Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh

Thanh Sơn

(Tài chính) Tính đến cuối năm 2011, thành phố Hồ Chí Minh có tất cả 90 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước, trong đó có những công ty có vốn khá lớn như Saigontourist, Satra… Thành phố Hồ Chí Minh sau đó đã trình Thủ tướng Chính phủ Phương án cổ phần hóa theo lộ trình và tháng 07/2012, Phương án cổ phần hóa giai đoạn 2013-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Cổ phần hóa là phải xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh internet
Cổ phần hóa là phải xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh internet
    
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 1
Ông Phạm Minh Trí, Trưởng ban Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. ảnh Financeplus.vn
Theo đó, thành phố sẽ tiến hành thực hiện cổ phần hóa 31 doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn này, nhưng đến cuối năm 2014, mới chỉ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thành công được 10 doanh nghiệp. Để làm rõ hơn, chúng tôi đã phỏng vấn ông Phạm Minh Trí, Trưởng ban Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh:

1. Xin ông cho biết kết quả của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố?

    Ông Phạm Minh Trí: Thực hiện chủ trương chung của Chính phủ, giai đoạn 2001-2010 thành phố Hồ Chí Minh đã cổ phần hóa trên 300 doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn hiện nay tiếp tục thực hiện chuyển đổi các doanh nghiệp còn lại, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần là nội dung quan trọng thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

      Theo Phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch, lộ trình cụ thể và các giải pháp để tổ chức thực hiện. Theo đó, năm 2014 sẽ cổ phần hóa 15 doanh nghiệp.

      Kết quả tính đến cuối năm 2014, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt Phương án cổ phần hóa 13 doanh nghiệp, trong đó thực hiện IPO thành công 10 doanh nghiệp. Mặc dù đạt kết quả tích cực so với năm 2013, nhưng vẫn còn chậm so với kế hoạch, tiến độ đề ra.

2. Xin ông cho biết những nguyên nhân cơ bản nào dẫn đến sự chậm trễ trên?

    Ông Phạm Minh Trí: Nội dung chủ yếu của cổ phần hóa là phải xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhằm đảm bảo giá trị doanh nghiệp đúng thực chất đòi hỏi phải xử lý triệt để các khoản tồn tại: hàng hóa tồn kho mất phẩm chất; đối chiếu, xử lý toàn bộ các khoản công nợ dây dưa kéo dài; hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý của các dự án đầu tư liên quan đến đất đai… Đây là nội dung quan trọng đòi hỏi phải thực hiện theo quy trình, quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trong quá trình thực hiện, một số doanh nghiệp mất nhiều thời gian để xử lý các việc nêu trên do trước đây đã để kéo dài, chưa tích cực giải quyết, nhất là các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực đầu tư địa ốc, bất động sản. Qua thực hiện cổ phần hóa 15 doanh nghiệp theo kế hoạch năm 2014, trước mắt đây là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra.

3. Nguyên nhân cụ thể của các doanh nghiệp thực hiện chậm tiến độ so với kế hoạch 2014 đề ra?

    Ông Phạm Minh Trí: Ngoài 02 doanh nghiệp vướng mắc về xử lý tài chính, quyết toán các dự án liên doanh, địa ốc liên quan thủ tục pháp lý về đất đai chưa đủ điều kiện xác định giá trị doanh nghiệp phải chuyển tiếp thực hiện năm 2015, có 01 doanh nghiệp được phê duyệt Phương án cổ phần hóa trong tháng 12/2014 (sẽ thực hiện IPO trong quý I/2015); 01 doanh nghiệp phải lập Phương án cơ cấu lại vốn do Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh thông báo hủy tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia mua cổ phần; và 01 doanh nghiệp phải xác định lại giá trị doanh nghiệp do quá thời hạn quy định (chưa thực hiện IPO khi đã quá thời hạn 18 tháng kể từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp). Các doanh nghiệp này chuyển tiếp sang năm 2015 phải thực hiện hoàn thành cổ phần hóa.

4. Năm 2015, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cổ phần hóa 03 doanh nghiệp này song song với cổ phần hóa 18 doanh nghiệp nữa theo kế hoạch. Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố đã xây dựng lộ trình thực hiện chưa?

    Ông Phạm Minh Trí: Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt điều chỉnh kế hoạch, lộ trình cổ phần hóa năm 2015; các giải pháp, phân công tổ chức thực hiện. Trên cơ sở tiếp nối tiến độ, nội dụng đã thực hiện từ năm 2014 khắc phục những mặt hạn chế nhằm đến cuối năm 2015 hoàn thành cổ phần hóa 31 doanh nghiệp giai đoạn 2013-2015 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

5. Kiến nghị của ông để thúc đẩy tiến độ công tác cổ phần hóa của thành phố?

   Ông Phạm Minh Trí: Năm 2015 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm kết thúc mục tiêu nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa giai đoạn 2014-2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài một số yếu tố thuận lợi như: các doanh nghiệp đã khởi động từ 2013-2014, các doanh nghiệp và Sở ngành đúc kết một số kinh nghiệm xử lý qua thực hiện năm 2014… Tuy nhiên, khối lượng công việc còn khá lớn, vẫn tồn tại không ích vướng mắc khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải có quyết tâm của các doanh nghiệp, Sở ngành với sự điều hành chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân thành phố mới có thể thực hiện hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 31 doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014-2015.

    Xin cảm ơn ông