Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - khó có thể làm nhanh

Theo Đại biểu Nhân dân

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, tiến độ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng diễn ra tương đối chậm. Tuy nhiên tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn chặt với việc giải quyết nợ xấu, ít nhiều cũng liên quan đến việc xử lý, uốn nắn tình trạng sở hữu chéo, ngăn ngừa những rủi ro lớn trong hệ thống ngân hàng. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không chỉ là sáp nhập ngân hàng này với ngân hàng khác, mà còn phải làm lành mạnh và nâng cao sức khỏe của từng ngân hàng, cũng như toàn hệ thống. Do đó, việc tái cơ cấu có muốn làm nhanh cũng khó, bởi những nút thắt cần giải quyết đều cần có thời gian.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều chuyên gia tài chính đồng tình với quan điểm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang diễn ra chậm, nhưng cho rằng đó chưa hẳn là vấn đề đáng phê phán. Bởi nói như ông Alan Phạm, chuyên gia kinh tế của Tập đoàn Tài chính Vinacapital, có lẽ Ngân hàng Nhà nước không muốn tạo ra những rủi ro hay xáo trộn lớn cho hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến lòng tin người dân. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nên đẩy mạnh xử lý các ngân hàng yếu kém, vì là đơn vị biết rõ nhất nợ xấu của từng ngân hàng nằm trong lĩnh vực nào là bao nhiêu để xử lý. Và theo ông Alan Phạm, thách thức đối với hệ thống tài chính năm 2013 vẫn là nợ xấu, đặc biệt nợ xấu phát sinh trong mối quan hệ sở hữu chéo. Bởi ngân hàng sẽ khó đòi nợ tại công ty sân sau của mình hoặc công ty là cổ đông lớn. Nhưng nếu ngân hàng thương mại không xử lý nợ xấu của mình thì sẽ gây nguy hiểm cho cả nền kinh tế.

Điều mà ông Alan Phạm phân tích cho thấy, nếu các ngân hàng không chủ động xử lý nợ xấu thì rất khó hoàn thành tái cơ cấu. Bên cạnh đó, con số ước tính là 50% các khoản vay được thế chấp bằng bất động sản. Khi thị trường này xuống thấp, nếu các ngân hàng phát mại tài sản thì phần thiệt thòi thuộc về họ. Năm 2012, nhiều ngân hàng gặp khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, lợi nhuận giảm mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, năm 2013 còn khó khăn hơn nên sẽ là một rào cản cho việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Nhưng, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chậm cơ bản vẫn do thiếu thông tin, thiếu minh bạch; lợi ích nhóm đan xen lẫn nhau; và mối liên kết giữa hệ thống ngân hàng thương mại với thị trường bất động sản, doanh nghiệp Nhà nước còn lớn. Do đó, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần thực hiện đồng thời với tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công. 

Câu chuyện nhóm lợi ích mà ông Cấn Văn Lực vừa đề cập liên quan đến vấn đề sở hữu chéo. Việc xuất hiện sở hữu chéo là khó tránh khỏi ở nước ta, và cũng từng xuất hiện ở hầu khắp các nước. Nhất là khi các tổ chức và cá nhân tham gia thị trường, họ ít vốn nên buộc phải góp vốn thành lập doanh nghiệp, thành lập ngân hàng. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, trước đây chúng ta không cấm một ngân hàng nắm cổ phiếu của các ngân hàng khác, không cấm một ngân hàng nắm cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác nhau. Do vậy đã xuất hiện tình trạng có cổ đông của các ngân hàng là các công ty con, vay tiền của ngân hàng này đầu tư vào các ngân hàng khác, tạo thành chuỗi sở hữu chằng chịt hay còn gọi là sở hữu chéo. Điều đó không tạo ra sự lành mạnh trong hệ thống ngân hàng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Làm minh bạch các mối quan hệ rắc rối này để kiểm soát tình trạng thâu tóm ngân hàng, gây ra nợ xấu cũng là biện pháp quan trọng để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai thanh tra đánh giá thực trạng tài chính, cổ đông của khoảng 30 ngân hàng thương mại. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý các bất cập hiện hành, nhất là liên quan đến sở hữu chéo.

Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng, sau khi nhận diện được khó khăn và rủi ro trong hệ thống ngân hàng, thì phải bổ sung cơ chế để ngăn chặn rủi ro tương tự phát sinh. Việc thực hiện mục tiêu này phải có thời gian, nguồn lực, cũng như giải pháp hữu hiệu. Không thể nói cứ áp dụng kinh nghiệm quốc tế là giải quyết được. Từ quan điểm này cho thấy, việc giải quyết các nút thắt của hệ thống ngân hàng hay tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần có thời gian. Song, theo các chuyên gia tài chính, cần có sự mạnh tay với vấn đề lợi ích nhóm xuất phát từ sở hữu chéo và mạnh tay cắt bỏ những khối u trong hệ thống ngân hàng thì việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mới triệt để. Và dù cần thời gian đi chăng nữa thì vẫn phải đẩy nhanh việc xử lý các nút thắt của hệ thống ngân hàng. Bởi các doanh nghiệp và nền kinh tế đang rất cần vốn, nhất là vốn giá rẻ, để phục hồi sản xuất ngay từ năm 2013 chứ không phải là vài ba năm tới.