“Sóng” vàng vẫn chưa lặng

Theo ktdt.com.vn

(Tài chính) Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, từ ngày 28/3 đến nay, cơ quan này đã tổ chức 67 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng cộng 1.792.000 lượng vàng được chào thầu (tương đương hơn 67 tấn vàng) và bán được 1.681.500 lượng vàng (tương đương hơn 63 tấn vàng).

“Sóng” vàng vẫn chưa lặng - Ảnh 1
TS. Trần Hoàng Ngân
Tại phiên đấu thầu vàng thứ 67, ngày 25/10,  NHNN  "ế" tới 3.700 lượng vàng đấu thầu. Trao đổi với phóng viên, TS. Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, lực mua trên thị trường yếu, trong khi đó, giá vàng thế giới lại biến động thất thường theo chiều đi xuống đã khiến cho doanh nghiệp không dám tham gia đấu thầu mua vàng nhiều vì sợ rủi ro.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, ngoài nguyên nhân trên còn lý do khác là khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn cao, vậy tại sao NHNN không đưa mức giá đấu thầu về sát với giá thế giới?

TS. Trần Hoàng Ngân: Có không ít lý do tạo khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bởi đa phần vàng trong nước là nhập khẩu. Ngoài ra, việc để chênh lệch cũng không phải là mong muốn của NHNN. Đây là do khách quan tạo ra cho thị trường. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là, vậy chúng ta có lợi gì không? Rõ ràng là có lợi. Điều này làm nản lòng những người muốn mua vàng và như vậy là chúng ta đã chống được hoạt động đầu cơ. Bây giờ giới đầu tư vàng đã hạn chế đi rất nhiều, giúp cho việc chống vàng hóa nền kinh tế.

Đưa giá vàng trong nước về tương đương với giá vàng thế giới, về ngắn hạn đồng nghĩa với việc lượng vàng nằm trong dân sẽ nhiều hơn. Đối với NHNN, sẽ là rủi ro nếu ngay lập tức định giá đầu thầu ở mức thấp. Mặc dù với mục tiêu thực hiện đấu thầu để bình ổn giá vàng nhưng bên cạnh đó là mục tiêu không làm thất thoát dự trữ ngoại hối. 

Vì vậy, với những bước đi thận trọng của NHNN không phải không có căn cứ, việc bình ổn thị trường không chỉ một sớm một chiều mà thành công. Việc đấu thầu vàng miếng ít nhiều cũng bắt đầu cho thấy hiệu quả sau hàng loạt những động thái tham gia bình ổn, dùng mọi cách để không tạo cơn sốt vàng.

Thế nhưng, trong hơn 60 tấn vàng đấu thầu thành công đã có 30 tấn được người dân mua lại. Như vậy, mục tiêu chống vàng hóa trong nền kinh tế có đạt không, thưa ông?

Người dân có nhu cầu mua vàng là chuyện bình thường, đó là tập quán lâu năm rồi, nhưng lượng mua đã giảm dần so với trước đây. Một điểm nữa là ta đưa thị trường vào trật tự và như vậy góp phần làm cho thị trường USD tự do không hỗn loạn như trước đây, ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ. Việc huy động vàng trong dân sẽ có một bài toán trong tương lai.

Để làm được việc này, chúng ta phải đảm bảo được tính an toàn cho người huy động. Do đó, phải có thị trường phái sinh để người ta thực hiện các công cụ bảo hiểm giá vàng, giống như công cụ bình chọn, thị trường giao sau… mới bảo hiểm được, tức là huy động xong mình bán nhưng nếu giá vàng lên thì có bảo hiểm để bù đắp, khi đó cơ chế huy động vàng mới thành công. Còn lại mục tiêu của mình đạt được là chống vàng hóa, người dân ít quan tâm đến vàng hơn.

Ông bình luận gì về việc quản lý thị trường vàng thời gian vừa qua? Theo ông NHNN có nên dừng các phiên đấu thầu?

Có nhiều ý kiến cho rằng đấu thầu vàng đã hoàn thành sứ mệnh của nó, do vậy NHNN cần thay đổi trong điều hành nhằm tạo ra sự lưu thông giữa thị trường vàng trong nước và vàng quốc tế, bớt rủi ro, gánh nặng cho NHNN, vì khả năng mua vàng của NHNN cũng có hạn. Và nếu giá vàng thế giới tăng đột biến, NHNN lãnh đủ và một ngân hàng trung ương không nên chịu rủi ro như vậy.Tuy nhiên theo tôi, việc tổ chức các phiên đấu thầu nhiều hay ít, NHNN đã có sự tính toán kỹ lưỡng. Mấy tuần gần đây, NHNN đã giảm số phiên đấu thầu vàng hàng tuần về một phiên. Tuần trước, khi chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới lên gần 5 triệu đồng/lượng, có 2 phiên đấu thầu được tổ chức.

Nếu nhìn vào diễn biến thị trường với biên độ đang dần thu hẹp nhiều người ngỡ tưởng "sóng" vàng đã lặng, nhưng thực chất không hẳn vậy. Có thể, thời điểm hiện nay khi thị trường vừa được "tiếp sức" bằng lượng cung thông qua đấu thầu, NHNN có thể "giãn" thời gian các phiên đấu thầu và số lượng vàng đấu thầu cũng giảm dần để phù hợp với sức mua của thị trường. Nhưng về lâu dài thị trường vẫn cần vàng cung qua kênh này. Với chính sách điều hành vàng hiện nay, NHNN là kênh cung ứng vàng miếng duy nhất cho doanh nghiệp và ngân hàng, nếu kênh này mất thì cả thị trường sẽ "tắc". 

Giải pháp này ở thời điểm hiện nay tôi thấy là hợp lý nhất. Nhưng nó vẫn có mặt trái. Mặt trái đó là chúng ta chưa huy động được cung cầu trên thị trường. Đợi đến một lúc nào đó, khi điều kiện thị trường vàng thế giới ổn định thì mình chỉnh. Khi đó mới tạo ra được một sàn vàng vật chất giống như các nước, tạo được nguồn cung cầu vàng, thay vào việc phải nhập khẩu vàng về như hiện nay. Tạo cung cầu - vàng thông qua sàn vàng vật chất, không phải là vàng tài khoản, khi đó chúng ta sẽ giải quyết được bài toán vàng. Quá trình này là quá trình chúng ta đang đi xây dựng các giải pháp để khắc phục những nhược điểm của đấu thầu vàng hiện nay.

Xin cảm ơn ông!