Tài chính: đích ngắm của quỹ đầu tư nước ngoài

Theo Đầu tư CK

Tại Hội thảo “Vốn đầu tư tư nhân khu vực Đông Nam Á”, diễn ra vào cuối tuần qua tại TP.HCM, các quỹ đầu tư đều cho rằng, bên cạnh lĩnh vực hàng tiêu dùng, thì tài chính - ngân hàng là lĩnh vực tiềm năng để bỏ vốn đầu tư.

Tài chính: đích ngắm của quỹ đầu tư nước ngoài
“Chúng ta phải bắt đầu từ các đường cong trên thị trường, trong đó có thực trạng mua bán, sáp nhập. Đồng thời, nhà đầu tư cần nhìn vào thực tế ở từng quốc gia. Chẳng hạn, ở Việt Nam , một số lĩnh vực, như tài chính, bán lẻ còn nhiều tiềm năng…”, ông Dominic, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Dragon Capital nói.

Phó giám đốc Bank Invets, ông Anirban Lahyri cho biết, danh mục đầu tư của Bank Invets rất đa dạng, từ thiết kế, xây dựng, sắt thép đến tài chính và hàng tiêu dùng. “Trong danh mục này, ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam rất tiềm năng. Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ tài chính cũng nằm trong tầm ngắm của Bank Invets”, ông Anirban Lahyri cho biết.

Mặc dù thời gian gần đây, có những thông tin không tốt ở một số ngân hàng, nhưng ông Anirban Lahyri cho rằng, đó chỉ là khó khăn trong ngắn hạn, còn về dài hạn, lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để khai thác dịch vụ.

Ông Anirban Lahyri cho rằng, Việt Nam là một thị trường đủ lớn mạnh và tiềm năng để Bank Invets bỏ vốn. “Bên cạnh lĩnh vực tài chính, ngành hàng tiêu dùng được đánh giá còn nhiều tiềm năng và dư địa để Quỹ khai thác. Quy mô đầu tư nhỏ nhất của Bank Invets hiện khoảng 10 - 12 triệu USD/khoản và Bank Invets rất linh hoạt vốn cho từng khoản đầu tư”, ông Anirban Lahyri cho biết.

Nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Savvi Investors Forum, ông Christopher Quang Zobrist cũng đưa ra nhận định, Việt Nam có nhiều cơ hội để đầu tư. “Giống như các quốc gia khác đang phát triển, Việt Nam có chi phí thấp và dân số trẻ tay nghề cao. Vì thế, với mức vốn đầu tư ban đầu nhỏ, cũng có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam . Bên cạnh đó, các lãnh đạo của DN Việt Nam là những người trẻ, năng động và có ý định, nhưng lại rất khó nhận được ưu tiên trong việc cấp vốn ban đầu”, ông Christopher cho biết.

Khi nói về DN Việt Nam , nhà đầu tư nước ngoài luôn nghĩ đến các lĩnh vực mà nhu cầu của người dân đang gia tăng. Chẳng hạn, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế hay xử lý chất thải… Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đến tầng lớp trung lưu đang đòi hỏi nhu cầu cao hơn trước đây. Vì thế, theo các quỹ đầu tư, nếu đầu tư vào Việt Nam , họ sẽ tập trung vào những phân khúc này.

Bà Mã Thanh Loan, đồng Chủ tịch Trung tâm Quỹ Đầu tư Thunderbird khu vực châu Á, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn đầu tư Auxesia Holdings cho rằng, hiện tại, yếu tố vĩ mô bất ổn là một vấn đề mà nhà đầu tư lo ngại khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong con mắt của một số quỹ đầu tư, đây là thời điểm thuận lợi. Trước đây, quỹ đầu tư nước ngoài khó tiếp cận các cơ hội đầu tư tốt tại Việt Nam . Điều này không có nghĩa là, Việt Nam không phải là thị trường không hấp dẫn, mà do một số DN có thương hiệu và làm ăn hiệu quả được quỹ đầu tư nhắm tới còn e dè với nguồn vốn đầu tư ngoại, do lo ngại bị thâu tóm, bị can thiệp vào bộ máy quản lý… Trong khi đó, các DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, nên quy mô không đáp ứng các tiêu chí của quỹ đầu tư nước ngoài.

Trước tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới và các bất ổn vĩ mô tại Việt Nam, một số DN nhận thấy rằng, việc hợp tác với đối tác nước ngoài có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm quản lý, mối quan hệ… là chiến lược khả thi, giúp DN Việt Nam phát triển lớn mạnh và ổn định trong trung và dài hạn. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, các quỹ đầu tư nước ngoài khá quan tâm đến thị trường Việt Nam và cảm thấy cơ hội tiếp cận DN dễ dàng hơn thông qua mua bán và sáp nhập.