Sức nóng cổ phiếu dầu khí những tháng cuối năm 2016

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Sau giai đoạn giảm giá kéo dài năm 2015, nhóm cổ phiếu dầu khí bắt đầu có những dấu hiệu tích cực dần kể từ đầu năm 2016 và có mức tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tính trong khoảng 6 tháng đầu năm 2016, VN-Index tăng trưởng 29,3% so với mức thấp nhất từ đầu năm. Các nhóm ngành đóng góp cho tốc độ tăng của VN-Index cũng có sự phân hóa tương đối lớn, trong đó có sự đóng góp lớn của nhóm cổ phiếu dầu khí.

Chỉ số PVN10 có mức tăng trưởng 40%, cao hơn so với mức tăng trưởng của chỉ số VN-Index. Đáng chú ý, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm dầu khí đều tăng giá so với đầu năm 2016. Mức tăng ấn tượng nhất và đóng góp nhiều trên tỷ trọng vốn hóa là nhóm GAS, PVD, PVT, NT2, PVS, trong đó GAS có mức biến động tối đa lên tới 98% trong 6 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, rất nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa (midcap) khác nhóm dầu khí cũng tăng giá, có thể kể đến như PXT, PSD, PXS… Mức bình quân về giá, nhóm cổ phiếu này tăng trưởng trung bình 44,5%, thanh khoản khớp lệnh của nhóm dầu khí cũng tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước.

Tính trung bình trượt thanh khoản khớp lệnh 120 phiên của nhóm này tăng trưởng 204% so với thời điểm cuối năm 2015. Những tín hiệu này cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đến nhóm cổ phiếu dầu khí bắt đầu có sự cải thiện lớn.

Nguyên nhân dẫn tới sự phục hồi của nhóm dầu khí

Giá dầu là một nguyên nhân căn bản, mang tính tác động tâm lý và độ nhạy khá cao. 6 tháng đầu năm 2016, giá dầu thô brent đã phục hồi từ mức thấp nhất hơn 27 USD/thùng lên mức cao nhất 52,86 USD/thùng, đồng thời trong quý II, giá dầu brent duy trì quanh mức 50 USD/thùng trong một thời gian khá lâu, khi có nhiều triển vọng nguồn cung sẽ thu hẹp. Nhiều tổ chức và ngân hàng quốc tế đã thay đổi xu hướng dự báo và tăng mức giá dự báo trung bình của giá dầu trong năm 2016, dù vậy giá dầu hiện vẫn đang có những diễn biến khó lường do tác động của diễn biến nền kinh tế thế giới.

Nguyên nhân quan trọng thứ hai là mặt bằng giá hấp dẫn của cổ phiếu dầu khí sau giai đoạn giảm giá trước đó. Trên thực tế, khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí trong 6 tháng đầu năm dần hé lộ, mức độ ảnh hưởng của yếu tố giá dầu lên lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dầu khí đã giúp nhà đầu tư có đủ thông tin để đánh giá một cách toàn diện, và loại bỏ được bớt yếu tố tâm lý như giai đoạn năm 2015 trước đó.

Nhìn chung, mặt bằng giá cổ phiếu dầu khí hiện ở mức hấp dẫn để đầu tư trung và dài hạn. Sau giai đoạn tăng trưởng 6 tháng đầu năm, hiện nay nhóm dầu khí giao dịch ở mức P/E quanh 8,5 lần và P/B khoảng 1,3 lần. Điểm đáng chú ý là các DN lợi nhuận bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, thì thị giá cổ phiếu đã phản ánh trước đó và giá cổ phiếu thậm chí còn thấp hơn cả giá trị sổ sách của DN. Nhiều DN có P/B nhỏ hơn 1 như PVG, PET, PVD, PVS, PXS….

Mặt khác, trên thực tế, có những DN có cổ phiếu giảm giá rất sâu nhưng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm lại có mức doanh lợi không không hề suy kém so với cùng kỳ, có thể kể đến như PXS, PET, PVS, PVT, …

Hầu hết các DN dầu khí niêm yết đang có mức cổ tức/thị giá kì vọng cao hơn nhiều so với mặt bằng tiền gửi, cụ thể mức trung bình khoảng 11%/năm, trong đó nhiều DN có triển vọng cao hơn như PGS, PET, PVE, PVT, GAS, PVS.

Cổ phiếu dầu khí có triển vọng tiếp tục tăng trưởng?

Triển vọng tăng trưởng doanh lợi của các DN dầu khí vẫn xuất hiện ngay cả trong bối cảnh giá dầu khó khăn. Thứ nhất, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi nếu giá dầu thấp, có thể kể đến như PVT, DPM, NT2, … Điển hình, PVT 6 tháng đầu năm đạt gần 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; 242 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng gần 40% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. NT2 đạt hơn 695 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm thứ hai có triển vọng lớn về tăng trưởng giá cổ phiếu là nhóm DN hoạt động khu vực hạ nguồn, ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu hoặc có khả năng mở rộng các hoạt động khác bù doanh thu bị ảnh hưởng, có thể kể đến như PVS, GSP, PXS, PET, PVE, … Điểm đáng chú ý ở nhóm này là hiện thị giá cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn với P/E, P/B rất thấp so với trung bình thị trường, đồng thời cổ tức/thị giá đều sát mức bình quân đạt tối thiểu từ 11% trở lên. Với mặt bằng giá tương đối rẻ so với thị trường và hoạt động kinh doanh duy trì ổn định, nhóm cổ phiếu này cũng có khả năng sẽ đón nhận dòng tiền đầu tư trung và dài hạn.

Hiện tại, mặt bằng chung của cổ phiếu dầu khí với P/E 8,5 lần thấp hơn rất nhiều mức P/E 15,1 lần của VN-Index, P/B của nhóm dầu khí quanh mức 1,3 lần, chiết khấu 30% so với mức P/B 1,9 lần của VN-Index (theo Bloomberg công bố). Triển vọng trong 6 tháng cuối năm của các DN dầu khí dần trở nên rõ ràng hơn từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và tiến độ hoàn thành kế hoạch của các DN. Trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang có triển vọng tích cực từ yếu tố dòng tiền và giao dịch, những nơi cổ phiếu đang bị định giá thấp thường thu hút được dòng tiền chảy vào. Vì vậy, triển vọng của cổ phiếu dầu khí có thể sẽ sớm trở về với giá trị thực của DN.