Tăng trần ồ ạt, tốt hay xấu?

Lê Thuận

(Tài chính) Con sóng cuối cùng trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã xuất hiện, đó là dòng cổ phiếu chứng khoán tăng trần ồ ạt hàng loạt. Dòng tiền đã gia tăng đột biến vào nhóm cổ phiếu này khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) kỳ vọng thị trường sẽ giữ nhịp tăng. Trong khi đó, áp lực chốt lời mạnh bắt đầu xuất hiện ở nhóm cổ phiếu dầu khí, điều này cũng có thể tác động tiêu cực đến thị trường.

Tăng trần ồ ạt, tốt hay xấu?
Rất nhiều cổ phiếu sau khi tăng kịch trần đã giảm nhiệt nhanh chóng. Nguồn: internet

Thông thường ở những phiên điều chỉnh như trước, áp lực chốt lời cuối phiên thường rất mạnh khiến thị trường lao dốc. Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường đã trụ vững khi dòng tiền quá mạnh kéo sóng nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng trần. Một số NĐT kỳ vọng nhóm cổ phiếu dòng xây dựng, bất động sản (BĐS) cũng đang có tín hiệu vào sóng.

Tiền ồ ạt vào cổ phiếu chứng khoán

Các dự báo về thị trường theo xu hướng giao dịch giằng co nhờ sự hỗ trợ của dòng tiền đầu cơ. Dòng tiền đồng thuận cùng hướng về nhóm chứng khoán giúp nhóm cổ phiếu này khởi sắc với hầu hết các mã đều tăng đến kịch trần.

Trên HoSE là HCM, SSI, AGR, BSI, còn trên HNX là KLS, BSC, CTS… đều được bao trùm bởi sắc tím. BVS trong đợt khớp lệnh cuối phiên giảm một bước giá từ mức tăng trần trước đó, trong khi VND tăng 1.000 đồng. Tính chung cả nhóm, chỉ số ngành này tăng đến 7,67%. Như vậy, không chỉ điểm số, thanh khoản của nhóm chứng khoán cũng tăng đột biến.

Tuy nhiên, một khi dòng tiền dốc hết vào một dòng cổ phiếu có thể không phải là điều tốt cho những nhóm cổ phiếu khác. Để kéo được cổ phiếu SSI trên HoSE và KLS trên HNX tăng trần, NĐT phải đổ khoảng 700 tỷ đồng vào 2 cổ phiếu này với khối lượng khớp được đạt lần lượt 14,44 triệu và 21,8 triệu đơn vị.

Điều này vượt qua tất cả những dự đoán của thị trường, nếu đòi hỏi thị trường tiếp tục tăng thì dòng cổ phiếu dẫn dắt này phải tiếp tục thu hút lượng tiền lớn nữa vào đây. Điều này chưa thể khẳng định là tốt hay xấu cho thị trường.

Diễn biến thị trường trong thời gian qua đang xác nhận tình trạng phân hóa và xoay vòng liên tục giữa các nhóm cổ phiếu. Điều này giúp thị trường nói chung tránh được hiện tượng tăng nóng và duy trì trạng thái cân bằng nhất định.

Một điểm tích cực là dòng tiền liên tục tăng cường vào thị trường trước kì vọng tích cực về triển vọng thị trường trong trung dài hạn. Các chuyên gia khác lại cho rằng, sau nhóm chứng khoán, dòng tiền sẽ dịch chuyển sang nhóm ngành khác để tìm cơ hội, và đó có thể sẽ là ngành xây dựng hoặc BĐS.

Tín hiệu tích cực của thị trường đến từ việc thanh khoản vẫn liên tục được giữ ở mức khá cao, dòng tiền luân chuyển liên tục giữa nhóm các cổ phiếu có kỳ vọng tốt. Việc tích cực luân chuyển của dòng tiền sẽ tạo nhiều cơ hội tham gia thị trường cho các NĐT theo xu hướng của thị trường trong trung và dài hạn.

Chứng khoán BSC khuyến nghị NĐT tiếp tục nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục để giữ vị thế. Cổ phiếu ngành BĐS và xây dựng có thể sẽ là tâm điểm trong thời gian tới.

Rủi ro lớn dần

Thông thường, vì quá say trên chiến thắng lợi nhuận, NĐT quên mất rủi ro rình rập cận kề. NĐT chỉ chú trọng mua vào những cổ phiếu tăng điểm để tìm kiếm lợi nhuận mà bỏ qua những nhịp điều chỉnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong một vài phiên tới, các chỉ số sẽ còn rung lắc mạnh khi các ETF tăng cường tái cơ cấu danh mục cũng như tình trạng phân hóa còn tiếp diễn. Ở thời điểm hiện tại, khối ngoại đã bán rất mạnh và dứt khoát ở nhiều dòng cổ phiếu với khối lượng lớn. Đây là điều đáng quan tâm là lo ngại nhất về sự đồng thuận của dòng tiền.

Hơn nữa, trên phương diện phân tích kỹ thuật trong ngắn hạn, có khá nhiều chỉ báo kĩ thuật xấu, nên khả năng xảy ra rủi ro ngắn hạn ở mức cao. Trên sàn Hà Nội, một số các cổ phiếu beta cao đang tăng mạnh, tạo ra lợi nhuận cao cũng đồng nghĩa với nhà đầu cơ lướt sóng chấp nhận mức rủi ro cao hơn để có lợi nhuận nhanh chóng ở giai đoạn này.

Chứng khoán SSI cho rằng NĐT chỉ nên mua thấp bán cao ngay trong phiên để tránh rủi ro khi các cổ phiếu tăng mạnh quá đà sẽ bất ngờ đảo chiều giảm nhanh. Chỉ số VN-Index tiếp tục có phiên giảm thứ hai liên tiếp, xu thế giảm ngắn hạn đang được hình thành khi mà cây nến của ngày hôm nay xuống phía dưới đường MA.

Hầu hết các chỉ báo đều cho thấy tín hiệu tiêu cực, MACD cho rằng đà giảm sẽ được tiếp diễn trong khi cường độ giảm có thể mạnh thêm khi nhìn vào ADX. Sự điều chỉnh kỹ thuật đang diễn ra, vùng hỗ trợ ngắn hạn đối với VN-Index nằm tại 625 điểm, theo dự báo của KLS, VN-Index sẽ kiểm nghiệm vùng hỗ trợ ngắn hạn.

NĐT tiếp tục duy trì danh mục, quan sát sự vận động của thị trường trong phiên tiếp theo để có những động thái phù hợp. Một số chuyên gia chứng khoán nhận định dòng tiền đổ mạnh vào chứng khoán hay BĐS khó có thể hình thành trend tăng dài và bền bỉ.

Nếu dòng tiền đổ vào thị trường nhiều mà không thể vượt qua các ngưỡng kháng cự mạnh thì sóng tăng có thể tạm kết thúc ở đây. Bởi có rất nhiều cổ phiếu sau khi tăng kịch trần đã giảm nhiệt nhanh chóng và dòng tiền kéo cổ phiếu chứng khoán tăng trần ồ ạt chưa chắc đã là tín hiệu tốt cho thị trường.