Tác động của hội đồng quản trị đến quản trị lợi nhuận của các công ty niêm yết

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 11/2020

Lợi nhuận là một trong những chỉ tiêu phản ánh tăng trưởng trong hoạt động của doanh nghiệp và là mục tiêu cơ bản để đánh giá mức độ thành công của nhà quản lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhà quản lý có thể thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận nhằm đạt được lợi ích cá nhân thông qua việc sử dụng sức ảnh hưởng của mình để can thiệp vào quá trình ứng dụng các chính sách kế toán (Schipper, 1989).

Điều này đã làm mất đi tính trung thực và hợp lý của chỉ tiêu lợi nhuận nói riêng và của cả báo cáo tài chính nói chung, gây ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng. Bài viết đưa ra các nghiên cứu trên thế giới về tác động của Hội đồng quản trị đến hành vi quản trị lợi nhuận của các công ty niêm yết.

Các nghiên cứu trên thế giới

Từ lâu, mối quan hệ giữa quản trị lợi nhuận và sự ảnh hưởng của đặc điểm Hội đồng quản trị (HĐQT) đến hành vi quản trị lợi nhuận đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới, cụ thể:

- Peasnell và cộng sự (2005) thực hiện nghiên cứu nhằm tìm ra mối quan hệ giữa hành vi quản trị lợi nhuận và đặc điểm HĐQT. Các tác giả sử dụng mô hình Jones điều chỉnh của Dechow và cộng sự (1995) để xác định giá trị của biến DA – đại diện cho hành vi quản trị lợi nhuận. Mẫu nghiên cứu gồm 559 doanh nghiệp (DN) niêm yết ở Anh, giai đoạn 1993-1996.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thành viên HĐQT là người bên ngoài, quy mô HĐQT, quyền sở hữu của HĐQT, dòng tiền hoạt động và tổng tài sản đầu kỳ tác động ngược chiều đến hành vi quản trị lợi nhuận. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu còn chỉ ra sự ảnh hưởng không đáng kể của quyền sở hữu tổ chức, đòn bẩy tài chính, sự tồn tại của ủy ban kiểm toán, sự tập trung quyền sở hữu, sự kiêm nhiệm giữa Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, loại công ty kiểm toán đối với hành vi quản trị lợi nhuận nhằm kiểm tra sự tác động của đặc điểm HĐQT ủy ban kiểm toán và đặc điểm văn hóa đến hành vi quản trị lợi nhuận.

- Haniffa và cộng sự (2006) đã nghiên cứu đề tài quản trị lợi nhuận với phạm vi 97 DN niêm yết ở Bursa Malaysia trong giai đoạn 2002-2003. Để xác định giá trị của biến DA, các tác giả đã sử dụng mô hình Jones điều chỉnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số 10 biến độc lập và 6 biến kiểm soát được đưa vào mô hình, có 3 biến ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận: Quy mô HĐQT tác động cùng chiều trong khi quy mô công ty và hệ số giá ghi sổ trên giá thị trường lại tác động ngược chiều đến hành vi quản trị lợi nhuận.

Những biến còn lại như: Tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập, nhiệm kỳ trung bình của các thành viên trong HĐQT, tỷ lệ thành viên độc lập trong ủy ban kiểm toán, mức độ chuyên môn tài chính của các thành viên trong ủy ban kiểm toán, số lần họp của HĐQT, sự tập trung quyền sở hữu, ROA, đòn bẩy tài chính, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, loại công ty kiểm toán... ảnh hưởng không đáng kể đến hành vi quản trị lợi nhuận.

- Với mục tiêu tìm ra mối quan hệ giữa hành vi quản trị lợi nhuận và hoạt động của HĐQT cũng như Ủy ban Kiểm toán, nghiên cứu của Ebrahim (2007) tập trung vào tất cả các DN sản xuất niêm yết trên cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường thống kê tài chính của các công ty đang hoạt động và ngày hoạt động trên toàn cầu (compustat) giai đoạn 1999-2000.

Sử dụng mô hình Jones điều chỉnh của Dechow và cộng sự (1995), kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiệm kỳ của tổng giám đốc, quy mô HĐQT, tính độc lập của HĐQT, tính độc lập của ủy ban kiểm toán, số lượng cuộc họp của ủy ban kiểm toán, quyền sở hữu của các tổ chức tài chính, quyền sở hữu nội bộ và loại công ty kiểm toán ảnh hưởng ngược chiều đến hành vi quản trị lợi nhuận.

