"Sóng" khoáng sản và nỗi buồn của nhà đầu tư

lê thuận

(Taichinh) - Thị trường lình xình thì cổ phiếu khoáng sản lại bắt đầu nổi sóng. Đây là niềm vui hiếm hoi của nhà đầu tư (NĐT) đang nắm giữ những cổ phiếu ngành này. Tính từ đầu năm đến nay, hầu hết cổ phiếu khoáng sản giảm giá sâu, có những cổ phiếu giảm sàn cả chục phiên liên tiếp khiến NĐT choáng váng. Ai mà nắm giữ những cổ phiếu này lâu dài đang bị thiệt hại nặng nề.

Rất nhiều NĐT đặt niềm tin vào cổ phiếu ngành khoáng sản.
Rất nhiều NĐT đặt niềm tin vào cổ phiếu ngành khoáng sản.

TTCK 6 tháng đầu năm, cũng đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho NĐT. Những con sóng tăng giảm thất thường giúp cho NĐT kinh nghiệm có nhiều cơ hội kiếm lãi. Tuy nhiên, buồn nhất là các cổ đông nắm giữ cổ phiếu các DN ngành khoáng sản niêm yết thì tài sản bốc hơi, hao hụt hàng ngày.

Ám ảnh nỗi buồn KSS?

Phiên giao dịch đầu quý III không có gì bất ngờ khi khối ngoại giảm mua ròng rất mạnh. 6 tháng đầu năm, thị trường chứng kiến các hoạt động giao dịch rất thăng trầm với nhiều biến động khó lường. Trong phiên giao dịch ngày 1/7, cổ phiếu ngành khoáng sản bật tăng trở lại, giúp NĐT đang bị thua lỗ phần nào thoát khỏi cảnh khó khăn vừa qua. Nhóm cổ phiếu ngành khoáng sản đã giảm sâu trong quý II khiến tài khoản của NĐT bốc hơi hàng trăm tỷ đồng.

Điểm bất ngờ nhất là nhóm cổ phiếu khoáng sản đồng loạt tăng trần với thanh khoản tăng mạnh. Đặc biệt là cổ phiếu KSS của công ty Khoáng sản Na Rì Hamico sau 17 phiên giảm sàn "bán đổ, bán tháo" chẳng ai muốn mua, đã bật tăng trần trở lại.

Sau sai phạm của người đứng đầu DN bị vướng vào vòng lao lý, cổ đông nắm giữ cổ phiếu KSS như ngồi trên đống lửa và phải gánh chịu nỗi đau, mất mát, thiệt hại hàng chục tỷ đồng không biết khi nào mới vớt vát lại được.

KSS sụt giảm liên miên từ khi lãnh đạo chủ chốt bị bắt là một thiệt hại rất lớn đối với NĐT nắm giữ cổ phiếu này. KSS có vốn điều lệ gần 500 tỷ đồng, nhưng giờ giá trị chỉ còn 69 tỷ đồng. Cổ phiếu KSS bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, nhưng đã bất ngờ được kéo lên mức giá trần, giúp nhiều NĐT phần nào lấy lại được ít vốn.

Thông tin mua vào cổ phiếu KSS có thể được phát đi từ ĐHCĐ mới diễn ra gần đây là: KSS sẽ tái cấu trúc thông qua hợp tác/sáp nhập, kiến nghị chủ nợ gia hạn… Chưa biết số phận của KSS sẽ tiếp tục diễn ra như thế nào, nhưng kinh nghiệm cho thấy thì bất cứ DN nào nếu Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc bị bắt thì "bạo loạn" thường xảy ra và khó thể nào bật tăng ngay trở lại được.

Thực tế, trước khi bị bắt, ông Nguyễn Văn Dĩnh, nguyên Chủ tịch kiệm Tổng Giám đốc KSS đã kịp bán hơn 1,9 triệu KSS với mức giá bình quân từ 3.100 - 3.300 đồng/cổ phiếu. Ông Dĩnh đã giao dịch "chui" mà không công bố thông tin để thu về số tiền khoảng 6,2 tỷ đồng.

