Sức hút kiều hối trở lại

Theo kiều Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Kiều hối chuyển về Việt Nam thường tăng mạnh dịp cuối năm âm lịch. Nhiều công ty chuyên cung ứng dịch vụ này rốt ráo tung các chương trình khuyến mãi hút khách.

Lượng kiều hối chuyển về vẫn chủ yếu chảy vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm gần 72%, bất động sản chiếm 22% và còn lại là hỗ trợ người thân. Nguồn: Internet
Lượng kiều hối chuyển về vẫn chủ yếu chảy vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm gần 72%, bất động sản chiếm 22% và còn lại là hỗ trợ người thân. Nguồn: Internet

Lượng kiều hối về Việt Nam tăng liên tục từ năm 2010 và đạt mức kỷ lục 13,2 tỷ USD năm 2015, song đã giảm 33% vào năm 2016. Tuy nhiên, thông tin được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tiết lộ với báo chí về số kiều hối chuyển về tính đến tháng 11 đạt gần 4 tỷ USD là rất đáng mừng. 

Cuối năm, kiều hối dồn dập đổ về 

Đại diện NHNN cho biết, lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết thường tăng cao so với các tháng trong năm. Hơn nữa, năm nay Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán lại cách nhau hơn 1 tháng, nên khả năng kiều hối sẽ “chảy” mạnh về trong nước, trong khoảng từ tháng 11/2017 đến đầu tháng 2/2018.

Đại diện nhiều công ty kiều hối cho biết, năm nay, lượng kiều hối chuyển về hứa hẹn sẽ rất khả quan. Các doanh nghiệp phải tăng cường lực lượng nhằm chi trả kịp thời cho người nhận.

Đón đầu lượng kiều hối, nhiều công ty và ngân hàng đang tích cực “tung” các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút nguồn kiều hối. Cùng với đó là mở rộng thị trường nhằm tìm kiếm thêm nguồn kiều hối.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, kiều hối chi trả qua ngân hàng tăng trưởng khá tốt trong năm 2017 và chủ yếu về từ thị trường Mỹ, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Theo vị lãnh đạo này, lợi nhuận thu được từ kiều hối hiện nay không cao, nhưng các ngân hàng xác định kiều hối chuyển về là phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam. Do đó, ngân hàng rất chú trọng và tích cực mở rộng thị trường.

Nhiều ngân hàng khẳng định, doanh thu từ kiều hối năm nay khả năng vượt chỉ tiêu đưa ra.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thông tin, lượng kiều hối về TP. Hồ Chí Minh đến đầu tháng 11 đã đạt 3,9 tỷ USD. Con số này có thể sẽ tăng lên nhiều trong những tháng cuối năm, vì đây thời điểm người dân Việt Nam nhận kiều hối nhiều nhất trong năm.

Thị trường Mỹ vẫn chiếm ưu thế lượng kiều hối chuyển về lớn nhất, chiếm đến 60%, kế đến là châu Âu 19% và các châu khác chiếm 20% còn lại.

Theo nhận định của các chuyên gia, con số này sẽ còn tăng mạnh vào 2 tháng cuối năm và kéo dài hết tháng 1/2018 vì thời điểm này là mùa cao điểm kiều bào gửi tiền về cho gia đình và người thân ăn Tết. 

Cùng với đó, nhiều ngân hàng đang triển khai các chương trình khuyến mãi nên khả năng con số này sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã thành lập các công ty chuyển kiều hối và các dịch vụ hiện đại. Đơn cử như công ty THHH một thành viên Chuyển tiền toàn cầu VietinBank; Công ty Kiều hối DongABank. Hay như dịch vụ dùng tài khoản Agribank để nhận kiều hối từ Lithuania Post, trong trường hợp chuyển tiền vào tài khoản VND, Agribank sẽ tự động quy đổi theo tỷ giá niêm yết của Agribank tại thời điểm thực hiện quy đổi.

Kiều hối hỗ trợ nền kinh tế

Lý giải cho sức hút kiều hối tăng trở lại, các chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, thời gian qua, sự kiên định của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là triển khai chính sách điều hành tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2016 đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Chính sách điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, kết hợp điều tiết thanh khoản tiền đồng hợp lý, theo dõi sát tình hình thanh khoản thị trường và trạng thái ngoại tệ để điều chỉnh tỷ giá mua phù hợp, đúng thời điểm… đã giúp thị trường ngoại tệ, tỷ giá về cơ bản ổn định.

Tính đến ngày 30/11, tỷ giá NHNN công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD, áp dụng cho ngày 30/11 là 22.433 đồng, tăng 5 đồng so với phiên hôm qua.Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng ngày 30/11 là 23.099 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.762 VND/USD.

Thị trường tiền tệ ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đặc biệt lãi suất giảm đã hỗ trợ rất lớn cho sản xuất kinh doanh. Những yếu tố này đã tạo nên sức hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, từ đó kiều hối tăng trở lại. Dự báo lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Thực tế cho thấy lượng kiều hối chuyển về vẫn chủ yếu chảy vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm gần 72%, bất động sản chiếm 22% và còn lại là hỗ trợ người thân.

Bên cạnh đó, các kênh đầu tư trong nước hồi phục, nhất là kênh đầu tư bất động sản với tác động tích cực từ chính sách cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam có hiệu lực.

Dòng kiều hối là một trong những nguồn bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, góp phần lớn vào dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Trước đó, một báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây cho thấy, Việt Nam đón lượng kiều hối đạt khoảng 12,25 tỷ USD trong năm 2015, đứng thứ 11 thế giới và đứng thứ 3 ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Philippines.

Theo dự báo của ông Minh, lượng kiều hối về TP. Hồ Chí Minh đến cuối năm 2017 có thể đạt được 5,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2016.