Tác động của sai lệch tỷ giá đến tăng trưởng kinh tế

ThS. Phan Tiến Nam - Học viện Tài chính

Mối quan hệ giữa sai lệch tỷ giá (tỷ giá hối đoái) và tăng trưởng kinh tế đã trở thành tâm điểm nghiên cứu trong thời gian qua ở nhiều nước khác nhau. Trong bài viết, tác giả tiến hành nghiên cứu vấn đề thông qua 4 kênh dẫn truyền như sau: Sai lệch tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp tới giá hàng hóa; Sai lệch tỷ giá ảnh hưởng tới đầu tư trong nước và nước ngoài; Sai lệch tỷ giá càng lớn thì càng gây tổn hại tới các hoạt động của nền kinh tế; Nội tệ định giá thực cao hay thấp sẽ tạo ra sự nhiễu loạn trong giá hàng xuất nhập khẩu... Kết quả nghiên cứu nhằm làm rõ những tác động của sai lệch tỷ giá tới mức tăng trưởng của nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một số khái niệm

Khái niệm tỷ giá cân bằng

Nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước từ trước đến nay đều đã tập trung khai thác những vấn đề đặt ra liên quan tới khái niệm tỷ giá cân bằng và sai lệch tỷ giá. Cụ thể như: Thế nào là tỷ giá cân bằng? Các nhân tố tác động tới tỷ giá cân bằng và tỷ giá cân bằng có liên quan gì tới khái niệm sai lệch tỷ giá? Liệu tỷ giá thực có xu hướng vận động trở về bằng 1 không, tỷ giá thực có tính dừng/ổn định trong dài hạn? Tỷ giá danh nghĩa có ảnh hưởng quan trọng như thế nào tới tỷ giá thực và góp phần định hướng sự vận động của tỷ giá thực.

Để tìm hiểu về khái niệm tỷ giá cân bằng, trước hết, cần xác định khái niệm tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực. Theo lý thuyết, tỷ giá danh nghĩa là giá cả của tiền tệ này được biểu thị thông qua tiền tệ khác. Trong khi đó, tỷ giá thực là tỷ giá danh nghĩa đã được điều chỉnh bởi yếu tố lạm phát giữa 2 quốc gia. Chính vì vậy, tỷ giá thực được xác định theo công thức sau:

Tác động của sai lệch tỷ giá đến tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1

Trong đó:


Tác động của sai lệch tỷ giá đến tăng trưởng kinh tế - Ảnh 2
Thông thường, khi xác định tỷ giá thực người ta thường dùng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) làm đại diện cho mức giá cả của một quốc gia.


Tuy nhiên, thực tế các nghiên cứu gần đây cho thấy, ngoài CPI, các nhà nghiên cứu còn sử dụng nhiều chỉ số khác để đại diện cho mức giá cả ở một quốc gia bao gồm: (i) Chỉ số giá cả của riêng hàng hóa thương mại; (ii) Tỷ lệ giữa chỉ số giá hàng hóa xuất khẩu và chỉ số giá hàng hóa nhập khẩu (được biết với tên gọi là điều kiện thương mại hay TOT); (iii) Chỉ số giá nhân công lao động; (iv) Tỷ lệ giữa chỉ số giá cả của hàng hóa thương mại và hàng hóa không tham gia thương mại; (v) Chỉ số giảm phát GDP hay chỉ số giá bán buôn.

Theo lý thuyết, nếu tỷ giá thực lớn hơn 1, nội tệ bị định giá thực quá thấp. Ngược lại, nếu tỷ giá thực nhỏ hơn 1, nội tệ được định giá thực quá cao. Còn khi tỷ giá thực bằng 1, thì có thể cho rằng tiền tệ đó được định giá thực cân bằng. Như vậy, có thể thấy rằng, theo lý thuyết chúng ta có thể so sánh tỷ giá thực với 1 để đưa ra những đánh giá về giá trị hiện tại của một tiền tệ.