- Jaggi và cộng sự (2009) tiến hành nghiên cứu trên 391 công ty năm 1998, 394 công ty năm 1999 và 399 công ty năm 2000 ở Hồng Kông nhằm kiểm tra ảnh hưởng của hoạt động kiểm soát tại các công ty có yếu tố gia đình, tính độc lập của HĐQT  và hành vi quản trị lợi nhuận. Biến DA được nhóm tác giả tính toán thông qua mô hình của Jones (1991), mô hình Jones điều chỉnh của Dechow và cộng sự (1995) và mô hình của Kothari và cộng sự (2005).

Kết quả hồi quy cho thấy, mối quan hệ ngược chiều giữa tính độc lập của HĐQT, ROA, quy mô công ty và hành vi ủy ban kiểm toán. Quy mô HĐQT sự kiêm nhiệm giữa chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, sự tồn tại của ủy ban kiểm toán, loại công ty kiểm toán và hệ số giá thị trường trên giá ghi sổ không ảnh hưởng đến hành vi ủy ban kiểm toán trong nghiên cứu này.

Với mục tiêu tìm hiểu sự tác động của các đặc điểm quản trị DN trong việc giảm thiểu hành vi ủy ban kiểm toán, Gulzar (2011) tiến hành nghiên cứu trên 1009 công ty niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, giai đoạn từ năm 2002-2006. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng mô hình Jones điều chỉnh để tính toán giá trị của biến DA. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp thêm bằng chứng về mối quan hệ cùng chiều giữa sự kiêm nhiệm giữa Chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, sự thường xuyên tổ chức các cuộc họp của HĐQT, sự tập trung quyền sở hữu, dòng tiền hoạt động và hành vi ủy ban kiểm toán.

Ngược lại, tỷ lệ thành viên nữ trong HĐQT và ROA tác động ngược chiều đến hành vi này. Trong phạm vi nghiên cứu của tác giả, tính độc lập của HĐQT, quy mô HĐQT, sự tồn tại của ủy ban kiểm toán, quyền sở hữu của giám đốc, đòn bẩy tài chính và quy mô DN không tồn tại mối quan hệ với hành vi ủy ban kiểm toán.

Liu (2012) tiến hành nghiên cứu sự ảnh hưởng một số đặc điểm thuộc HĐQT và bộ phận quản lý với hành vi ủy ban kiểm toán tại các công ty ở Australia. Đặc điểm HĐQT được đo lường thông qua các biến như: sự kiêm nhiệm giữa chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, tính độc lập của HĐQT, sự tồn tại của ủy ban quản trị DN, tính độc lập của ủy ban quản trị DN.

Tác giả sử dụng mô hình Jones (1991) và mô hình Jones điều chỉnh của Dechow và cộng sự (1995) để xác định giá trị của biến DA. Với mẫu nghiên cứu gồm 138 công ty niêm yết  trên thị trường chứng khoán (TTCK) Australia, giai đoạn 2004-2007, kết hợp hồi quy bình phương nhỏ nhất (OLS), kết quả nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ cùng chiều giữa tính độc lập của HĐQT, quyền sở hữu của nhà quản lý, quy mô HĐQT và hành vi ủy ban kiểm toán. Sự kiêm nhiệm giữa chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, quy mô DN tác động ngược chiều đến hành vi ủy ban kiểm tra.

Những biến còn lại gồm: Sự tồn tại của ủy ban quản trị DN, tính độc lập của ủy ban quản trị DN, kế hoạch thưởng, sự tập trung quyền sở hữu và đòn bẩy tài chính không ảnh hưởng đến hành vi ủy ban kiểm toán trong nghiên cứu này.

Với mục tiêu kiểm tra mối quan hệ giữa đặc điểm HĐQT và hành vi ủy ban kiểm toán, Nugroho và Eko (2012) tiến hành nghiên cứu tất cả các công ty niêm yết  trên TTCK Indonesia, giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2008. Hai nhà nghiên cứu sử dụng mô hình Jones (1991) do Dechow và cộng sự (1995) điều chỉnh để xác định giá trị của biến DA và biến NDA.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong các biến độc lập đưa vào mô hình, chỉ có biến sự kiêm nhiệm giữa chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc có tác động cùng chiều đến hành vi ủy ban kiểm toán. Những biến còn lại như: tính độc lập của HĐQT, quy mô HĐQT, quyền sở hữu của HĐQT, nhiệm kỳ HĐQT, Ủy ban kiểm toán... không ảnh hưởng đến hành vi ủy ban kiểm toán tại các công ty nói trên.

