Tăng minh bạch, tạo niềm tin

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán (TTCK) lại tiếp tục tăng mạnh, không chỉ biến động tăng của VN-Index, giá cổ phiếu mà còn sức mạnh của dòng tiền tham gia, thể hiện qua thanh khoản trong 5 phiên gần nhất đều ổn định ở mức 2.500-3.000 tỷ đồng, bất chấp VN-Index tăng hay giảm. Có những phiên giao dịch tưởng chừng bên bán có thể “nhấn chìm” thị trường, nhưng cuối cùng bên mua đã tham gia rất mạnh mẽ, đẩy các chỉ số chứng khoán tăng giá trở lại. Điều này cho thấy niềm tin nhà đầu tư (NĐT) ngày càng củng cố và các công ty chứng khoán (CTCK) làm “cầu nối” giữa NĐT và TTCK phát huy vai trò.

 Tăng minh bạch, tạo niềm tin
Sau Tết, TTCK lại tiếp tục tăng mạnh. Nguồn: internet

Những ông lớn trở lại

Tuy nhiên, muốn đánh giá TTCK như thế nào, ngoài việc xem diễn biến của VN Index, giá cổ phiếu, hoạt động doanh nghiệp thì việc “soi” hoạt động của các CTCK cũng là một phương pháp hữu hiệu. Chỉ có TTCK thực sự tốt, có nền tảng, CTCK mới được hưởng lợi, ngược lại chỉ khi CTCK phục vụ khách hàng tốt nhất, lợi ích dành cho TTCK mới được tối ưu hóa.

Để đánh giá hoạt động môi giới, ngoài các chỉ tiêu như giá trị tài sản của khách hàng (NAV), phí giao dịch thu về, còn có thêm một tiêu chí nữa đó là sự hài lòng của khách hàng. CTCK thu được nhiều phí, nhưng khách hàng đầu tư không hiệu quả thì điều đó chưa đạt. CTCK tư vấn hiệu quả, khách hàng đầu tư thu được lợi nhuận, đó mới là thành công.

Ông Nguyễn An Quý,
Phòng môi giới BSC

Chiều 12/2, CTCK BIDV-BSC nằm trên lầu 9, tòa nhà 146 Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP. Hồ Chí Minh thu hút rất nhiều NĐT cá nhân lẫn tổ chức tham dự hội thảo “Triển vọng ngành và cơ hội TTCK năm 2014”. Bất chấp việc gửi xe hơi khó khăn, di chuyển bằng thang máy cổ lỗ sĩ, nhưng khách đến BSC chiều hôm đó rất háo hức trước phần trình bày của các chuyên gia phân tích.

Mở đầu phần trình bày, ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích BSC, rất tự hào khi nhắc lại những nhận định đúng của CTCK này trong bản báo cáo về TTCK năm 2013 với các kết quả như VN Index tiệm cận mốc 500-520 điểm, 48 cổ phiếu đáng lưu ý của BSC đã tăng vượt 50% so với mức độ tăng của VN Index…

Đứng trên cương vị là NĐT, nhiều người đã ấn tượng về BSC ngoài việc đưa ra những yếu tố cơ bản để nhận định TTCK còn có một phần mang tính “thực chiến” là chọn lựa được một số ngành tiềm năng, một số nhóm cổ phiếu hấp dẫn và đi đến từng mã cổ phiếu cụ thể, mã nào thích hợp ngắn hạn, mã nào thích hợp cho trung, dài hạn… Thời điểm gần nhất một buổi hội thảo thu hút nhiều NĐT, không khí háo hức, tự tin như vậy đã cách đây… 5 năm (2009).

Ngoài BSC, một “ông lớn” khác là VCBS (CTCK Vietcombank) trong những năm gần đây cũng đã tích cực hoạt động, tuyển dụng nhân sự với yêu cầu cao. Trong quãng thời gian 2010-2012, bộ phận phân tích đã bị nhiều CTCK cắt giảm vì giá trị tạo ra tương đối mơ hồ. Nhưng tình thế đã thay đổi trong khoảng 2 năm gần đây khi các CTCK bắt đầu “gầy” lại bộ phận phân tích của mình.