Tuy nhiên, khi tỷ giá thực bằng 1 có nghĩa là điều kiện ngang giá sức mua phải được duy trì, mà điều này đã được chứng minh là khó tồn tại trên thực tế. Rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, điều kiện ngang giá sức mua không được duy trì ở cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển, cả trong ngắn hạn lẫn trung và dài hạn. Chính vì hạn chế của học thuyết ngang giá sức mua, các nhà nghiên cứu kinh tế đã đưa ra một khái niệm khác về tỷ giá được xác định dựa theo các biến số kinh tế vĩ mô của từng quốc gia làm tiêu chuẩn để đánh giá tỷ giá hiện tại - đó chính là tỷ giá cân bằng.

Về mặt lý thuyết, tỷ giá cân bằng được hiểu là tỷ giá được xác định tự do tại điểm giao nhau giữa đường cung và đường cầu tiền tệ trên thị trường ngoại hối mà không có bất cứ một sự can thiệp nào của ngân hàng trung ương. Tỷ giá cân bằng được xác định theo cách này được gọi là tỷ giá cân bằng thị trường và hiển nhiên nó chính là tỷ giá danh nghĩa song phương. Tuy nhiên, trong hầu hết các lý thuyết về tỷ giá cân bằng, ngoài tỷ giá danh nghĩa thì tỷ giá thực, đặc biệt là tỷ giá thực đa phương cũng được sử dụng thường xuyên như một biến số chính trong mô hình.
Trong nghiên cứu của Clark và MacDonald (1997), tỷ giá cân bằng được xác định theo phương trình sau:

Tác động của sai lệch tỷ giá đến tăng trưởng kinh tế - Ảnh 3


Z: Là véc tơ bao gồm các biến số kinh tế cơ bản có khả năng ảnh hưởng đến tỷ giá cân bằng trong trung và dài hạn;
T: Là véc tơ bao gồm các biến số tạm thời có ảnh hưởng đến tỷ giá cân bằng trong ngắn hạn;


Tác động của sai lệch tỷ giá đến tăng trưởng kinh tế - Ảnh 4


Phương trình (1.2) là phương trình chung về xác định tỷ giá cân bằng. Tỷ giá cân bằng có thể được chia thành 3 loại: Tỷ giá cân bằng trong ngắn hạn, trong trung hạn và trong dài hạn.

Khái niệm về sai lệch tỷ giá

Sai lệch tỷ giá là vấn đề được nhiều nghiên cứu đề cập đến trong những năm gần đây, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đang tìm hướng đi cho mình để ổn định, phát triển kinh tế, góp phần ổn định nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể như theo Peter J. Montiel (1999), sai lệch tỷ giá là tình trạng tỷ giá thực bị lệch tương đối lớn so với giá trị cân bằng dài hạn. Còn với Couharde, Cécile (2013), sai lệch tỷ giá là chênh lệch giữa mức tỷ giá thực hiện tại với mức cân bằng, với điều kiện mức cân bằng được xác định theo mô hình tỷ giá cân bằng hành vi.

Như vậy, các định nghĩa đều có điểm chung giống nhau, đó là sai lệch tỷ giá xuất hiện khi tỷ giá thực khác biệt so với tỷ giá thực ở mức cân bằng. Với mỗi phương pháp tính tỷ giá thực khác nhau, tỷ giá thực tại mức cân bằng sẽ có kết quả khác nhau. Hiểu một cách đơn giản hơn, khi đồng tiền bị định giá danh nghĩa cao hay thấp so với mức tỷ giá cân bằng của thị trường, thì hiển nhiên là đồng tiền đó có giá trị thực sai lệch so với mức cân bằng.