Với dữ liệu gồm 159 công ty được chọn từ 430 công ty niêm yết  trên TTCK Tehran, giai đoạn 2006-2009, Moradi và cộng sự (2012) đã tiến hành nghiên cứu mối quan hệ giữa đặc điểm HĐQT và hành vi ủy ban kiểm toán ở những công ty này. Sử dụng mô hình Jones điều chỉnh của Dechow và cộng sự (1995) để xác định giá trị của biến DA với mô hình hồi quy gồm 6 biến độc lập và 5 biến kiểm soát.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, quy mô DN và ROA tác động cùng chiều trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lại ảnh hưởng ngược chiều đến hành vi ủy ban kiểm toán Trong phạm vi nghiên cứu của các tác giả, sự kiêm nhiệm giữa Chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, quy mô HĐQT, tỷ lệ thành viên nữ trong HĐQT, đòn bẩy tài chính, loại công ty kiểm toán... ảnh hưởng không đáng kể đến hành vi ủy ban kiểm toán

Để kiểm tra mối quan hệ giữa đặc điểm ủy ban kiểm toán, đặc điểm HĐQT và hành vi quản trị lợi nhuận, Metawee (2013) đã tiến hành nghiên cứu đề tài này trong phạm vi các công ty niêm yết trên TTCK Ai Cập, giai đoạn 2008-2010. Để đo lường hành vi quản trị lợi nhuận, tác giả sử dụng tỷ số Miller (2007) vì tỷ số này dễ định lượng.

Mô hình gồm 10 biến độc lập: tính độc lập của HĐQT, quy mô, mức độ chuyên môn tài chính, số lần họp, sự thay đổi thành viên, sự kiêm nhiệm giữa chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, quy mô ủy ban kiểm toán, số lần họp của ủy ban kiểm toán, mức độ chuyên môn tài chính của ủy ban kiểm toán và thành phần của ủy ban kiểm toán.

Sử dụng phần mềm SPSS với độ tin cậy 95%, kết quả nghiên cứu cho thấy, sự thay đổi thành viên HĐQT trong năm ảnh hưởng cùng chiều trong khi tính độc lập của HĐQT, số lần họp của ủy ban kiểm toán và mức độ chuyên môn tài chính của ủy ban kiểm toán ảnh hưởng ngược chiều đến hành vi quản trị lợi nhuận. Các biến còn lại không ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận trong nghiên cứu này.

Liên hệ với các nghiên cứu tại Việt Nam

Không chỉ riêng thế giới, tại Việt Nam, vấn đề QLLN cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, với mục tiêu tìm được mô hình nhận diện hành vi quản trị lợi nhuận phù hợp và xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi này nhằm đưa ra các giải pháp quản lý, góp phần cải thiện chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính.

Giáp Thị Liên (2014) nghiên cứu mối quan hệ giữa quản trị công ty và hành vi quản trị lợi nhuận của các DN niêm yết. Mẫu nghiên cứu gồm 101 công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) trong 5 năm từ 2009-2013. Tác giả sử dụng mô hình Modified Jones (1994) để đo lường biến phụ thuộc – DA. Kết quả cho thấy sự kiêm nhiệm giữa chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, tỷ lệ thành viên không điều hành trong HĐQT, tỷ lệ thành viên độc lập trong HĐQT, tỷ lệ cổ phần nắm giữ bởi Ban Giám đốc và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty có mối quan hệ nghịch biến với hành vi quản trị lợi nhuận.

Các biến còn lại gồm quy mô HĐQT, tỷ lệ thành viên Ban Kiểm soát (BKS) không kiêm nhiệm trong công ty, tỷ lệ thành viên ban kiểm soát có chuyên môn tài chính – kế toán – kiểm toán, tỷ lệ cổ phần nắm giữ bởi thành viên HĐQT không điều hành, tỷ lệ cổ phần nắm giữ bởi ban kiểm soát không có ý nghĩa thống kê trong phạm vi nghiên cứu của tác giả.