Tính trung bình, lương của một chuyên viên phân tích cao cấp (senior) hiện dao động quanh mức 20 triệu đồng/tháng, nhưng nhiều CTCK vẫn tích cực tuyển dụng và nhiều lúc còn bị thiếu. Ngay như một CTCK cũng chỉ mới vào top 10 môi giới trong thời gian gần đây là VPBank Securities (VPBS), hiện cũng đã có khoảng 15 chuyên viên cho đội ngũ phân tích của mình. Đầu tư cho phân tích là một cuộc đầu tư tốn kém, đặt trong bối cảnh hiện nay chỉ những CTCK nào có sẵn nền tảng, tiềm lực mới có thể mạnh dạn đầu tư.

Và cơ sở để “chịu chơi” không gì khác chính là việc tin vào sự phát triển của TTCK. Cho dù kết quả chưa rõ ràng nhưng nếu niềm tin được phổ biến cũng là điểm tích cực. Trường hợp của VPBS, sở dĩ CTCK này đầu tư rất nhiều nhân lực cho đội ngũ phân tích vì đang hướng đến phân khúc khách hàng tổ chức. Ai cũng biết trong phân khúc này, HSC hay SSI là những cái tên nổi bật nên việc VPBS có cạnh tranh được với các ông lớn hay không vẫn sẽ là ẩn số.

Không chỉ có VPBS, một đối thủ của chính VPBS trong mảng khách hàng cá nhân là CTCK MaybankKimEng (MBKE) cũng cho thấy những ý định sẽ tập trung vào khách hàng tổ chức. Thời gian gần đây, MBKE đã thay đổi một loạt nhân sự, gia tăng hoạt động quản trị hệ thống theo hướng chặt chẽ, thiết lập cả một bộ phận phân tích riêng cho khách hàng tổ chức.

Lợi thế lớn nhất của MBKE chính là hệ thống CTCK có ở nhiều nước trên thế giới, nên có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các khách hàng từ nước ngoài. Và ở đây, chưa bàn đến chuyện thắng-thua giữa các CTCK, nhưng chỉ cần CTCK có thêm được khách hàng tổ chức, điều đó có lợi cho TTCK Việt Nam. 

CTCK nhỏ liên kết tìm đường sống

Không chỉ có những CTCK top trên chuyển động, mà tốp dưới cũng có nhiều hoạt động tích cực. Mới tuần rồi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có văn bản chấp thuận cho CTCK Quốc Tế (VIS) và CTCK Đại Tây Dương (OSC) được tạm hoãn các nghĩa vụ thông tin với các báo cáo quý IV-2013 và cả năm 2013 để tiến hành hợp nhất. VIS từng là một CTCK nổi bật trên thị trường từ năm 2010 trở về trước, nhưng tính đến 9 tháng năm 2013 đã có lỗ lũy kế lên tới hơn 76 tỷ đồng.

Bộ phận phân tích hiện nay phải tập trung cho lợi ích của khách hàng, phù hợp với tiêu chí của các CTCK là tập trung vào dịch vụ. Cũng từ tiêu chí này mà các chuyên viên phân tích sẽ phải tương tác với khách hàng chặt chẽ hơn. Do yêu cầu của khách hàng ngày càng nâng cao, nên CTCK cũng phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ của mình để đáp ứng. Từ đó giúp cho mối quan hệ khách hàng-CTCK chặt chẽ hơn và điều này tác động tích cực đến TTCK.