Tác động của sai lệch tỷ giá đối với nền kinh tế

Mối quan hệ giữa sai lệch tỷ giá và tăng trưởng kinh tế đã trở thành tâm điểm nghiên cứu trong thời gian qua ở nhiều nước khác nhau. Sai lệch tỷ giá có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế thông qua ít nhất 4 kênh dẫn truyền. Cụ thể:

Thứ nhất, sai lệch tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp tới giá hàng hóa có thể tham gia thương mại quốc tế và khu vực xuất nhập khẩu, tác động tới khả năng cạnh tranh của khu vực này với phần còn lại của thế giới. Khu vực xuất nhập khẩu vẫn được xem như là một cấu phần quan trọng trong tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Thứ hai, sai lệch tỷ giá ảnh hưởng tới đầu tư trong nước và nước ngoài, do đó ảnh hưởng tới quá trình tích lũy vốn. Trong đó, vốn được coi là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, mức sai lệch tỷ giá càng lớn thì càng có ảnh hưởng không tốt tới tăng trưởng kinh tế. Sự biến động càng nhiều của sai lệch tỷ giá thể hiện môi trường kinh tế không ổn định, gây tổn hại tới các hoạt động của nền kinh tế. Điển hình như: Sự biến động về điều kiện thương mại, tỷ giá danh nghĩa, mức cung ứng tiền, năng suất lao động… Ngoài ra, sự biến động của sai lệch tỷ giá còn thể hiện các cú sốc từ bên trong và bên ngoài nền kinh tế cũng như phản ứng của nền kinh tế trướcchính sách của Chính phủ.

Thứ tư, nội tệ định giá thực cao hay thấp sẽ tạo ra sự nhiễu loạn trong giá hàng hóa tham gia thương mại quốc tế và giá hàng hóa không thể tham gia thương mại quốc tế. Từ đó, tạo ra tín hiệu sai lệch khi phân bổ nguồn lực sản xuất trong các ngành và gây bất ổn kinh tế.
Tác động tích cực

Về nguyên lý và nghiên cứu thực nghiệm ở các nước cho thấy, khi tỷ giá thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của một quốc gia. Chiến lược phát triển kinh tế hướng vào xuất khẩu đi kèm với hành động phá giá nội tệ luôn là trọng tâm được nhiều nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách mỗi nước lưu tâm. Các nghiên cứu đều mong muốn kiểm chứng độ tin cậy của giả thuyết liệu nội tệ định giá thấp có khả năng trở thành con đường phát triển thịnh vượng cho một quốc gia, bởi tỷ giá cho phép thay đổi sức cạnh tranh của các loại hàng hoá và dịch vụ do các nước sản xuất ra.

Thông thường, khi giá trị đồng tiền của một nước giảm so với các đồng tiền khác, hàng xuất khẩu của nước đó trở nên rẻ hơn còn hàng hoá nhập khẩu lại trở nên đắt hơn một cách tương đối.

Nói  cách khác, chính phủ duy trì nội tệ định giá thấp là gián tiếp cấp ưu đãi cho xuất khẩu và là một khoản thuế cho nhập khẩu. Hàng loạt các nghiên cứu của Kreinin (1967, 1973); Houthakker and Magee (1969); Khan (1974, 1975); Goldstein and Khan (1976, 1978); Wilson và Takacs (1979); Warner và Kreinin (1983); Haynes và Stone (1983); Bahmani - Oskooee (1986); Marquez (1990); Mah (1993)… là minh chứng rõ ràng nhất cho mối quan hệ giữa định giá thấp nội tệ và cải thiện cán cân thương mại. Tuy nhiên, có trường hợp đặc biệt khi cán cân hàng hóa được cải thiện ở nước này nhưng lại không được cải thiện ở nước khác.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, sai lệch tỷ giá gây nhiều bất ổn kinh tế, gia tăng khuyết tật của thị trường thậm chí là khủng hoảng. Vì vậy, mỗi quốc gia cần xác định mức tỷ giá cân bằng dài hạn như là mỏ neo cho các hoạt động kinh tế.

Các nghiên cứu kiểm chứng cũng thống nhất về mối quan hệ trực tiếp giữa định giá thấp nội tệ (nội tệ không ở mức tỷ giá thực cân bằng) với tăng trưởng kinh tế. Hausman và các cộng sự (2005) xác định, nội tệ định giá thực thấp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở 83 quốc gia phát triển và đang phát triển trong giai đoạn 1960 - 2000. Levy-Yeyati và Sturzenegger (2009) chỉ ra, bằng chứng là các nước đang phát triển có lượng dự trữ ngoại hối cực mạnh để có khả năng can thiệp duy trì nội tệ định giá thấp, khuyến khích tăng trưởng kinh tế.


