Thị trường chứng khoán:

Sức cầu sẽ được cải thiện

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Cùng với việc chú trọng thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán, cơ quan quản lý nhà nước đang nỗ lực cho ra đời những qui định mới nhằm tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích ra đời các sản phẩm mới, nâng cao sức cầu và sức hấp dẫn của thị trường.

Cần lộ trình để không gây sự xáo trộn

Trao đổi cụ thể về vấn đề này, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN cho biết, trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán của Thủ tướng trong Quyết định 252, cũng như Chỉ thị 08 năm 2012, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, UBCKNN xây dựng đề án Thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) Việt Nam trên cơ sở hợp nhất hai Sở GDCK.

Hiện nay, UBCKNN đang hoàn chỉnh Đề án này và đã lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, tiếp theo sẽ lấy ý kiến các Bộ ngành. Dự kiến đề án sẽ được trình Chính phủ vào cuối quý 3 đầu quý 4 năm nay.

Tuy nhiên, việc hợp nhất các Sở GDCK cần phải có lộ trình dựa trên nguyên tắc căn bản là tránh sự xáo trộn trên thị trường. Đồng thời, việc hợp nhất này phải gắn với việc đầu tư về công nghệ theo một gói thầu công nghệ thông tin hiện đại; cũng như phải gắn với sự phát triển của các khu vực, sản phẩm của thị trường (trái phiếu, cổ phiếu, sản phẩm phái sinh).

Chính vì vậy, lộ trình triển khai việc hợp nhất hai Sở GDCK phải có một quãng thời gian nhất định. Nhiều thị trường trong khu vực cũng đã tiến hành hợp nhất các Sở, tuy nhiên họ vẫn duy trì các sàn giao dịch khác nhau và các khu vực của thị trường.

“Tôi nghĩ rằng, việc hợp nhất các Sở GDCK để giảm thiểu chi phí cho DN, cho TTCK là cần thiết, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tránh xáo trộn, tránh gây biến động lớn cho thị trường”, ông Nguyễn Sơn nói. 

Nới room - Khả năng chấp thuận cao…

Hiện nay, thông tin liên quan tới các chính sách nới room cho nhà đầu tư nước ngoài để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại DN đang được các nhà đầu tư rất quan tâm.

Đặc biệt thời gian gần đây, dòng vốn nước ngoài đang đổ vào các thị trường trong khu vực (Thái Lan, Malaysia) trong khi Việt Nam lại gặp phải một số hạn chế từ DN nên khả năng thu hút vốn gặp khó khăn.

Bộ Tài chính, UBCKNN đã có Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 55 về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK. Bên cạnh việc nới room cho công ty đại chúng, Dự thảo còn có thêm những quy định mới để thực hiện theo các điều khoản cam kết WTO, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty chứng khoán, cũng như việc tái cấu trúc hệ thống công ty này – ông Nguyễn Sơn cho biết.

Ông Nguyễn Sơn cho biết thêm, Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 55 hiện hành đã lấy ý kiến các bộ ngành 2 lần và Bộ Tài chính đã trình lên Chính phủ. Văn phòng Chính phủ cũng đã làm việc với UBCKNN và đã chốt lại việc điều chỉnh một số quy định.

Về nội dung sẽ không có nhiều thay đổi so với trước đây như báo chí đã đề cập trong thời gian qua. Ngoài việc vẫn giữ tỷ lệ là 49%, sẽ cho phép thêm 10% đối với cổ phiếu không có quyền biểu quyết dành cho tổ chức nước ngoài. Cùng với đó, sẽ mở một cơ chế cho phép DN trong nước được phát hành tối đa tới 60% cổ phiếu có quyền biểu quyết. DN sẽ tự quyết định tỷ lệ phù hợp dựa trên nhu cầu, khả năng kiểm soát. Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cho phép triển khai tại các DN.

Liên quan tới việc kiểm soát tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của khối ngoại tại các DN niêm yết, ông Nguyễn Sơn cho rằng, hiện nay, việc chúng ta kiểm soát tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thông qua cơ chế nhận diện của công tác cấp mã số giao dịch cho họ. Hiện tại, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các Sở GDCK có thể kiểm soát được giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài./.