Tác động của chứng quyền có bảo đảm đối với thị trường chứng khoán

Theo Tạp chí Chứng khoán 08/2018

Chứng quyền có bảo đảm (CW) là một sản phẩm tài chính phổ biến trên thế giới, thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia giao dịch, đặc biệt là tại các thị trường châu Á như Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc… Tại Việt Nam, sau thời gian dài chuẩn bị, đến nay sản phẩm CW đã sẵn sàng cho ngày giao dịch chính thức, dự kiến trong quý III/2018. Với mong muốn các thành viên thị trường cũng như nhà đầu tư hiểu thêm về sản phẩm này, bài viết sẽ phân tích về tác động của CW sau khi được chính thức niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lợi ích

CW là một sản phẩm tài chính đặc thù, mang lại nhiều lợi ích cho TTCK nói chung cũng như các thành viên thị trường và nhà đầu tư nói riêng và đây là lý do chủ yếu mà đa số các thị trường trên thế giới đều triển khai sản phẩm này.

CW đi vào hoạt động sẽ mở ra một kênh giao dịch mới trên TTCK, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể linh hoạt thực hiện chiến lược giao dịch của mình, tìm kiếm được suất sinh lợi cao hoặc thực hiện phòng ngừa rủi ro với chi phí thấp do đặc tính nổi bật nhất của CW chính là tính đòn bẩy cao.

Bên cạnh đó, CW sẽ là công cụ góp phần giải quyết bài toán hết “room” đối với nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) do CW không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN và tài sản cơ sở của CW là các cổ phiếu đơn lẻ, điều này sẽ tạo động lực để thu hút thêm nhiều nhà ĐTNN tham gia thị trường.

Việc tham gia phát hành CW của công ty chứng khoán (CTCK) sẽ bổ sung thêm nhiều mảng nghiệp vụ hoạt động cho chính CTCK như nghiệp vụ phát hành sản phẩm đầu tư, hoạt động tạo lập thị trường, hoạt động quản trị rủi ro… từ đó tạo ra nguồn thu đa dạng hơn, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của CTCK.

Để trở thành tổ chức phát hành (TCPH) CW, các CTCK phải đầu tư hệ thống, cơ sở vật chất công nghệ hiện đại cũng như nguồn nhân lực chất lượng nhằm thực hiện các nghiệp vụ phức tạp và đặc thù như thiết kế sản phẩm, hoạt động phòng ngừa rủi ro và tạo lập thị trường.

CW sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc sản phẩm trên TTCK vốn chỉ đang giao dịch với các sản phẩm cơ bản là cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động phòng ngừa rủi ro bắt buộc, các TCPH CW sẽ phải mua/bán cổ phiếu cơ sở theo phương án phòng ngừa rủi ro của mình, điều này được kỳ vọng gián tiếp góp phần gia tăng thanh khoản trên thị trường cổ phiếu.

Rủi ro

Mặc dù có rất nhiều lợi ích và tiềm năng để phát triển tại Việt Nam nhưng CW vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định mà cơ quan quản lý, các nhà đầu tư hay chính các TCPH có thể phải đối mặt, cụ thể:

Thứ nhất, CW là sản phẩm do CTCK phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định. Vào ngày đáo hạn, CTCK (TCPH CW) phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với những người sở hữu CW ở trạng thái có lãi bằng việc thanh toán tiền mặt khoản chênh lệch giữa giá thanh toán và giá thực hiện của CW.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình CW đang lưu hành hoặc vào ngày đáo hạn vì một lý do nào đó mà TCPH gặp khó khăn về tài chính sẽ ảnh hưởng đến những người đang sở hữu CW. Do đó, để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, khung pháp lý hiện hành đã có những quy định nhằm đảm bảo khả năng thanh toán của TCPH, cụ thể:

• Trước khi phát hành, TCPH phải ký quỹ tối thiểu 50% giá trị CW dự kiến phát hành vào ngân hàng lưu ký, số tiền ký quỹ này sẽ bị phong tỏa trong suốt thời gian lưu hành của CW;