Một đồng tiền của một nước được định giá thực thấp tương đối, thì ngoài khuyến khích xuất khẩu, còn ngăn cản khủng hoảng tài chính và giúp nền kinh tế đi theo hướng phát triển bền vững. Nội tệ định giá thực thấp còn là công cụ phát triển khu vực hàng hóa có thể tham gia thương mại quốc tế, một khu vực hết sức năng động, tạo ra nhiều sáng kiến và đóng góp tăng năng suất lao động (Gala, 2008). Nghiên cứu của Rodrik (2008) cũng cho thấy, ở hầu hết các nước giai đoạn tăng trưởng kinh tế thường đi kèm với việc định giá thấp nội tệ.

Trên thực tế, ở nhiều nước, việc định giá thực thấp nội tệ càng gia tăng sẽ thúc đẩy kinh tế giống như là sự suy giảm mức định giá thực cao.Thế nhưng mối quan hệ này chỉ đúng với các nước đang phát triển và càng có ý nghĩa cao đối với các nước nghèo. Tỷ lệ giữa giá hàng hóa có thể tham gia thương mại quốc tế và giá hàng hóa không thể tham gia thương mại quốc tế là nhân tố cơ bản quyết định mối quan hệ này.

Rodrik đã lấy minh chứng từ các trường hợp Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở những nước này tăng vào nửa cuối thập kỷ 70, tương ứng với thời kỳ nội tệ định giá thấp với tỷ lệ mất giá nội tệ có lúc lên tới 50%. Với trường hợp hai con hổ châu Á là Hàn Quốc và Đài Loan, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong giai đoạn nội tệ định giá thực cao hoặc mức độ định giá thấp của nội tệ giảm đi.

Theo quan điểm của Rodrik, trong nền kinh tế nhỏ, hai khu vực hàng hóa có thể tham gia thương mại quốc tế và không thể tham gia thương mại quốc tế đều phải chịu các nhiễu loạn thị trường khi giá thay đổi. Các nhiễu loạn này có thể là từ chính sách, từ thất bại thị trường. Tâm điểm của vấn đề là độ lớn tương đối của các nhiễu loạn trong hai khu vực. Nếu nhiễu loạn này ở khu vực có thể tham gia thương mại quốc tế càng lớn thì sẽ chiếm tỷ trọng nhỏ ở mức cân bằng. Một chính sách hay cú sốc ngoại sinh tạo ra sự giảm giá nội tệ đều có thể kích thích tăng trưởng. Chính vì thế, Rodrik nhấn mạnh là chiến lược phát triển kinh tế thông qua chính sách định giá thấp nội tệ là chính sách tốt thứ hai cho các nước đang phát triển.

Các nhà kinh tế học trọng thương hiện đại đã đồng ý với quan điểm cho rằng, nội tệ định giá thấp không những thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua khu vực kinh tế có thể tham gia thương mại quốc tế, mà còn là tác động của nội tệ định giá thấp tới tiết kiệm và tích lũy vốn. Trường phái hậu Kaleckia tập trung vào mô hình tăng trưởng kinh tế và phân phối thu nhập đã chứng minh rằng, tỷ giá thực có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, thông qua việc phân phối thu nhập. Theo đó, có hai tình huống xảy ra theo quan điểm này:

Một là, nếu việc tích lũy vốn trong nền kinh tế là do yếu tố lợi nhuận quyết định thì nội tệ giảm giá thực sẽ làm giảm mức tiền lương thực tế, tăng tỷ suất đầu tư của doanh nghiệp và mở rộng khả năng sức sản xuất; tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu trên thị trường quốc tế (Amit Bhaduri and Stephen Marglin, 1990; Robert Blecker, 2002).

