Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, hạn chế tín dụng đen

Theo Minh Huệ/tapchithue.com.vn

Đó là thông tin được chia sẻ tại hội thảo “Đi tìm giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” do Báo điện tử Trí thức trẻ phối hợp với Kênh thông tin tài chính kinh tế CafeF tổ chức ngày 20/9 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hiện có nhiều cách hiểu không đúng về tín dụng đen. Tín dụng đen là một phần của tín dụng phi chính thức, có nhiều dạng như vay bạn bè, vay các công ty, vay cầm đồ. 

Với tín dụng phi chính thức, có cả nghĩa tích cực và tiêu cực. Các tổ chức tài chính ở Việt Nam hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay tài chính của người dân, nên phát sinh tín dụng phi chính thức, trong đó có tín dụng đen. 

Ước tính quy mô của tín dụng phi chính thức hiện khoảng 15-20% tổng tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, tín dụng đen chiếm khoảng 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương khoảng 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, khoảng 400-500 nghìn tỷ đồng. Quy mô không quá lớn nhưng hệ lụy là lớn. 

Có 3 loại vay tín dụng đen. Một là cho vay ngắn hạn, trả gốc và lãi (60-70%) hàng ngày. Hai là vay nóng, trả lãi (hơn 100%) theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định, loại này cực kỳ rủi ro vì lãi suất cao. Loại cuối là cho vay mua xổ số, hay chơi đề.

Ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước nhận diện, mặc dù quy định về quan hệ dân sự cho phép cho vay, nhưng những đối tượng đã lợi dụng, cho vay không cần tài sản thế chấp, thu hút người không am hiểu pháp luật sử dụng tín dụng đen.

Nhóm người này thường có công việc không ổn định, hoặc hành vi không lành mạnh trong xã hội, dẫn đến không đủ điều kiện đề vay ngân hàng. Những yếu tố này đã khiến cho tín dụng đen có mảnh đất màu mỡ để phát triển. 

Ông Phạm Huyền Anh chia sẻ thêm, hệ thống tổ chức tín dụng từ trung ương đến địa phương hiện đã xây dựng những sản phẩm riêng cho hầu hết đối tượng trong xã hội.

Ngân hàng thương mại đã đa dạng sản phẩm cho vay bán buôn, bán lẻ. Tầng kế tiếp là ngân hàng chính sách dành cho sinh viên, đối tượng chính sách. Quy mô nhỏ hơn là tài chính vi mô cho người nghèo, hộ thoát nghèo. 

Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu với Chính phủ ký nghị định về phát triển nông thôn, trong đó mức cho vay tối đa được nâng từ 50 triệu đến 3 tỷ đồng.

Chia sẻ về giải pháp cho thực trạng này, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, giải pháp quan trọng đầu tiên là tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân và DN. Đi kèm là tăng giáo dục tài chính, nâng cao hiểu biết của người dân về các dịch vụ, giúp họ tìm đến tín dụng phi chính thức thay vì tín dụng đen. 

Trên thế giới, đã có 25 quốc gia ban hành chiến lược thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện. Trong đó, giáo dục tài chính là 1 trong 4 trụ cột chính. Hiện nay, hệ thống tài chính đang có nhiều sản phẩm mới, như cho vay ngang hàng, huy động vốn từ cộng đồng, tuy nhiên các cơ quan quản lý cần sớm ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể. 

Từ góc độ của lực lượng công an, Thượng tá Trần Quốc Trung, Phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội cho rằng, cần tăng cường các biện pháp pháp luật răn đe với tín dụng đen. Hiện hình phạt quy định trong luật khá rõ, nhưng chế tài cần phải nghiêm hơn. 

Về phía Ngân hàng Nhà nước, sẽ tăng cường tuyên truyền chính sách tín dụng ngân hàng đến người dân, mở rộng mạng lưới của tài chính tín dụng, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa và khu vực nông thôn, nhằm mở rộng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ ngân hàng.