Sức nóng lan tỏa

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Chứng khoán đang phát đi tín hiệu tích cực khi dòng tiền nóng ồ ạt đổ vào thị trường để tạo lập nền tảng vững chắc hướng đến thời kỳ bùng nổ.

 Sức nóng lan tỏa
Chứng khoán đang phát đi tín hiệu tích cực khi dòng tiền nóng ồ ạt đổ vào thị trường. Nguồn: internet

Hơn 186 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trong ngày giao dịch hôm 11/11 với gần 2.000 tỷ đồng, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường khó thể cưỡng lại được. Một số cổ phiếu tăng trần miệt mài hàng chục phiên liên tiếp, số khác dư mua trần nhiều triệu cổ phiếu là minh chứng cho thời kỳ tranh mua bằng mọi giá bắt đầu diễn ra.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ cần có niềm tin vào lợi nhuận, thì lúc ấy câu chuyện thanh khoản trở nên vô nghĩa. Dòng tiền từ khắp mọi nơi từ tiết kiệm, đến két sắt, vay mượn bất cứ đâu để sẵn sàng đổ vào thị trường với khối lượng lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng là chuyện hết sức bình thường.

Cho dù đó là chốt lời hay lợi nhuận đủ kỳ vọng để bán ra thì sức nóng vô hình của tài chính lại lôi kéo dòng tiền ấy quay trở lại đầu tư vào thị trường. Chỉ khi giao dịch sôi động, khối lượng khớp lệnh cao, thanh khoản tăng vọt, lúc ấy thị trường không bị ghẻ lạnh, nhà đầu tư (NĐT) không từ bỏ thị trường mà sẽ tìm mọi cách để quay trở lại.

Tiền đổ vào chứng khoán

Trải qua nhiều khó khăn, doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ, khiến giá cổ phiếu rớt xuống dưới tận đáy sâu không thể nào vực lên được. Chỉ có khi nào thị trường "nhúc nhích" khởi động tăng để đẩy giá cổ phiếu tốt lên mặt bằng chung mới thì sức lan tỏa mới rộng, cơ hội chia đều cho nhiều DN, nhưng lợi nhuận thì sẽ chỉ chảy vào túi của những NĐT thông minh. Đó là sự khác biệt lớn nhất trên TTCK.

Vì sao cổ phiếu người ta đầu tư vào lại tăng, còn mình mua vào thì lại giảm hoặc chẳng có chuyển biến gì, ai mà chẳng sốt ruột với những câu hỏi rất đời thường như vậy trên thị trường.

Trong những nhóm ngành cũng thế, nhóm cổ phiếu bất động sản của nhiều DN tăng với tốc độ phi mã, nhưng cũng có những cổ phiếu nuôi hoài không lớn làm cho nhiều NĐT thất vọng. Một số nhóm cổ phiếu khác như thủy sản vẫn duy trì được sức mua lớn.

Riêng cổ phiếu VNH của Công ty cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật đã tăng trần phiên 17 liên tiếp, khiến nhiều NĐT hối tiếc. Như vậy, sau hơn 1 năm rưỡi thua lỗ, cổ phiếu này rớt về mức thấp nhất trong lịch sử là dưới 2.000 đồng/cổ phiếu, giờ bỗng nhiên báo lãi thì tăng trần là điều đương nhiên, nhưng vẫn phải giải trình theo kiểu do cung - cầu mua bán trên thị trường mà DN không thể kiểm soát được.

Một cổ phiếu được nhiều NĐT nhớ đến khi có mức lỗ lũy kế lên tới hơn 2.500 tỷ đồng đã có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp, đó chính là PVX của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam. Cổ phiếu này đã chiếm ưu thế tuyệt đối về khớp lệnh với 9,23 triệu cổ phiếu được giao dịch mà vẫn còn dư mua 5,63 triệu cổ phiếu ở mức trần 2.800 đồng/cổ phiếu. Hiện PVX vẫn chưa có báo cáo tài chính quý III mà chỉ có thông tin về việc rót thêm hơn 30 tỷ đồng vào PSX từ tiền cổ tức.

Kinh tế vĩ mô theo hướng ổn định khi Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách 2014 với mức bội chi được tăng lên 5,3% GDP, tương đương 224.000 tỷ đồng như đề xuất của Chính phủ. Việc tăng bội chi có khả năng giúp Chính phủ nới đầu tư công để thúc đẩy kinh tế. Khi đó, nhiều ngành nghề, DN sẽ được hưởng lợi, nhất là các DN ngành xây dựng, xây lắp…

Trước đó, ngày 11/11, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2014 với GDP tăng khoảng 5,8%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP, cổ phầnI khoảng 7%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%...

Vẫn có lo ngại

Thị trường đã có khá nhiều thông tin tích cực, nhưng thị trường không thể tăng điểm trong phiên sáng nay khi mà nỗi lo về lượng cung lớn sắp "đổ xuống đầu" đang rình rập. Nỗi lo sợ bị xả hàng đã lấn áp các thông tin tích cực khác. Trên thực tế, áp lực chốt lời tại nhóm cổ phiếu đã tăng nóng được dự báo từ vài ngày qua khi chỉ số VN-Index cũng đã tiến sát ngưỡng cản kỹ thuật 503 - 505 điểm và chỉ báo RSI cho thấy sàn HNX đang ở mức quá mua.

Trong phiên chiều ngày 12/11, lực bán xả hàng mạnh ngay từ đầu phiên kéo theo những lệnh bán khác chồng chất từ nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ đã tăng giá mạnh thời gian qua như KMR, LCG, nhóm cổ phiếu vận tải biển như VOS, VTO, PVT và các mã bất động sản.

Sau đó, sự hốt hoảng bắt đầu lan rộng ra các mã khác. Thị trường như bị tấn công bởi loài "virus đỏ" cực mạnh ăn dần bảng điện tử, lan sang tất cả các cả nhóm cổ phiếu dù tốt hay xấu đang niêm yết trên thị trường. Chỉ còn lại vài mã vớt sắc xanh "nhợt nhạt" thiếu lửa, nhưng cũng còn một số mã lớn như VNM và VIC giữ ở mức tham chiếu khiến đà giảm phần nào bị chặn lại, nên VN-Index không bị giảm sâu.

NĐT đã thoát khỏi nhóm bất động sản, dòng tiền lại tìm đến nhóm cổ phiếu chứng khoán có thị giá thấp khi TTCK trong vài tháng gần đây có thanh khoản khá tốt, báo hiệu một mùa làm ăn khấm khá của các công ty chứng khoán.

Các công ty chứng khoán cũng dự báo nhiều ngành nghề như điện, nước và xăng dầu khí đốt dẫn đầu về tốc độ hoàn thành lợi nhuận (183%). 2 ngành có tỷ lệ hoàn thành lợi nhuận cao nữa là dịch vụ công nghiệp (111%) và hóa chất (98%). Thất vọng nhất là vẫn là ngành bất động sản mới chỉ hoàn thành được 11% kế hoạch lợi nhuận, vật liệu xây dựng khoảng 30%... nên NĐT đã nhanh chóng thoát khỏi những cổ phiếu này.

Trên cơ sở nhận định về các yếu tố hỗ trợ cũng như bất lợi có khả năng xảy ra đối với thị trường, nhiều công ty chứng khoán dự báo xu hướng tích lũy cổ phiếu sẽ diễn ra trong tháng 11/2013 trong vùng điểm (495 - 515) điểm đối với VNIndex và (62 - 65) điểm đối với HNIndex.