Tuy nhiên, mức tiền lương thực tế giảm đã làm giảm cầu tiêu dùng do khuynh hướng tiêu dùng so với lương thực tế cao hơn khuynh hướng tiêu dùng so với lợi nhuận. Nếu độ nhạy cảm của đầu tư so với tỷ suất lợi nhuận cao và khoảng cách giữa hai khuynh hướng tiêu dùng trên là nhỏ, thì sự sụt giảm cầu tiêu dùng do lượng giảm sẽ được bù đắp bởi nhu cầu đầu tư tăng, tăng sức sản xuất. Ngược lại, nội tệ giảm giá thực lại làm giảm sức sản xuất.

Hai là, nền kinh tế sẽ hoạt động theo tín hiệu của mức lương thực tế. Nói cách khác, mức vốn tích lũy của nền kinh tế có thể chuyển đổi từ tín hiệu lợi nhuận sang tín hiệu tiền lương thực tế và ngược lại do sự biến động của tỷ giá thực. Tuy nhiên, theo mô hình lý thuyết, mức tích lũy vốn phụ thuộc không những vào mức tỷ giá thực, mà còn do mức độ sai lệch tỷ giá quyết định.

Tác động tiêu cực

(i) Sai lệch tỷ giá và suy giảm tăng trưởng kinh tế

Thứ nhất, nội tệ lên giá thực gây tổn hại tới hoạt động xuất nhập khẩu.
Như đã phân tích ở trên, nội tệ giảm giá thực là nhân tố giúp tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, khi đồng tiền lên giá thực, hàng xuất khẩu của nước đó trở nên đắt hơn, còn hàng nhập khẩu lại trở nên rẻ hơn một cách tương đối. Ngành công nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài, do giá nhập khẩu rẻ hơn hoặc kêu gọi chính phủ bảo hộ ngành công nghiệp và nông nghiệp đang bị cạnh tranh. Trước sức ép chính trị, Chính phủ cuối cùng phải nhượng bộ bằng cách tăng thuế hoặc các biện pháp phi thuế quan. Nền kinh tế không được thông thương với nước ngoài, không có cơ hội tiếp cận với đầu vào nhập khẩu, kết quả là, giảm tăng trưởng kinh tế.

Tác động của sai lệch tỷ giá đến tăng trưởng kinh tế - Ảnh 5
Razin và Collins (1999) đã xây dựng chỉ số tỷ giá thực theo các biến số cơ bản áp dụng cho 93 nước phát triển và đang phát triển trong giai đoạn 1975 - 1993. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nội tệ định giá thực cao so với các biến số cấu trúc của mô hình  đã có mối quan hệ tương quan âm với tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, nếu nội tệ định giá thực cao 10% thì tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,6%. Không chỉ vậy, nhóm nghiên cứu còn nhận ra một hiện tượng đang tồn tại là nội tệ định giá thực cao có ảnh hưởng mạnh hơn lên tăng trưởng kinh tế so với nội tệ định giá thực thấp.

Trong mô hình nghiên cứu, mối quan hệ giữa nội tệ định giá thực thấp và tăng trưởng kinh tế không có ý nghĩa thống kê. Với 60 quan sát nội tệ bị định giá thực thấp (sai lệch tỷ giá là số âm), tác giả lại chia tiếp thành các nhóm ứng với các trường hợp nội tệ bị định giá thực thấp với tỷ lệ nhỏ, trung bình, cao và rất cao. Kết quả cho thấy, nhóm nước có tỷ lệ nội tệ định giá thực thấp ở mức trung bình cho tới cao (Kết quả này ứng với nhóm nước đang pháp triển châu Mỹ La tinh) dường như có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Aguirre Calderon (2005) cũng xây dựng chỉ số tỷ giá thực cho 60 quốc gia, cả nước phát triển và nước đang phát triển với chuỗi thời gian từ năm 1965 - 2003 và nhận thấy, nội tệ định giá thực cao có mối quan hệ âm với GDP tính theo đầu người. Hệ số hồi quy trong trường hợp nội tệ định giá thực cao cũng lớn so với trường hợp nội tệ định giá thực thấp. Hệ số hồi quy khi nội tệ bị định giá thực thấp có xu hướng giảm về số tuyệt đối với tỷ lệ định giá thực thấp càng lớn. Nếu tính tỷ giá thực dựa theo ngang giá sức mua thì hệ số âm càng lớn.