Phan Thị Thanh Trang (2015) nghiên cứu hành vi quản trị lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE. Biến phụ thuộc là hành vi quản trị lợi nhuận trong năm đầu, năm trước và sau năm niêm yết. Tác giả sử dụng mô hình Friedlan (1994) để nhận diện hành vi này với mẫu nghiên cứu gồm 54 công ty niêm yết  trên HOSE, giai đoạn 2007-2013. Kết quả cho thấy, loại công ty kiểm toán có quan hệ nghịch biến với hành vi quản trị lợi nhuận  trong khi quy mô công ty, điều kiện kinh tế và thời gian hoạt động có quan hệ đồng biến với hành vi này. Ngành nghề kinh doanh không có ý nghĩa thống kê trong nghiên cứu.

Nguyễn Thị Phương Hồng (2016) thực hiện đề tài về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam. Mẫu nghiên cứu chính thức gồm 283 quan sát được chọn lựa theo phương pháp phi ngẫu nhiên từ 394 công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam, giai đoạn 2012-2014.

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng đồng thời cả 2 mô hình để đo lường chất lượng báo cáo tài chính  đó là mô hình Jones điều chỉnh đại diện cho phương pháp đo lường chất lượng lợi nhuận dựa trên cơ sở kế toán và mô hình EBO đại diện cho phương pháp đo lường dựa trên cơ sở thị trường. Xử lý và phân tích dữ liệu thông qua phần mềm Stata 13 và Excel 2013, kết quả nghiên cứu cho thấy, trong mô hình Jones điều chỉnh, có 5 biến tác động thuận chiều đến chất lượng báo cáo tài chính gồm: sự kiêm nhiệm giữa chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, tính độc lập của HĐQT, mức độ chuyên môn tài chính của HĐQT, sự tồn tại kế hoạch thưởng và thời gian niêm yết.

6 biến tác động ngược chiều đến chất lượng báo cáo tài chính gồm: Quyền sở hữu bởi tổ chức, khả năng thanh toán hiện hành, quy mô công ty, loại ngành công nghiệp, lợi nhuận (ROE) và chính sách chia cổ tức. Các biến còn lại bao gồm quyền sở hữu vốn của nước ngoài, quyền sở hữu vốn nhà nước, quyền sở hữu vốn nhà quản lý và sự tập trung quyền sở hữu, quy mô HĐQT, mức độ thường xuyên của các cuộc họp của HĐQT, đòn bẩy tài chính, tuổi của công ty, tình trạng niêm yết, loại công ty kiểm toán, tính trì hoãn của báo cáo tài chính và triển vọng phát triển không tác động đến chất lượng báo cáo tài chính .

Với mục tiêu tìm ra các nhân tố tác động đến hành vi quản trị lợi nhuận  tại các công ty phi tài chính niêm yết trên TTCK Việt Nam, Nguyễn Hà Linh (2017) đã tiến hành nghiên cứu trên mẫu gồm 2132 quan sát, giai đoạn 2010-2014. Tác giả sử dụng mô hình gốc Jones (1991) để ước tính giá trị của NDA và DA. Phân tích dữ liệu thông qua phần mềm Stata 12, kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô HĐQT, tỷ lệ sở hữu nước ngoài và kiểm toán độc lập ảnh hưởng ngược chiều đến hành vi quản trị lợi nhuận.

Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu nhà nước, hệ số nợ, hiệu quả tài chính và quy mô công ty ảnh hưởng cùng chiều đến hành vi quản trị lợi nhuận  . Số lượng thành viên HĐQT  độc lập và sự kiêm nhiệm giữa chủ tịch HĐQT  và tổng giám đốc  không tác động đến hành vi quản trị lợi nhuận trong nghiên cứu này.

Ngô Hoàng Điệp (2018) xem xét các nhân tố tác động đến hành vi quản trị lợi nhuận   của người quản lý tại các công ty niêm yết  trên TTCK Việt Nam. Mẫu nghiên cứu gồm 416 công ty niêm yết  trên HOSE và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), giai đoạn 2010-2016.