Đoàn Thị Thanh Trúc,
Phòng phân tích CTCK Rồng Việt

Trong khi đó OSC lỗ lũy kế chỉ hơn 7 tỷ đồng, không tên tuổi, nhưng lại có vốn chủ sở hữu 129 tỷ đồng, mà 90% trong số đó là tiền mặt. Do vậy việc VIS hợp nhất với OSC kỳ vọng có thể bổ sung cho nhau những điểm còn yếu đồng thời phát huy sức mạnh của nhau.

Về mặt sổ sách mà nói, khi tiến hành hợp nhất, CTCK có thể ghi giảm vốn, đồng thời cũng giảm lỗ, hình thành một CTCK mới và sạch. CTCK mạnh dạn liên kết sẽ có nhiều điểm tích cực. Điều này phù hợp với định hướng của UBCKNN trong việc tái cấu trúc hoạt động các CTCK và việc quản lý một CTCK mới, sạch, còn hơn để CTCK luôn ở trạng thái “dở dở, ương ương”.

Một CTCK gặp rất nhiều vấn đề trong vài năm qua nhưng cũng bộc lộ ý định tái cấu trúc trong năm 2014 là CTCK Phương Đông (ORS). Theo BCTC quý IV/2013 của ORS, công ty dù có vốn điều lệ 240 tỷ đồng, nhưng cả năm 2013 đã lỗ 117 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến 31/12/2013 lên đến 210 tỷ đồng, nếu cộng với thặng dư 50 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu chỉ còn 80 tỷ đồng. ORS cũng không có thế mạnh gì về khách hàng, nhân lực, công nghệ…

Đặt câu hỏi với ông Diệp Trí Minh, quyền Tổng giám đốc ORS, liệu công ty có thể “tái” được gì và “tái” bằng cách nào. Ông Minh cho biết: Việc đầu tiên mà ORS làm được trong thời gian qua chính là tiến hành trích lập một cách thận trọng các khoản dự phòng trong đầu tư kinh doanh và công khai tình hình tài chính một cách minh bạch nhất có thể. 

Minh bạch tài chính, tư vấn hiệu quả

Minh bạch tài chính đến từng chi tiết, thậm chí “vượt chuẩn” là điều bắt buộc hiện nay, vì về lâu dài các quy định của UBCKNN sẽ chặt chẽ hơn. Nếu CTCK không chuẩn bị từ bây giờ càng về sau các vấn đề khó khăn, rủi ro sẽ chồng chất lên nhau và càng khó thực hiện. Minh bạch tài chính cũng chính là việc “trở về với chính mình, biết mình là ai”, để từ đó có những biện pháp sống còn.

Về hoạt động kinh doanh, ông Minh cho biết tiêu chí phục vụ khách hàng của ORS hiện nay là mỗi nhân viên phải xem từng khách hàng của mình giống như người thân trong gia đình, phục vụ với sự tận tâm cao nhất, chứ không phải mối quan hệ giữa doanh nghiệp-khách hàng. Nhóm khách hàng mục tiêu ORS hướng tới là những NĐT có tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng, nhưng có ý định tham gia đầu tư chứng khoán một cách an toàn.

Một nhân viên môi giới chia sẻ, nhóm khách hàng có thể tạm gọi là an toàn này đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây và tác động tích cực đến thị trường có thể thấy rất rõ. cổ phiếu của các công ty lớn, làm ăn hiệu quả, giá ổn định và chia cổ tức đều đặn như Vinamilk (VNM), Đạm Phú Mỹ (DPM), Dược Hậu Giang (DHG), FPT… có thể được lựa chọn để tư vấn. Dòng tiền từ nhóm NĐT này không quá nhiều, cũng không quá nóng, nhưng sẽ góp phần đa dạng hóa dòng tiền, nâng cao sự ổn định cho thị trường.

Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 2013 đến nay, các hoạt động vinh danh CTCK hoạt động hiệu quả đã được cơ quan quản lý thực hiện. Ngoài vấn đề lợi nhuận, những CTCK hoạt động hiệu quả, tăng trưởng tốt, có nền tảng chính là cầu nối tốt nhất giữa các NĐT với thị trường.