Tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán: Kết quả khả quan

Hải An

(Tài chính) Tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán (TCKDCK) là 1 trong 4 trụ cột chính (tái cấu trúc cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán và tái cấu trúc hệ thống thị trường) của tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK). Những nỗ lực tái cấu trúc các TCKDCK trong thời gian qua đã và đang cho những kết quả khả quan.

Việc tái cấu trúc TTCK đã được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhìn nhận từ ngay sau khủng hoảng tài chính năm 2008 và đã được chủ động tổ chức thực hiện ngay từ năm 2010.

Đề án Tái cấu trúc TTCK đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với các mục tiêu chung đối với tái cấu trúc các TCKDCK đó là cơ cấu lại hệ thống các TCKDCK phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và quy mô phát triển của thị trường; củng cố hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro tại các tổ chức này theo thông lệ quốc tế.

Hoàn thiện khung pháp lý

Để đẩy mạnh công tác tái cấu trúc các TCKDCK, rất nhiều văn bản chính sách trong thời gian vừa qua đã được ban hành kịp thời. Đơn cử là việc hoàn thiện các quy định về an toàn tài chính, theo hướng rút ngắn thời gian khắc phục nhằm giảm bớt số lượng các định chế trung gian. Để thực hiện việc này, Bộ Tài chính đã ban hành 226/2010/TT-BTC và Thông tư 165/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 226 theo hướng củng cố các biện pháp xử lý đối với các TCKDCK không bảo đảm an toàn tài chính.

Nhằm siết chặt quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán (CTCK); thể chế hóa các yêu cầu, tiêu chí, điều kiện về hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro và quản trị điều hành doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 210/2012 về Hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK và số 212/2012 Về Hướng dẫn về thành lập, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ (QLQ).

Tiếp đó, Ngày 10/1/2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 62/QĐ-BTC phê duyệt Đề án tái cấu trúc các CTCK nhằm mục đích nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và khả năng kiểm soát rủi ro của các CTCK.

Theo Quyết định số 62/QĐ-BTC, về tiêu chí và phân loại các công ty chứng khoán, trên cơ sở Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các TCKDCK không đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính và các văn bản hướng dẫn về chứng khoán và TTCK cũng như kết quả kinh doanh đã kiểm toán của các CTCK, tiến hành rà soát phân nhóm các CTCK theo mức độ rủi ro giảm dần dựa trên 2 chỉ tiêu sau: Vốn khả dụng/tổng rủi ro (bao gồm rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán, và rủi ro hoạt động) và tỷ lệ lỗ lũy kế/vốn điều lệ.

Theo đó, các CTCK được phân thành 4 nhóm. Cụ thể: Nhóm 1: Nhóm hoạt động lành mạnh, gồm các công ty có tỷ lệ vốn khả dụng trên 180%; Nhóm 2: Nhóm hoạt động bình thường gồm các công ty có tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 150% tới 180%; Nhóm bị kiểm soát gồm các công ty có tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 120% tới 150%; Nhóm 4: Nhóm bị kiểm soát đặc biệt gồm các công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ làm cho tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%

Biện pháp tái cấu trúc cụ thể với Nhóm 1 là duy trì, ổn định và từng bước nâng cao năng lực tài chính, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện để các tổ chức kinh doanh chứng khoán hợp nhất, sáp nhập; Nâng cao năng lực quản trị và điều hành công ty, cơ cấu lại hệ thống quản trị, tổ chức lại bộ máy, nhân sự.

Với Nhóm 2 thì ngoài áp dụng các giải pháp như đối với các TCKDCK hoạt động lành mạnh, UBCKNN thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động của các công ty thuộc nhóm này, tăng tần suất báo cáo về tỷ lệ an toàn tài chính lên 2 lần/tháng.

Với Nhóm 3 và Nhóm 4: Sau khi ban hành Quyết định đặt công ty chứng khoán vào diện kiểm soát/kiểm soát đặc biệt, UBCKNN đã yêu cầu các CTCK bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt thực hiện các phương án khắc phục tình trạng bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt như bổ sung vốn, rút bớt nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán đồng thời thiết lập cơ sở pháp lý cũng như các hướng dẫn cụ thể về việc này tại Thông tư 210/2012/TT-BTC, xây dựng Quy trình rút, đình chỉ, tạm ngừng hoạt động nghiệp vụ môi giới chứng khoán của CTCK.

