Tái cấu trúc ghi nhận những kết quả tích cực

PV.

(Tài chính) Năm 2013, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận sự phục hồi ấn tượng và những nỗ lực tái cấu trúc. Bước vào năm 2014, kỳ vọng thị trường có bước chuyển động tốt hơn nhờ các quyết sách quản lý, điều hành. Tài chính & Đầu tư đã có cuộc phỏng vấn TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Phóng viên: Năm 2013, TTCK Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới. Ông có thể đánh giá khái quát một số thành công nổi bật?

Tái cấu trúc ghi nhận những kết quả tích cực - Ảnh 1
TS. Vũ Bằng,
Chủ tịch UBCKNN
TS. Vũ Bằng: Mặc dù năm qua tốc độ tăng trưởng GDP chưa cao và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có bước ổn định. Đây là cơ sở để TTCK Việt Nam có những diễn biến và kết quả khả quan, thể hiện ở chỉ số VN - Index tăng gần 23%; HN-Index tăng hơn 13% so với cuối năm 2012 và TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước có mức độ phục hồi mạnh nhất trên thế giới.

Mức vốn hóa của thị trường vào khoảng 964 nghìn tỷ đồng (tăng 199 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2012), tương đương 31% GDP. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên tăng 31%.

Tổng giá trị huy động vốn kể cả phát hành riêng lẻ ước đạt 222 nghìn tỷ đồng, tăng 25%; trái phiếu chính phủ đạt 177,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24%. Tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển đạt 4,4 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2012 và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012.

Năm 2013, thị trường ghi nhận những nỗ lực lớn trong chỉ đạo và thực hiện tái cấu trúc, nhằm xây dựng thị trường phát triển ổn định, bền vững. Ông có thể cho biết một số kết quả đạt được?

Năm 2013, các cấp quản lý mà trực tiếp là UBCKNN đã triển khai quyết liệt Chiến lược phát triển TTCK và Đề án tái cấu trúc TTCK đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, các lĩnh vực trọng tâm đó là: Tái cấu trúc và nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK, nâng cao tiêu chuẩn phát hành, niêm yết theo Nghị định 58/2012/ NĐ-CP ngày 20/7/2012, trong đó chú trọng chất lượng các DN niêm yết. Tái cấu trúc cơ sở các nhà đầu tư (NĐT), trong đó đã cấp phép thành lập 09 quỹ mở. UBCKNN, hai Sở, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đang triển khai xây dựng hệ thống giao dịch các sản phẩm mới như quỹ ETF, quỹ mở để đưa vào vận hành trong thời gian tới.

Ngoài ra, còn một thành công đáng kể nữa là việc tái cấu trúc lại các công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ theo hướng thu hẹp về số lượng, nâng cao năng lực tài chính và chất lượng quản trị điều hành, quản trị rủi ro...

Nhiều NĐT rất quan tâm đến kết quả tái cấu trúc các CTCK trong năm 2013, ông có thể cho biết cụ thể hơn?

Sau khi trình Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư an toàn tài chính; Thông tư sửa đổi về tổ chức và hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán, trong năm 2013, UBCKNN đã chỉ đạo quá trình tái cấu trúc các CTCK quyết liệt, trên cơ sở tôn trọng pháp luật và các giải pháp thị trường. Căn cứ chỉ tiêu an toàn tài chính, UBCKNN đã phân loại các CTCK thành 4 nhóm: Nhóm 1 - nhóm hoạt động lành mạnh; Nhóm 2 - nhóm hoạt động bình thường; Nhóm 3 - nhóm bị kiểm soát; Nhóm 4 - nhóm bị kiểm soát đặc biệt, từ đó đã có các giải pháp xử lý tương ứng.

Mức vốn hóa của thị trường vào khoảng 964 nghìn tỷ đồng (tăng 199 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2012), tương đương 31% GDP. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên tăng 31%. Tổng giá trị huy động vốn kể cả phát hành riêng lẻ ước đạt 222 nghìn tỷ đồng, tăng 25%; trái phiếu chính phủ đạt 177,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24%.

Đối với các CTCK bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, UBCKNN đã yêu cầu bổ sung vốn, rút bớt nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán. Đến nay, UBCKNN đã ra quyết định chấp thuận: Rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của 06 CTCK; nghiệp vụ tự doanh của 02 CTCK; nghiệp vụ Bảo lãnh phát hành của 04 CTCK; nghiệp vụ tư vấn đầu tư của 01 CTCK; thực hiện hợp nhất đối với 2 CTCK; tiến hành thủ tục giải thể đối với 3 CTCK; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán của 02 CTCK. Như vậy, trên thực tế đến nay có 13/105 CTCK không có hoạt động môi giới chứng khoán.

Bên cạnh việc giảm dần số lượng các CTCK, UBCKNN đã ban hành Quy chế vận hành hệ thống quản trị rủi ro; quy chế xếp loại và cảnh báo sớm theo tiêu chuẩn CAMEL; đồng thời đang gấp rút hoàn thiện chế độ kế toán theo thông lệ quốc tế, tăng cường giám sát chế độ báo cáo, kiểm toán đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Xin ông cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm của UBCKNN trong năm 2014 và những giải pháp thực hiện các nhiệm vụ đó?

Các mục tiêu cơ bản trong năm 2014 là bảo đảm duy trì sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường; Tiếp tục triển khai hiệu quả việc tái cấu trúc TTCK, hướng tới các giải pháp dài hạn; Xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và TTCK; Tăng cường hội nhập và bảo đảm triển khai, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế đã tham gia.

Để thực hiện các mục tiêu trên, các giải pháp cụ thể, đó là: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Đề án TTCK phái sinh và Nghị định về TTCK phái sinh; Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; Tiếp tục triển khai giao dịch ETF; trước mắt sẽ hoàn tất việc chạy thử với các CTCK đã hoàn thiện hệ thống thanh toán.

Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thực hiện các cam kết quốc tế về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài, xây dựng các thông tư hướng dẫn; tiến hành phân loại danh mục các DN không cần kiểm soát; nghiên cứu và tiến tới đàm phán với các quốc gia châu Âu nhằm huy động thêm vốn từ các quỹ đại chúng tại châu Âu và Bắc Mỹ cho thị trường.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại các quy định về công bố thông tin, quản trị công ty, xây dựng ban hành các quy định hướng dẫn chế độ kế toán, kiểm toán phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế. Thúc đẩy công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên cơ sở phân loại theo tiêu chí và các biện pháp xử lý phù hợp. Nghiên cứu xây dựng mô hình về quỹ bảo vệ NĐT để xử lý vấn đề khi NĐT bị lạm dụng tài sản.

Tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường qua thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm; ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 108/2013/NĐ - CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK; Thông tư sửa đổi về công tác giám sát giao dịch chứng khoán. Đẩy mạnh triển khai các đề án về công nghệ áp dụng cho TTCK và cho công tác quản lý, giám sát TTCK nhằm không ngừng nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thị trường bao gồm hệ thống giao dịch, đăng ký lưu ký, thanh toán bù trừ, hệ thống công bố thông tin, giám sát...

Xin cảm ơn ông!

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2 - 2014