• TCPH phải thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro đối với các CW đang lưu hành, điều này có nghĩa là ngay khi TCPH bán được chứng quyền mua cho nhà đầu tư, TCPH buộc phải mua một lượng cổ phiếu cơ sở nhất định theo phương án phòng ngừa rủi ro đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Hoạt động này sẽ được Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) giám sát hàng ngày;

• Tùy theo năng lực tài chính, mỗi CTCK chỉ được phát hành một số lượng CW nhất định theo hạn mức được quy định tại Quyết định số 72/QĐ-UBCK  của UBCKNN.

Trường hợp TCPH gặp khó khăn về tài chính, giá trị tài sản ký quỹ tại ngân hàng lưu ký và tài sản phòng ngừa rủi ro được dùng để thanh toán cho người sở hữu CW.

Những quy định này đều được học tập kinh nghiệm từ các thị trường CW đã phát triển ở châu Á như Hồng Kông, Đài Loan. Tại hai thị trường này, trong giai đoạn đầu triển khai các quy định trên cũng được quy định khá chặt chẽ để các TCPH CW làm quen với sản phẩm mới và đảm bảo thị trường được vận hành an toàn.

Sau một thời gian triển khai, các quy định đã dần được nới lỏng kể cả không còn quy định, nhằm tạo điều kiện cho thị trường được phát triển mạnh hơn như tại thị trường Đài Loan hiện nay, hoạt động phòng ngừa rủi ro không còn quy định bắt buộc đối với các TCPH CW, tuy nhiên thực tế các TCPH vẫn thực hiện vì nó liên quan đến hoạt động quản trị rủi ro chung trong toàn bộ hoạt động của công ty.

Theo nghiên cứu và đánh giá tại Hồng Kông, Đài Loan, kể từ ngày triển khai giao dịch CW cho đến nay, chưa ghi nhận tác động tiêu cực nào lên thị trường cổ phiếu mà ngược lại, nó có tác động thúc đẩy giao dịch trên thị trường cổ phiếu thông qua các hoạt động phòng ngừa rủi ro của TCPH.

Thứ hai, CW có những đặc tính tương đồng với sản phẩm phái sinh, được phát hành dựa trên một tài sản cơ sở khác, thường là cổ phiếu đơn lẻ. Giá của CW sẽ chịu tác động bởi nhiều yếu tố như: giá cổ phiếu cơ sở, giá thực hiện, thời gian đáo hạn, lãi suất, độ biến động giá của cổ phiếu cơ sở, trong đó yếu tố tác động mạnh nhất là giá của cổ phiếu cơ sở do tính chất đòn bẩy của sản phẩm, một sự thay đổi nhỏ đối với giá của cổ phiếu cơ sở sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn của giá CW. Vì vậy, trong suốt thời gian CW giao dịch hoặc đến khi đáo hạn, giá cổ phiếu cơ sở của CW có thể bị thao túng nhằm chi phối giá CW.

Để hạn chế điều này, tiêu chí làm cổ phiếu cơ sở cho CW đang được quy định rất khắt khe, có thể nói là cao hơn các điều kiện sàng lọc trong rổ chỉ số VN30 và chặt chẽ hơn so với quy định tại một số thị trường châu Á. Cụ thể, tại thị trường Hàn Quốc và Thái Lan, cổ phiếu cơ sở của CW thường là các cổ phiếu thành phần trong các chỉ số Benchmark (chỉ số đại diện) của thị trường.

Nhưng tại Việt Nam, cổ phiếu cơ sở của CW ngoài điều kiện là cổ phiếu thành phần của chỉ số VN30 còn phải đáp ứng các điều kiện khác về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, hiệu quả hoạt động kinh doanh… Bên cạnh đó, phương thức xác định giá thanh toán khi CW đáo hạn cũng được quy định “Là bình quân giá đóng cửa của chứng khoán cơ sở trong năm (05) ngày giao dịch liền trước ngày đáo hạn (không bao gồm ngày đáo hạn)” nhằm hạn chế việc thao túng giá cổ phiếu cơ sở khi CW đáo hạn.