Với sự kiện nghiêm trọng này, nhiều người vẫn nghĩ KSS sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản nên "bán đổ, bán tháo" nhằm vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Trường hợp KSS bị phá sản thực sự thì cũng chẳng biết kêu ai.

Ánh sáng cuối đường hầm?

Sau hơn 5 năm bám trụ với TTCK, nỗi đau hiện tại của NĐT vào cổ phiếu KSS là lớn nhất. Lệnh đặt bán giá sàn mòn mỏi hàng phiên nhưng người mua không có mấy. Thống kê từ đầu năm 2015 đến hết quý II, giá cổ phiếu KSS đã mất hơn 75%. Trong phiên giao dịch ngày 30/6, KSS vẫn bị bán sàn ở mốc 1.200 đồng/cổ phiếu, nhưng cuối phiên quay đầu tăng trần mạnh mẽ với dư mua hàng triệu cổ phiếu ở giá trần 1.400 đồng/cổ phiếu.

Cùng với sóng cổ phiếu KSS tăng trần ngày 30/6, cũng có rất nhiều cổ phiếu dòng khoáng sản trong phiên 1/7 là BGM, PTB, KSH, LCM… đều đã được kéo lên mức giá trần. Đối với cổ phiếu LCM của Khoáng sản Lào Cai từng được kỳ vọng có doanh thu và lợi nhuận cải thiện, nhưng giá cổ phiếu giảm hơn một nửa so với đầu năm. Sau kết quả thua lỗ gần 48 tỷ đồng cho năm 2014, cổ phiếu LCM đã giảm mạnh, dù phương án khắc phục đã được đưa ra.

Một cổ phiếu khác là Khoáng sản Tây Bắc (KTB) cũng là một cổ phiếu mất giá đến hơn một nửa so với đầu năm. Dù ĐHCĐ hồi đầu tháng 6 thông qua kế hoạch lãi năm 2015 gấp 3 lần năm ngoái, nhưng cổ phiếu KTB giảm sàn nhiều phiên liên tiếp khiến NĐT ngỡ ngàng không hiểu tại sao. Lệnh bán sàn chất đống nhưng hấp thụ chỉ vài trăm ngàn cổ phiếu mỗi phiên.

Trong số 15 cổ phiếu khoáng sản đang niêm yết, có tới 10 cổ phiếu giảm giá so với đầu năm. Ngoài những cổ phiếu mất hơn 50% giá trị như trên, có những cổ phiếu mất hơn 30% giá trị, như BGM của Khoáng sản Bắc Giang; DHM của Khoáng sản Dương Hiếu; KSA của Khoáng sản Bình Thuận…

Chỉ một số ít cổ phiếu khoáng sản có sự tăng giá là cổ phiếu MIC của Khoáng sản Quảng Nam, tăng gấp đôi so với đầu năm. Sự tăng giá diễn ra kể từ khi MIC quay trở lại giao dịch trên sàn UpCOM. Cổ phiếu MIM của Khoáng sản Cơ khí đạt mức tăng giá cổ phiếu 22% nhưng thanh khoản khá èo uột, chỉ vài trăm cổ phiếu/phiên.

Như vậy, 6 tháng đầu năm nay, cổ phiếu khoáng sản đã khiến NĐT thua lỗ nặng nề. Đây là giai đoạn đáng buồn của rất nhiều NĐT đặt niềm tin vào cổ phiếu ngành khoáng sản. Các cổ phiếu này chủ yếu là lao dốc đi xuống, rao bán quyết liệt giá sàn mà chẳng ai mua. Với phiên tạo sóng vừa qua, liệu có phải là "ánh sáng cuối đường hầm" để NĐT thoát khỏi cảnh chán nản khi nắm giữ những cổ phiếu ngành này?