Nghiên cứu của Prasad và cộng sự (2007) nhận thấy, các nước đang phát triển mà phụ thuộc ít vào dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn. Điều này lý giải cho tình huống dòng vốn đầu tư ngắn hạn làm cho nội tệ lên giá, làm giảm nhu cầu đầu tư vào sản xuất và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, các quốc gia đang phát triển được chia thành 4 nhóm với tỷ lệ đầu tư so với GDP và trạng thái cán cân vãng lai so với GDP cao hơn hoặc thấp hơn trung vị.

Theo lý thuyết quốc gia nào đầu tư nhiều vốn sẽ có tốc độ phát triển GDP cao hơn nước đầu tư ít vốn; Quốc gia nào có tỷ lệ vốn đầu tư cao mà phụ thuộc ít vào dòng vốn ngắn hạn sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn 1% so với nước có cùng tỷ lệ vốn đầu tư nhưng phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài hậu quả nội tệ lên giá làm tổn thương khu vực xuất khẩu và sức cạnh tranh thương mại quốc tế, dòng vốn đầu tư nước ngoài còn gây tổn hại tiếp cho nền kinh tế.

Ví dụ: khu vực tài chính các nước kém phát triển không có khả năng hấp thụ vốn, vốn ngoại tệ không được đưa vào khu vực sản xuất hàng xuất khẩu mà sẽ chuyển sang khu vực phi sản xuất như bất động sản. Do vậy, khu vực tài chính kém phát triển góp phần làm tăng chi phí của khu vực phi sản xuất, càng đẩy nội tệ lên giá.

Những năm gần đây, thế giới chứng kiến diễn biến lạm phát ở các quốc gia theo những biến động khác nhau. Lạm phát có xu hướng giảm ở các nước công nghiệp phát triển, thu nhập cao. Trong khi đó, lạm phát lại ổn định hoặc có xu hướng tăng ở nước đang phát triển.

Thứ hai, mức độ sai lệch tỷ giá càng lớn lại càng làm kinh tế suy giảm.

 Nghiên cứu của Aguirre và Calderon (2005) cũng đã có những đóng góp quan trọng bằng cách, giả định tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các nước khác nhau sẽ phụ thuộc vào mức độ hoặc dấu của sai lệch tỷ giá. Với việc sử dụng mô hình tăng trưởng chuẩn, tác giả kết luận là mức độ suy thoái kinh tế phụ thuộc vào độ lớn của sai lệch tỷ giá. Nội tệ càng định giá thực thấp là nhân tố càng lớn, gây tổn thương tăng trưởng kinh tế nhưng mức độ định giá thực thấp nhỏ và trung bình có thể khuyến khích tăng trưởng kinh tế.  

(ii) Sai lệch tỷ giá và bất ổn kinh tế

Các cuộc khủng hoảng tiền tệ cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI diễn ra ở các nước áp dụng chế độ tỷ giá cố định, hoặc chế độ tỷ giá bò trườn/linh hoạt. Điều này hoàn toàn đúng với các cuộc khủng hoảng năm 1992 - 1993 ở châu Âu; Mexico năm 1994 - 1995; khu vực Đông Nam Á năm 1997; Nga năm 1998; Brazil năm 1999; Thổ Nhĩ Kỳ 2001 và Argentina 2002. Nguyên nhân của khủng hoảng tiền tệ trong chế độ tỷ giá cố định được giải thích qua hai cách sau:

- Cách giải thích thứ nhất gắn với hiện tượng nội tệ định giá cao, do tỷ lệ lạm phát nội tệ cao hơn tỷ lệ lạm phát của tiền tệ được neo (ví dụ USD). Hiện tượng này diễn ra thường xuyên do chế độ tỷ giá cố định thường được như là công cụ chống lạm phát cao. Khi tỷ lệ lạm phát giảm dần dần, nội tệ dần lên giá thực.

