Sửa đổi Luật Đất đai: Phải bám sát thực tiễn đời sống

Thành Chung (Chinhphu.vn).

Đó là đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 17/9.

Sửa đổi Luật Đất đai: Phải bám sát thực tiễn đời sống

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng thực tiễn đời sống đang đặt ra những vấn đề mà Luật Đất đai hiện hành chưa giải quyết được như: giá đất, đền bù, giải tỏa, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, giao đất… trong đó, việc xác định giá đất và đền bù đất đang là vấn đề nan giải nhất.

Làm rõ nguyên tắc định giá đất

Tờ trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày tại phiên họp đã bổ sung những quy định mới về xác định giá đất, đền bù đất.

Cụ thể, nguyên tắc định giá đất do Nhà nước quyết định sao cho “phù hợp” với giá thị trường mà không còn là “sát” với giá thị trường, bởi Nhà nước định giá đất sẽ rất khó “sát” giá thị trường. Đồng thời Chính phủ quy định phương pháp định giá đất.

Về căn cứ để định giá theo thị trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết khi có quy hoạch sử dụng đất thì mới chỉ biết được rằng quy hoạch bao nhiêu ha, sử dụng vào mục đích gì… Tới khi có quy hoạch giao thông để có đường, quy hoạch dự án thì ta mới thấy rõ chỗ đó sẽ làm cái gì.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu thí dụ, đất để đấu giá làm công trình thì Nhà nước định giá 1 triệu đồng/m2, lúc này thị trường đất đã bắt đầu hình thành. Đấu giá xong, người trúng giá ở mức 5 triệu đồng. Lúc này, 5 triệu đồng mới là giá thị trường, 4 triệu đồng dôi dư có thể đưa vào quỹ đất dùng để đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo việc làm… cho người dân bị thu hồi đất.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại và đề nghị nghiên cứu để xác định giá thị trường là loại giá nào và “thế nào cũng phải có nguyên tắc định giá đất theo thị trường”.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể phương pháp định giá đất ngay trong luật.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, xác định giá đất là khâu khó nhất... Giá nằm ở thời điểm quy hoạch hay giá khi khởi công các quy hoạch là điều cần xem xét. Vì vậy, cần nghiên cứu các biện pháp để hạn chế tối đa sự biến động của giá đất từ khi quy hoạch đến lúc khởi công.

Quy định cụ thể thời điểm thu hồi đất theo quy hoạch

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ ra bất cập của dự án Luật khi quy định việc thu hồi đất được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tránh tình trạng vừa công bố quy hoạch đã thu hồi đất hay “quy hoạch treo” gây lãng phí đất đai.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, sau khi có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì phải có thêm nhiều quy hoạch chức năng khác nữa thì các dự án mới được khởi công; xác định cụ thể căn cứ vào loại quy hoạch nào thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất và đâu là thời điểm thu hồi.

Đối với một số vấn đề khác mà dự Luật đề cập đến vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau như: thời hạn giao đất nông nghiệp là 50 năm hay bỏ quy định thời hạn giao đất nông nghiệp; bỏ mức hạn điền hay chỉ là nâng mức hạn điền lên cao hơn.

Đáng chú ý, với đề nghị quy định quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng nước ngoài để vay vốn của Chính phủ, có ý kiến e ngại quy định này ảnh hưởng đến chủ trương sở hữu Nhà nước về đất đai và chủ quyền lãnh thổ, nhưng cũng có ý kiến đồng tình nhằm đa dạng nguồn vốn đối với các dự án lớn.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, để đảm bảo chủ quyền thì có thể quy định bằng pháp luật như khi thế chấp phải với điều kiện không được chuyển đổi mục đích công trình đó, điều kiện phát mại do nước ta quy định, cơ chế giải quyết tranh chấp chỉ giải quyết ở tòa án của Việt Nam.

Để đảm bảo việc xây dựng dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa theo đúng tinh thần của kết luận của Nghị quyết Trung ương 5 và sớm gửi bản thảo đến các đại biểu Quốc hội xem xét.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 và dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 5 (diễn ra vào đầu năm 2013).