Tái cơ cấu ngành công nghiệp: Nâng hàm lượng công nghệ cao

TS Tô Trung Thành (Theo SGTT)

Bộ Kế hoạch và đầu tư đang lấy ý kiến các bộ, ngành về cơ cấu kinh tế, bước chuẩn bị cho xây dựng đề án “tái cấu trúc nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế suy giảm”. Tiến sĩ Tô Trung Thành phân tích thực trạng năng lực cạnh tranh công nghiệp như một gợi ý để việc ra đầu bài cho đề án được sát hơn.

Tái cơ cấu ngành công nghiệp:
Nâng hàm lượng công nghệ cao - Ảnh 1

Hình 1: Cơ cấu công nghệ trong xuất khẩu hàng công nghiệp Việt Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Có thể nói “bí mật” của năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào các quốc gia có thúc đẩy được sự phát triển năng lực quản lý và công nghệ của các doanh nghiệp hay không.

Năng lực cạnh tranh công nghiệp Việt Nam: tụt hậu xa

Năm 2007, tỷ trọng những ngành công nghệ trung – cao chiếm đến 70% giá trị thương mại toàn cầu. 25/50 ngành có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất thế giới thuộc ngành có hàm lượng công nghệ cao. Trong khi đó, từ năm 2002 tới 2008, theo tính toán của tác giả, cơ cấu ngành sử dụng công nghệ từ trung bình – cao ở Việt Nam chỉ thay đổi rất nhỏ, với mức tương ứng là 24,6% và 25,4%, thấp hơn nhiều so với mức hơn 60% ở Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc (năm 2008).

Cơ cấu xuất khẩu thể hiện rõ nét hơn năng lực cạnh tranh công nghệ Việt Nam. Hàm lượng công nghệ trung – cao của xuất khẩu công nghiệp quá thấp, tương ứng với 11,3% và 8,4% trong năm 2006. Trung Quốc đã nâng cấp liên tục từ công nghệ trung – cao chuyển sang công nghệ cao (tỷ trọng 11,5% từ năm 2002 tăng lên 25% năm 2006, tương đương giá trị hàm lượng công nghệ trung bình và thấp).

So với các nước tại thời điểm có trình độ phát triển tương đương (thông qua chỉ tiêu GDP bình quân đầu người ngang giá sức mua), Việt Nam có năng lực công nghệ thấp, với hàm lượng công nghệ cao chỉ bằng 1/2 Trung Quốc (năm 1998), Thái Lan (năm 1986) và bằng 1/3 Malaysia (năm 1980), trong khi tỷ trọng ngành có hàm lượng công nghệ thấp lại cao hơn những nước này ở thời điểm phát triển tương đương.

Cơ cấu xuất khẩu dễ tổn thương

Xét cơ cấu công nghệ trong xuất khẩu công nghiệp (hình 1), tỷ trọng hàng xuất khẩu có hàm lượng công nghệ thấp chiếm tới 60% và gần như không đổi. Theo cơ cấu sản xuất trong nước, ngành này chỉ chiếm khoảng 24% giá trị gia tăng công nghiệp. Sự tập trung mật độ xuất khẩu quá cao này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, bởi đây là ngành có tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới thấp nhất, thậm chí giảm trong những năm gần đây, và bị tác động lớn bởi những vấn đề kinh tế thế giới.

Năng lực cạnh tranh xác lập trong những ngành có hàm lượng công nghệ thấp lại rất dễ bị tổn thương. Bốn ngành hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam được lựa chọn để phân tích là ngành dệt – may, giày dép, đồ gỗ. Cả bốn nhóm hàng này đều nằm ở phần dễ bị tổn thương trong ma trận vị thế cạnh tranh (xem hình 2). Khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong quý cuối năm 2008 và đầu năm 2009 đã bộc lộ rõ nhất bản chất dễ tổn thương của những ngành này: nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn đối với dệt may, da giày, đồ gỗ… đều giảm mạnh từ 30 – 40%, từ giữa năm 2008, số hợp đồng và giá gia công hàng dệt may từ ba thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU liên tục giảm.

Tái cơ cấu ngành công nghiệp:
Nâng hàm lượng công nghệ cao - Ảnh 2

Hình 2: Vị thế thị trường của một số ngành công nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (2002–2007)

Tái cơ cấu: chú trọng hàm lượng công nghệ trung – cao

Trong cuộc đua về năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam đang bị tụt hậu quá xa và rất dễ bị tổn thương. Thậm chí những chỉ tiêu phát triển công nghệ và cạnh tranh của Việt Nam còn thua kém các nước trong khu vực cách đây từ 10 – 20 năm. Trong khi Trung Quốc và các nước ASEAN đã tận dụng được xu thế thay đổi thương mại toàn cầu để cải tiến mạnh mẽ cơ cấu, đầu tư mạnh vào các ngành có hàm lượng công nghệ trung – cao, cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Xây dựng được năng lực cạnh tranh công nghiệp là cả một quá trình gắn liền với những chiến lược mang tính trung và dài hạn. Khủng hoảng kinh tế là cơ hội để chúng ta đánh giá lại và quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp. Trong thế cục thế giới như hiện nay, muốn khai thác sâu hơn phân khúc đang tăng của xu thế toàn cầu, Việt Nam không còn con đường nào khác ngoài việc phải chuyển đổi một cách nhanh chóng và mạnh mẽ cơ cấu sản xuất và xuất khẩu từ những ngành đơn giản sang ngành có hàm lượng công nghệ cao hơn, với một chiến lược rõ ràng, nhất quán và cứng rắn, thông qua hai nhóm chính sách chính. Đầu tiên, chính sách cơ bản với mục đích thúc đẩy nhu cầu cải tiến và nâng cao công nghệ cho các doanh nghiệp. Cuối cùng, chính sách hỗ trợ nhằm cải thiện phía cung của doanh nghiệp trong quá trình phát triển công nghệ (phát triển nguồn lực con người, chính sách FDI và nhập khẩu công nghệ, chi đầu tư và phát triển R&D…).

Nguồn: tác giả tính toán từ UN Comtrade, UNIDO, WDI 2008 và tham khảo từ các niên giám tổng cục Thống kê