Goldfain và Valdes (1996) đã nhận thấy, xu hướng lên giá thực của nội tệ trong chế độ tỷ giá cố định. Nội tệ lên giá thực đã được đánh giá là một dấu hiệu cảnh báo sớm cho khủng hoảng tiền tệ (Kaminsky et al., 1998; Burkart and Coudert, 2002; Bussière and Fratzscher, 2006). Ở một khía cạnh khác, nội tệ lên giá thực đã làm xói mòn sức cạnh tranh thương mại quốc tế và gây thâm hụt cán cân hàng hóa.

Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy, hầu hết các cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán quốc tế đều liên quan tới hiện tượng nội tệ bị định giá cao hoặc sai lệch tỷ giá (Goldfajn and Valdes, 1996; Palma, 2003).
Bởi nội tệ định giá cao thường gắn với tình trạng quốc gia không có khả năng can thiệp trên thị trường ngoại hối do dự trữ ngoại hối cạn kiệt.

- Cách giải thích thứ hai gắn với trường hợp một số nước Đông Nam Á với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dòng vốn ngắn hạn nước ngoài. Trong ngắn hạn, nền kinh tế chi tiêu nhiều hơn, xuất hiện bong bóng trên thị trường chứng khoán và bất động sản, kèm theo hiện tượng nội tệ lên giá thực. Song khi dòng vốn ngắn hạn đảo chiều, ngân hàng trung ương các nước không có khả năng can thiệp xuất hiện cả khủng hoảng tiền tệ và khủng hoảng cán cân thanh toán quốc tế (Hình 1).

(iii) Sai lệch tỷ giá và hiện tượng “mất mát chi phí xã hội”

Xu thế quốc tế hóa nền kinh tế đòi hỏi quốc gia phải tuân thủ theo các nguyên tắc thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, tỷ giá cần phản ánh đúng bản chất là một loại giá cả, thể hiện sát thực tương quan giá trị giữa nội tệ và các ngoại tệ. Tỷ giá phải chứng tỏ là một thước đo giá trị tốt, không nghiêng về hay gây rủi ro đến bất cứ đối tượng nào, tạo điều kiện cho thị trường vận động khách quan. Nội tệ bị định giá danh nghĩa cao hay thấp sẽ dễ dàng dẫn tới hiện tượng định giá thực cao hay thấp (vì trong ngắn hạn, giá hàng hóa giữa hai nước chưa kịp thay đổi).

Nội tệ định giá thực thấp sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hóa nhưng đồng thời làm tăng chi phí của toàn xã hội khi nhập khẩu hàng hóa. Còn nội tệ định giá thực cao sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu khó khăn. Việc định giá quá cao hay quá thấp nội tệ sẽ làm méo mó sựphân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, tạo thêm chi phí cho toàn xã hội.

Tác động của sai lệch tỷ giá đến tăng trưởng kinh tế - Ảnh 6


(iv) Sai lệch tỷ giá và hiện tượng lạm phát  

Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa phá giá nội tệ và tăng trưởng kinh tế đều chỉ ra một hiệu ứng khác làm giảm hiệu quả của việc giảm giá đồng nội tệ tới tăng trưởng kinh tế, đó là hiệu ứng dẫn truyền từ tỷ giá sang lạm phát. Với các nước có nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng nhập khẩu thì việc tăng tỷ giá sẽ làm tăng mức giá trong nước.

Mức giá trong nước tăng sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng nội địa dẫn đến xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng và tính hiệu quả của việc tăng tỷ giá bị suy giảm. Trường hợp toàn bộ mức tăng tỷ giá được truyền dẫn hoàn toàn sang mức giá trong nước thì việc tăng tỷ giá gần như bị vô hiệu hoá hoàn toàn. Trường hợp này được biết đến với tên gọi hiệu ứng “truyền dẫn toàn bộ sang lạm phát”.

Trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến diễn biến lạm phát ở các quốc gia theo những biến động khác nhau. Lạm phát có xu hướng giảm ở các nước công nghiệp phát triển, thu nhập cao. Trong khi đó, lạm phát lại ổn định hoặc có xu hướng tăng ở nước đang phát triển (Hình 2). Ở một vài nước đang phát triển, lạm phát đang tăng trở lại từ năm 2014, mặc dù giá hàng hóa về thực phẩm và năng lượng lại giảm. Điều này dẫn tới một nghi ngờ và có hướng giải thích khác cho lạm phát, do hiện tượng mất giá nội tệ từ thời kỳ trước đó.

(v) Sai lệch tỷ giá và rủi ro đối với chu chuyển vốn quốc tế  

Trong nhiều trường hợp, quốc gia tiến hành phá giá nội tệ sẽ hứng chịu hiện tượng thoái lui vốn đầu tư ngoại. Khu vực kinh tế chịu tổn thất nhiều nhất là khu vực cần nhiều vốn đầu tư bị thu hẹp lại, tỷ lệ tăng trưởng giảm, thất nghiệp gia tăng, châm ngòi cho suy thoái kinh tế. Suy thoái kinh tế lại càng được khuyếch đại, khi lãi suất trong nước tăng cao để bảo vệ giá trị nội tệ. Thậm chí, phá giá nội tệ còn gây hiệu ứng lan truyền như cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Á năm 1997 diễn ra tương tự ở nhiều nước, không chỉ phá vỡ các yếu tố cơ bản của nền kinh tế mà còn tạo ra thế mất cân bằng khi cán cân vãng lai thặng dư quá nhiều.

Nội tệ bị sai lệch tỷ giá sẽ khiến cho nhà đầu tư nhận thức được rủi ro từ lợi nhuận đầu tư. Phản ứng ngay lập tức là nhà đầu tư thay đổi danh mục, có những quyết định theo tín hiệu sai lệch từ tỷ giá, dễ gây ra hiệu ứng lan tỏa sang giá trị của các đồng tiền khác.

Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đến nay có nhiều nghiên cứu đã tìm hiểu về hiện tượng sai lệch tỷ giá với mục đích nhận biết được dấu hiệu của sai lệch tỷ giá nhằm kịp thời đưa ra những điều chỉnh, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội.

Một số nghiên cứu cũng khẳng định, sai lệch tỷ giá có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế qua kênh giá hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sai lệch tỷ giá gây nhiều bất ổn kinh tế, gia tăng khuyết tật của thị trường thậm chí là khủng hoảng. Vì vậy, mỗi quốc gia cần xác định mức tỷ giá cân bằng dài hạn như là mỏ neo cho các hoạt động kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Agui3rre, Alvaro and Cesar Calderon (2005) “Real exchange rate misalignments and economic performance,” Central Bank of Chile, Working Pap er No.315;

2. Bahmani-Oskooee, M., 1986. Determinants of international trade flows: the case of developing countries. Journal of Development Economics 20, p.107-123;

3. Bayoumi, T., Clark, P., Symansky, S., Taylor, M., “ Robustness of equilibrium exchange rate calculations to alternative assumptions andmethodologies”, IMF working paper, 1994;

4. Cécile Couharde, Audrey Sallenave (2013),How do currency misalignments’ threshold affect economic growth? Journal of Macroeconomics 36 (2013), p.106-120;

5. Dani Rodrik (2008), “The real exchange rate and economic growth”, Havard University;

6. Gala, Paulo (2008) “Real exchange rate levels and economic development: theoretical analysis and econometric evidence,” Cambridge Journal of Economics, Vol. 32, No. 2, p. 273;

7. Michael Woodford (2009), “Is an Undervalued Currency the Key to Economic Growth?”, Columbia University New York, NY 10027, Discussion Paper No.: 0809-13;

8. Razin, Ofair and Susan M. Collins (1999) “Real exchange rate misalignments and growth,” in Assaf Razin and Efraim Sadka eds. The Economics of Globalization: Policy Perspectives from Public Economics:  Cambridge University Press.