Tác giả xác định giá trị của biến phụ thuộc thông qua mô hình Kothari, Leone và Wasley (2005) và mô hình Roychowdhury (2006). Sử dụng kết hợp giữa phương pháp định tính và phương pháp định lượng, kết quả phân tích ở mô hình Kothari, Leone và Wasley (2005) cho thấy, số lần họp HĐQT, tỷ lệ thành viên HĐQT có chuyên môn tài chính, tỷ lệ thành viên nữ trong HĐQT, quy mô ban kiểm soát tỷ lệ thành viên nữ trong ban kiểm soát, quy mô công ty kiểm toán và sở hữu quản lý ảnh hưởng ngược chiều đến hành vi quản trị lợi nhuận.

Trong khi đó, sự thay đổi công ty kiểm toán, tỷ lệ nợ vay ngắn hạn, quy mô DN và ROA tác động cùng chiều đến hành vi quản trị lợi nhuận. Trong phạm vi nghiên cứu của tác giả, sự kiêm nhiệm giữa chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập không điều hành, quy mô HĐQT, tỷ lệ thành viên ban kiểm soát có chuyên môn tài chính, sở hữu nhà nước, sở hữu nước ngoài, đòn bẩy tài chính và mức độ hoàn thành kế hoạch không ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận 

Hoàng Thị Việt Hà và Đặng Ngọc Hùng (2018) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quản trị lợi nhuận dồn tích và quản trị lợi nhuận thực tế của các công ty niêm yết  tại Việt Nam. Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ báo cáo tài chính của 260 công ty niêm yết  trên HOSE trong giai đoạn 2012-2016, với tổng số mẫu quan sát là 1300.

Hai tác giả sử dụng mô hình Jones điều chỉnh của Dechow và cộng sự (1995) và mô hình của Kothari và cộng sự (2005) để đo lường hành vi quản trị lợi nhuận dồn tích; và sử dụng mô hình của Roychowdhury (2006) để đo lường hành vi quản trị lợi nhuận thực tế. Bằng phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất, tác giả tiến hành kiểm định lựa chọn mô hình phù hợp và kiểm tra đánh giá khuyết tật của mô hình.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở báo cáo tài chính hợp nhất, sự kiêm nhiệm giữa chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, ROA, đòn bẩy tài chính và phát hành cổ phiếu ảnh hưởng thuận chiều đến quản trị lợi nhuận dồn tích, ngược lại yếu tố quy mô và chất lượng kiểm toán có quan hệ ngược chiều với quản trị lợi nhuận dồn tích. Quy mô HĐQT và quy mô công ty ảnh hưởng không đáng kể đến quản trị lợi nhuận trong nghiên cứu này.

Kết luận

Qua tìm hiểu, tổng hợp những nghiên cứu nói trên, có thể thấy, hành vi quản trị lợi nhuận được đo lường bằng nhiều mô hình khác nhau: Jones (1991), Friedlan (1994), Jones điều chỉnh của Dechow và cộng sự (1995)… và đặc điểm HĐQT thường được thể hiện thông qua các nhân tố: quy mô HĐQT sự kiêm nhiệm giữa chủ tịch HĐQT  và tổng giám đốc, tính độc lập của HĐQT, thành viên nữ trong HĐQT, mức độ chuyên môn tài chính của HĐQT, số lần họp của HĐQT…

Tuy nhiên, tác giả nhận thấy, nhân tố thành viên HĐQT nước ngoài và mối quan hệ giữa sự hiện diện của thành viên nước ngoài trong HĐQT với hành vi quản trị lợi nhuận mới chỉ được các tác giả trên thế giới thực hiện như nghiên cứu của Hooghiemstra và cộng sự (2019), Hamid và Bello (2019)… trong khi đây là một trong những nhân tố quan trọng thuộc đặc điểm HĐQT và cần phải xem xét khi Việt Nam ngày càng hội nhập với nền kinh tế thế giới.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2017), Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, Hà Nội, ngày 6/6/2017;

2. Bộ Tài chính (2005), Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC Chuẩn mực kế toán số 17 – Thuế thu nhập doanh nghiệp, Hà Nội, ngày 15/2/2005;

3. Bùi Văn Dương và Ngô Hoàng Điệp (2017), Đặc điểm hội đồng quản trị và hành vi quản trị lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, số 54, trang 71-84;

4. Giáp Thị Liên (2014), Nghiên cứu mối quan hệ giữa quản trị công ty và hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.