Tài chính tiêu dùng: Tăng trưởng và cạm bẫy

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Thị trường cho vay tiêu dùng tăng nhanh cho thấy nhu cầu tài chính trong dân là rất lớn.

Ngân hàng liên kết với các công ty thanh toán điện tử phục vụ vay tài chính tiêu dùng.
Ngân hàng liên kết với các công ty thanh toán điện tử phục vụ vay tài chính tiêu dùng.

Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn quá nhiều rào cản, như lãi suất cao, sự hiểu biết và tiếp cận tài chính của người dân, năng lực mở rộng thị trường và đánh giá tín nhiệm cũng như quản trị rủi ro của các nhà cung cấp dịch vụ còn hạn chế.

Tiềm năng đi liền rủi ro

Theo TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, tỷ trọng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam chiếm 17% tổng dư nợ năm 2017, trong đó dư nợ tín dụng của các công ty tài chính hơn 8% (tỷ trọng trung bình của khối ASEAN-5 là 34% và tại Trung Quốc là 20%). Hiện thị trường có 16 công ty tài chính tiêu dùng, phục vụ gần 30 triệu khách hàng, nhưng nhóm 4 công ty lớn gồm FE Credit, Home Credit, HD Saison và Prudential Finance đang chi phối gần 90% thị phần.

Trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng đã góp phần gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong dân chúng và giảm thiểu nạn tín dụng đen. Năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, tương đương 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế thì đến cuối 2017 đã tăng gần 5 lần, đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng và chiếm 17% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Vai trò đáng kể của các nhà kinh doanh tài chính tiêu dùng là phổ biến rộng dịch vụ tài chính trong cộng đồng, hướng đến đa dạng phân khúc khách hàng, nhất là người từ 18 - 30 tuổi với thu nhập trung bình tháng từ 5 - 10 triệu đồng và tầng lớp thu nhập thấp vốn chiếm hơn 80% dân số.

Theo tính toán của các công ty phân tích tài chính, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) ở phân khúc cho vay tiêu dùng đạt hiệu suất 20%, cao hơn mức cho vay của các ngân hàng thương mại 5 - 7 lần, khiến hàng loạt ngân hàng nhảy vào lĩnh vực này để cạnh tranh. Tuy nhiên đây cũng là mảng nhiều rủi ro khiến các công ty tài chính tiêu dùng dễ dàng "ép lãi suất", thậm chí ngang mức "chợ đen" để giảm rủi ro mà người vay phải gánh chịu. Để nắm phần thắng, những điều khoản "đằng cán" được tạo ra khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận hoặc phản ánh khi gặp sự cố.

Trong khi đó, kiến thức tài chính của người vay tiêu dùng tại Việt Nam chưa cao, ít người am hiểu về sản phẩm dịch vụ, nếu không được tư vấn rõ ràng về hợp đồng tín dụng thì họ dễ rơi vào cảm giác bị lừa gạt, làm ảnh hướng đến sự tuân thủ các điều kiện tín dụng. Dù vậy, các nhà phân tích tài chính đánh giá lợi nhuận từ mảng cho vay tiêu dùng đang tiếp tục hỗ trợ cho các công ty tài chính và ngân hàng kinh doanh mảng này tiếp tục tăng. Song song với tăng trưởng thì xu hướng tất yếu là nợ xấu tăng lên.

Theo ông Nguyễn Tú Anh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, hệ thống cho vay tiêu dùng chịu các tác động rủi ro bởi nhiều yếu tố, như về suy thoái kinh tế, lãi suất thay đổi, các thay đổi của môi trường kinh doanh... có thể làm ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người vay và tác động đến khả năng thu hồi nợ của người cho vay.

Đây cũng là lĩnh vực kinh doanh còn mới mẻ ở Việt Nam nên kinh nghiệm quản trị rủi ro của cả tổ chức tín dụng lẫn người đi vay còn hạn chế. Việc phát triển nhanh trong lĩnh vực vay tiêu dùng vì vậy đặt ra rất nhiều thách thức cho các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý nhà nước lẫn người tiêu dùng.

Chấn chỉnh cho vay tiêu dùng

Ngày 15/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản số 3436/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấn chỉnh việc cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống nhằm ngăn ngừa các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật trong mảng kinh doanh này. Văn bản này tiếp ngay sau khi văn bản 1366 ngày 3/5 về việc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống tài chính và quyền lợi của khách hàng vay.

Văn bản yêu cầu các công ty tài chính tiêu dùng phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống và từng thời kỳ, bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức thấp nhất đối với từng sản phẩm. Các tổ chức tài chính phải quản lý chặt chẽ từ các điểm giao dịch, nhân viên giới thiệu dịch vụ cho đến đối tác nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về tổ chức tín dụng.

Yêu cầu các đơn vị này phải phối hợp với các cơ quan chức năng về thông tin, thông báo và cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro, vi phạm có thể xảy ra đối với tổ chức tín dụng. Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng còn là bảo đảm an toàn cho vay, phát hành sử dụng thẻ tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Có những quy định mới này bởi sau một thời gian dài nhiều hoạt động trong mảng cho vay tiêu dùng làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, trong đó NHNN nhấn mạnh đặc biệt với các quy định về lãi suất và tính minh bạch trong việc cho vay của các tổ chức tín dụng. Yêu cầu của NHNN bắt buộc rà soát từ các quy định nội bộ đến cho vay, quản lý tiền vay, phát hành và cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ tín dụng.

Cơ quan thanh tra, giám sát NHNN mới đây đã công bố kế hoạch thanh tra FE Credit sau hàng loạt phản ánh của người tiêu dùng do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương đề nghị. Theo đó, cơ quan này ghi nhận nhiều ý kiến phản ảnh của người dân liên quan tới vay tiền, lãi suất bất nhất, tư vấn sai lệch, liên hệ thu hồi nợ có dấu hiệu quấy rối, đe dọa người tiêu dùng. Trước đó, cục này đã đưa ra những cảnh báo đến người tiêu dùng khi vay tiền từ công ty tài chính về lãi suất sai với nội dung tư vấn, nhân viên tư vấn mạo danh...