Trong quá trình mở cửa thị trường theo cam kết WTO, Thông tư số 91/2013/TT-BTC cũng đã được ra đời, cho phép hình thành TCKDCK 100% vốn nước ngoài theo cam kết WTO nhằm tăng sức cạnh tranh trên TTCK.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả của hệ thống quản lý, giám sát nhà nước đối với các TCKDCK theo tiêu chuẩn quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã ban hành các quy chế quản lý, giám sát theo bộ tiêu chí CAMEL (Quyết định 427/QĐ-UBCK ngày 11/7/2013 về việc ban hành Quy chế hướng dẫn đánh giá, xếp loại công ty QLQ; Quyết định số 617/QĐ-UBCK ngày 9/10/2013 về việc ban hành Quy chế hướng dẫn xếp loại CTCK); Để hướng dẫn các tổ chức này cách thức thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro, UBCKNN cũng đã có các Quyết định số 105/QĐ-UBCK ngày 26/2/2013 và Quyết định số 428/QĐ-UBCK ngày 11/7/2013 về việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho CTCK, công ty QLQ....

Kết quả đạt được

Trên đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy việc tái cấu trúc các TCKDCK và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức này. Trên cơ sở báo cáo kiểm toán năm và báo cáo chỉ tiêu an toàn tài chính soát xét, UBCKNN đã yêu cầu các CTCK giải trình về các báo cáo có ý kiến kiểm toán ngoại trừ, các báo cáo kiểm toán có các vấn đề chưa rõ, trực tiếp làm việc với 20 CTCK và công ty kiểm toán để rà soát lại báo cáo kiểm toán của các CTCK. Dựa vào đó, UBCKNN thực hiện việc sắp xếp, phân loại các CTCK theo 4 nhóm được quy định tại Đề án tái cấu trúc các CTCK; thực hiện các biện pháp tái cấu trúc, theo đó đã đặt 9 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt; 5 CTCK vào diện kiểm soát; tạm ngừng hoạt động của 1 CTCK, chấm dứt hoạt động của 3 CTCK để thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động; đình chỉ hoạt động 2 CTCK, chấp thuận giải thể cho 3 CTCK, thu hồi giấy phép của 1 CTCK do hợp nhất. Hiện nay, UBCKNN đang hướng dẫn 2 CTCK khác thực hiện hợp nhất.

Đánh giá tổng quát về công tác tái cấu trúc các TCKDCK, Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho biết, công tác này đã giúp:

- Nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và khả năng kiểm soát rủi ro của các TCKDCK, trên cơ sở đó từng bước thu hẹp số lượng; Tăng cường khả năng, hiệu quả quản lý, giám sát đối với hoạt động TCKDCK.

- Thực hiện theo lộ trình, có bước đi thận trọng, chắc chắn, không làm xáo trộn hoạt động của TTCK, bảo đảm minh bạch, đảm bảo lợi ích hợp pháp và an toàn tài sản của khách hàng.

- Thực hiện tự tái cấu trúc trên cơ sở quy định của pháp luật, lộ trình của Đề án tái cấu trúc và theo sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Xử lý tốt mối quan hệ giữa TCKDCK, ngân hàng, khách hàng và đảm bảo quản trị rủi ro, đồng thời sử dụng các nghiệp vụ thị trường để tái cơ cấu thông qua cơ chế góp vốn minh bạch.

- Các văn bản pháp lý được hoàn thiện đã góp phần kiểm soát chặt chẽ vấn đề rủi ro, đầu tư vào thị trường tài chính, bất động sản, vấn đề liên thông vốn với ngân hàng, vấn đề tách bạch tài khoản, hỗ trợ và đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn quá trình tái cấu trúc các TCKDCK.

Với những kết quả đạt được, UBCKNN cho biết việc cơ cấu lại hệ thống các TCKDCK sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới trên cơ sở phân loại và theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ chứng khoán; Nâng cao năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro; Hoàn thiện và triển khai giám sát hoạt động các TCKDCK theo phân loại; Nghiên cứu ban hành các chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính, giá trị hợp lý tiếp cận với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS theo lộ trình hợp lý; Cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu các tổ chức kinh doanh theo các cam kết WTO, khuyến khích các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín tham gia...