Tách bạch tiền gửi nhà đầu tư: “Chuyện cũ mà vẫn mới”

Theo ndh.vn

(Tài chính) Theo quy định tại Thông tư 210/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán (CTCK), các CTCK phải thực hiện việc tách bạch quản lý tài khoản tiền gửi khách hàng trước ngày 15/1/2014.

 Tách bạch tiền gửi nhà đầu tư: “Chuyện cũ mà vẫn mới”
Các CTCK phải thực hiện việc tách bạch quản lý tài khoản tiền gửi khách hàng trước ngày 15/1/2014. Nguồn: internet
Còn hơn 1 tháng nữa là hạn cuối để thực hiện tách bạch quản lý tài khoản…nhưng thông tin từ phía các công ty chứng khoán về hoạt động này khá im ắng.

Đầu năm 2013, số liệu từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho thấy có 25 CTCK thực hiện quản lý tách bạch theo tài khoản tiền gửi tại ngân hàng mang tên khách hàng. Đến giữa năm, con số này cũng chỉ lên 39 CTCK. Theo thống kê mới nhất khảo sát được, hiện mới chỉ có 43 CTCK đã thực hiện tách bạch tài khoản theo hình thức này.

Hai kiểu tách bạch: Lựa chọn hay bắt buộc?

Theo quy định tại Khoản 2 - Điều 71 – Luật Chứng khoán, CTCK có nghĩa vụ quản lý tách biệt tiền và chứng khoán của nhà đầu tư với tiền và chứng khoán của CTCK.

Điều 50 Thông tư số 210/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK quy định CTCK phải xây dựng hệ thống quản lý tách bạch tiền của khách hàng theo hai phương thức: (a) Khách hàng của CTCK mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do CTCK lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán và (b) CTCK mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng. Trong đó, phương thức (a) là bắt buộc phải có. Khách hàng có quyền lựa chọn một trong hai phương thức quản lý tiền tại CTCK theo một trong hai phương thức trên.

Cũng theo quy định tại Điều này, CTCK không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại. CTCK phải công bố trên trang thông tin điện tử và tại các chi nhánh, phòng giao dịch của CTCK danh sách ngân hàng thương mại được lựa chọn cho hai phương thức quản lý tiền giao dịch chứng khoán của khách hàng.

Thời hạn để các CTCK chuẩn bị và chính thức cung cấp hai phương thức quản lý tiền gửi của khách hàng là 15/01/2014 (trong vòng 1 năm kể từ khi Thông tư 210 có hiệu lực).

Lý do nào khiến CTCK chưa sẵn sàng cung cấp hai phương thức quản lý tiền?

Có thể thấy, việc yêu cầu CTCK thực hiện tách bạch tài khoản nhà đầu tư đã được đặt ra ngay từ năm 2007. Từ đó đến nay trải qua 6 năm nhưng việc hiện thực hóa yêu cầu vẫn còn rất hạn chế. Hầu hết các CTCK mới chỉ dừng lại ở việc mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng mà chưa thực hiện phương thức để ngân hàng trực tiếp quản lý tiền của từng nhà đầu tư.

Nếu như trước đây, nhiều CTCK lo ngại về chi phí đầu tư một hệ thống phần mềm giao dịch đầy đủ các tiện ích có khả năng đảm bảo việc quản lý tiền tới từng tài khoản của khách hàng là khá đắt đỏ, thì nay việc đầu tư một phần mềm do nhà cung cấp trong nước thực hiện không phải là quá khó khăn với CTCK. Thực tế là ngay cả những CTCK nhỏ, thị phần môi giới không cao cũng đã có khả năng tài chính để đầu tư phần mềm phục vụ công tác này.

Theo khảo sát của chúng tôi, vấn đề tồn tại lớn nhất nằm ở việc quản lý tách bạch theo tài khoản tiền gửi tại ngân hàng mang tên khách hàng còn vướng phải một số hạn chế cho giao dịch của khách hàng. Với quy định cho phép các CTCK cung cấp dịch vụ margin cho khách hàng hiện nay thì CTCK và khách hàng buộc phải sử dụng tài khoản tổng, nếu không CTCK sẽ rất khó thu hồi vốn đã cho vay.

Ngoài ra, phương án quản lý tách bạch theo tài khoản tiền gửi tại ngân hàng mang tên khách hàng yêu cầu sự phối hợp thường xuyên giữa Ngân hàng và CTCK cho bất kỳ lệnh mua nào của khách hàng. Tuy nhiên, khó ai có thể đảm bảo sự phối hợp giữa hai đơn vị này và các công nghệ hỗ trợ luôn thông suốt, đảm bảo tốc độ giao dịch cho khách hàng.

Đơn cử trường hợp khách hàng đặt lệnh mua mà tài khoản của khách hàng quản lý riêng tại ngân hàng thì theo quy trình, CTCK phải kiểm tra và có được xác nhận của ngân hàng về số dư tiền của tài khoản này trước khi đưa lệnh vào hệ thống chờ khớp. Khâu gửi yêu cầu và chờ xác nhận giữa hai đơn vị này gây ra lo ngại sẽ tạo ra “độ trễ” nhất định trong quá trình đua lệnh của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, trường hợp quá trình gửi yêu cầu, chờ xác nhận… phát sinh lỗi gây thiệt hại cho nhà đầu tư hoặc cho các bên liên quan cũng sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho ngân hàng và công ty chứng khoán trong việc quy trách nhiệm và giải quyết những vấn đề phát sinh này.

Nhà đầu tư có thể chọn hình thức quản lý tiền gửi phù hợp

Cho dù vẫn còn những băn khoăn về tốc độ và những vướng mắc có thể gặp phải nếu việc quản lý tách bạch theo tài khoản tiền gửi tại ngân hàng mang tên khách hàng thì ngày 15/1/2014 sắp tới, tất cả các CTCK sẽ phải hoàn thiện và sẵn sàng cung cấp hệ thống quản lý tách bạch tiền này.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã từng khẳng định: Công ty chứng khoán phải tách bạch tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư vào đầu năm 2014 và sẽ không có chuyện UBCKNN thay đổi thời hạn. Đơn vị nào không tuân thủ sẽ bị xử lý bằng chế tài nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng công ty chứng khoán có quyền khuyến cáo nhà đầu tư lựa chọn hình thức tách bạch tài khoản tiền gửi giao dịch chứng khoán trên cơ sở phải tôn trọng sự lựa chọn của nhà đầu tư. Mỗi hình thức, với điều kiện công nghệ hiện có, có ưu nhược điểm riêng trong thực tế vận hành. Nghĩa vụ của công ty là phải đảm bảo quyền cho nhà đầu tư, còn việc lựa chọn của nhà đầu tư như thế nào sẽ phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và niềm tin của họ với CTCK.

Đại diện UBCKNN cũng khuyến cáo nhà đầu tư nên lựa chọn mở tài khoản tại những công ty có quy trình quản trị rủi ro tốt, có uy tín để phòng ngừa những rủi ro không đáng có.