cổ phiếu lên 1.299.280 cổ phiếu SVC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,2% vốn tại Công ty và tiếp tục mua vào để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 9% hiện tại. Một cổ đông ngoại khác là Probus Opportunities đã mua thêm 90.300 cổ phiếu SVC, nâng tỷ lệ nắm giữ từ 4,78% lên 5,14% vốn.

Xu hướng nhà đầu tư Thái Lan đầu tư hàng loạt doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn từ năm 2015, trong đó, SVC là doanh nghiệp phân phối ô tô, xe máy có thị phần lớn trong nước. Do vậy, thị trường đang dự báo kịch bản M&A có khả năng xảy ra trong tương lai tại SVC và nếu kịch bản này xảy ra, với sự hỗ trợ của cổ đông đến từ Thái Lan, tiềm năng tăng trưởng của SVC được đánh giá cao. Hiện, cổ đông lớn nhất của SVC là Tổng công ty Bến Thành, sở hữu 40,81% vốn. Trong hơn 1 tháng qua, cổ phiếu SVC đã tăng 12.600 đồng/CP, tương ứng mức tăng 33,7%, với khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên hơn 125.000 cổ phiếu.

Cổ phiếu CTI của CTCP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO cũng đạt mức tăng gần 20% trong 1 tháng qua, với thanh khoản gần 833.000 cổ phiếu/phiên. Theo thông tin trên thị trường, nhà đầu tư đang rất kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp này.

Ngoài ra, còn có thông tin CTI đã tìm được đối tác trong đợt phát hành riêng lẻ, với mức giá thỏa thuận cao hơn so với mức giá giao dịch quanh thời điểm diễn ra ĐHCĐ là 22.000 đồng/CP đã giúp cổ phiếu này tiếp tục gia tăng.

Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTI, Công ty có kế hoạch phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phần, với giá phát hành không thấp hơn 20.000 đồng/CP. Dự kiến, số tiền huy động tối thiểu là 200 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư các dự án BOT mà Công ty dự định thực hiện trong năm 2016.

Cụ thể, Dự án nút giao 319 và cao tốc TPHC - Long Thành có mức đầu tư 84 tỷ đồng; dự án đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng tại xã Tam Phước, mức đầu tư 18 tỷ đồng và 98 tỷ đồng để thanh toán nợ vay ngắn hạn, đầu tư các dự án khác.

Thông tin một doanh nghiệp trở thành đích ngắm thâu tóm của một hoặc một nhóm nhà đầu tư thường giúp cổ phiếu của một doanh nghiệp tăng giá. Điều đó xuất phát từ kỳ vọng việc “gom hàng” của bên đi thâu tóm sẽ đẩy thị giá cổ phiếu lên cao. Xa hơn nữa là kỳ vọng với sự tham gia của cổ đông mới, doanh nghiệp sẽ được “thổi luồng gió mới”, hoạt động hiệu quả hơn trước kia.

Nhiều nhà đầu tư đã thắng lớn nhờ sóng M&A, tuy nhiên, việc đuổi theo con sóng này, đẩy giá cổ phiếu lên cao cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn với nhà đầu tư. Bởi thực tế, không ít doanh nghiệp đã công bố ý định M&A một doanh nghiệp, nhưng vì nhiều lý do bất thành. Và ngay cả khi kế hoạch thành công thì không phải cuộc M&A nào cũng cho trái ngọt.