Cách xác định này cũng phù hợp với thông lệ các thị trường Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Singapore và việc kiểm tra trên số liệu thực tế tại Việt Nam cho thấy xác suất thao túng giá cổ phiếu cơ sở là thấp.

Ngoài các quy định trên, UBCKNN và SGDCK Tp. Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng cơ chế phối hợp, tiêu chí giám sát nhằm theo dõi các biến động bất thường về giá cả, khối lượng giao dịch, xu hướng chuyển động giá của cả CW và cổ phiếu cơ sở.

Thứ ba, khi CW được niêm yết và giao dịch, có thể xảy ra hiện tượng làm giá đối với chính CW đó. Do đó, quy định pháp lý hiện hành đã có những quy định hạn chế TCPH thao túng nguồn cung chứng quyền thông qua cơ chế cạnh tranh về giá (cho phép nhiều TCPH được chào bán chứng quyền trên một cổ phiếu cơ sở và mỗi TCPH chỉ được phát hành tối đa 1,5% số cổ phiếu tự do chuyển nhượng ứng với từng đợt phát hành). Thông lệ quốc tế hiện không có quy định về hạn mức cho từng đợt phát hành mà chỉ quy định hạn mức tổng đối với từng cổ phiếu cơ sở.

Việc quy định hạn mức cho từng đợt phát hành tại Việt Nam nhằm hạn chế những TCPH có năng lực đăng ký hết hạn mức mà không cho TCPH khác phát hành trong bối cảnh hạn mức tổng đang quy định ở mức 10% tổng số cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Bên cạnh đó, TCPH phải thực hiện nghĩa vụ tạo lập thị trường để cung cấp thanh khoản cho chứng quyền.

SGDCK sẽ thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động tạo lập thị trường cũng như việc yết giá TCPH, SGDCK sẽ yêu cầu TCPH giải trình để phòng tránh việc thao túng giá chứng quyền của chính TCPH thông qua hoạt động tạo lập thị trường, đây cũng là những vấn đề hiện đang được quy định tại thị trường Hồng Kông và Đài Loan.

Thứ tư, phòng ngừa rủi ro là hoạt động bắt buộc mà TCPH phải thực hiện khi phát hành CW, việc phát hành CW quá lớn có thể sẽ tác động đến hoạt động giao dịch cổ phiếu cơ sở.

Do đó, để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, quy chế của UBCKNN đã quy định tổng hạn mức cho việc phát hành CW, cụ thể tổng số lượng cổ phiếu quy đổi từ các CW đã phát hành của tất cả TCPH không vượt quá 10% so với tổng số cổ phiếu tự do chuyển nhượng.

Khi hạn mức này vượt quá 9%, TCPH phải hủy niêm yết một phần CW chưa lưu hành. Quy định này được xem là khá chặt chẽ nếu so với mức quy định hiện nay tại thị trường Đài Loan là tổng số lượng cổ phiếu quy đổi từ các CW đã phát hành của tất cả TCPH không vượt quá 22% so với tổng số cổ phiếu tự do chuyển nhượng.

Tóm lại, việc triển khai CW là hoạt động tất yếu trong quá trình phát triển của TTCK, CW được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc sản phẩm, thúc đẩy hoạt động giao dịch trên thị trường cổ phiếu, hỗ trợ tái cấu trúc hoạt động của CTCK… và với sự chuẩn bị kỹ càng về mặt pháp lý, hệ thống giao dịch, cơ sở hạ tầng, thị trường CW tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định và bền vững, hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Tuy nhiên, CW là một sản phẩm được đánh giá rủi ro đối với nhà đầu tư, do đó nhà đầu tư cần tìm hiểu và trang bị kỹ cho mình kiến thức về CW trước khi tham gia giao dịch.