Tái cơ cấu đầu tư – nội dung quan trọng của tái cấu trúc nền kinh tế

Theo Chinhphu.vn

Tái cấu trúc nền kinh tế không chỉ là tư tưởng quan trọng mà còn là tư duy mới của đổi mới, trong đó, tái cơ cấu đầu tư là một trong những nội dung chính của tái cấu trúc nền kinh tế.

Đổi mới và hội nhập tạo điều kiện thu hút một lượng vốn lớn ở trong nước và nước ngoài, đưa tỷ lệ vốn đầu tư GDP vượt qua mốc 40%, đóng góp lớn và là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tái cơ cấu đầu tư bao gồm các nội dung: Tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, địa bàn đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nguồn vốn đầu tư ở Việt Nam xét theo phạm vi trong nước và ngoài nước, bao gồm nguồn vốn trong nước và nguồn vốn nước ngoài. Nhìn tổng quát tỷ trọng 2 nguồn vốn này là 60/40. Điều đó chứng tỏ nguồn vốn trong nước là quyết định, nguồn vốn nước ngoài là quan trọng- một tư tưởng, quan điểm lớn về vai trò của nội lực, ngoại lực.

Tỷ trọng của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện liên tục ở mức dưới 20% tổng số vốn đầu tư phát triển trong thời kỳ từ 1999 đến 2006 thì từ năm 2007, tỷ trọng này đã vượt qua mốc 20%, đạt đỉnh cao nhất vào năm 2008 sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhưng sau đó, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã giảm xuống còn khoảng 1/4 tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước.

 

Tái cơ cấu đầu tư – nội dung quan trọng của tái cấu trúc nền kinh tế - Ảnh 1

Tỷ trọng vốn FDI thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê

Điều đó chứng tỏ nguồn vốn trong nước đã giữ vai trò quyết định, tạo nên sự ổn định ở trong nước để ứng phó với bất ổn ở bên ngoài, có vai trò quyết định trong việc giữ cho kinh tế không bị suy thoái (tăng trưởng âm), mà vẫn là một trong số ít nền kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng dương, có xu hướng cao lên qua từng quý và sớm tiến tới phục hồi tạo tín hiệu khả quan để tăng trưởng cao hơn trong thời kỳ tới.

Nguồn vốn FDI là một bộ phận quan trọng của toàn bộ vốn đầu tư phát triển của Việt Nam; khu vực doanh nghiệp FDI đã đóng góp tích cực vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế (chiếm trên dưới 44%), vào tổng kim ngạch xuất khẩu (chiếm trên dưới 55%), giải quyết công ăn việc làm (trên 1,6 triệu người trực tiếp), đóng góp ngân sách, đổi mới thiết bị- công nghệ,…

Tuy nhiên, đã đến lúc không nên thu hút FDI thiếu chọn lọc, với bất kỳ giá nào (số dự án, tổng số vốn, lượng vốn lớn của một dự án,…), mà chuyển sang kêu gọi đầu tư có chọn lọc về thiết bị - công nghệ cao, công nghệ sạch,…

Mặt khác, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giảm tính ưu đãi (về tỷ lệ vốn không hoàn lại, về tỷ suất lãi ưu đãi, về thời gian ân hạn,…) khi Việt Nam chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước trung bình. Do đó việc xác định chủ quản lý trách nhiệm trả nợ và tăng hiệu quả đầu tư đối với các đơn vị sử dụng ODA ở trong nước phải được nâng lên tầm cao mới.

Nguồn vốn đầu tư trong nước bao gồm vốn khu vực nhà nước và vốn khu vực ngoài nhà nước.

Nguồn vốn khu vực nhà nước bao gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước (hiện nay còn bao gồm cả nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ - nguồn vốn vay nước ngoài và vay trong nước). Nguồn vốn này từ chỗ chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước (từ trên dưới 58% thời kỳ 2003 trở về trước), đã giảm xuống qua các năm sau đó (năm 2008 còn 33,9%), trên cơ sở sự tăng lên của khu vực ngoài nhà nước.

Năm 2009, trước tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, làm cho tỷ trọng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước giảm, làm cho tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, tỷ trọng nguồn vốn đầu tư khu vực nhà nước đã tăng lên, đạt 40,6%, vừa để bù đắp cho sự sụt giảm của 2 nguồn trên, vừa góp phần giải cứu, kích thích kinh tế, ngăn chặn sự suy giảm tăng trưởng, ngăn chặn thất nghiệp và thiếu việc làm thông qua việc cấp bù lãi suất, đầu tư công,…); đến năm 2010 đã giảm trở lại còn 38,1%.

Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước thời kỳ trước 2002 chỉ chiếm dưới 25% tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước; từ 2003- sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực được 2 năm- đã chiếm trên 1/3 tổng vốn, với đỉnh cao đã đạt 38,5% vào năm 2007; năm 2009 bị giảm xuống còn 33,9%, nhưng năm 2010 đã tăng trở lại đạt 36,1%.

Cùng với việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư là việc tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, địa bàn đầu tư.

Trong bài viết “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011- 2020 và nhiệm vụ trọng tâm 2011”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, khi đề cập đến điều chỉnh cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư, đã đưa ra một số điểm đáng lưu ý như sau.

Trước hết, Nhà nước tập trung đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực và các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu nhất (năm 2009 vốn đầu tư của khu vực nhà nước cho ngành vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc chiếm 20,6%; cho điện, khí đốt, nước chiếm 19,8%, cho công nghiệp chế biến chiếm 9,9%, cho giáo dục- đào tạo, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội, hoạt động văn hoá và thể thao chiếm 9,3%,…).

Đồng thời đẩy mạnh huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển. Thông qua việc hoàn thiện thể chế, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hoá để thu hút thêm nguồn lực của các thành phần kinh tế vào việc phát triển kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường.

Khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ sạch. Hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, tiêu hao nhiều năng lượng; không chấp nhận những dự án đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường.

Về địa bàn đầu tư, một mặt cần khuyến khích đầu tư vào các vùng trọng điểm, vùng động lực, tạo điều kiện cho các vùng này phát triển, có tác động “kéo” toàn bộ nền kinh tế; đầu tư vào các vùng sâu, vùng xa, các huyện nghèo để chuyển đổi cơ cấu kinh tế và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ chung.

Như vậy, tái cơ cấu nguồn vốn, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, địa bàn đầu tư đã bao hàm nội dung nâng cao hiệu quả đầu tư.

Ngoài các nội dung có tính chất tạo tiền đề như trên, việc nâng cao hiệu quả đầu tư còn bao gồm những nội dung có tính chất trực tiếp khác. Trước hết cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, toàn diện giữa ngành và cấp, tránh dàn trải, phân tán. Một điều quan trọng là về cơ chế cần tạo cho vốn đầu tư, tài sản phải có chủ cụ thể, tránh vô chủ, nhiều chủ, nhầm chủ. Đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa nhanh công trình vào sử dụng, thu hồi vốn nhanh, tránh lãng phí, thất thoát. Tập trung cho ngành sản xuất chính; tránh chạy lòng vòng trên các kênh gây nên sự “nóng, lạnh”, rủi ro trên các kênh này.