Tăng trưởng tín dụng có thể cán đích?

Theo Nguyễn Quỳnh/daibieunhandan.vn

Theo các chuyên gia, việc đưa tăng trưởng tín dụng lên mức 21% để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2017 là có thể đạt được. Tuy nhiên, cần phải “nắn” dòng để tín dụng không chảy vào 2 thị trường nhiều rủi ro là chứng khoán và bất động sản, lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm nên giữ mức ổn định.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có khả năng đạt được 20-21%

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng tăng trưởng tín dụng ước đạt 11,02%, là mức cao so với cùng kỳ năm 2016 (tăng 10,46%). Cơ cấu tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống.

Tổng cục Thống kê nhận định, tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng tốt thể hiện xu hướng phát triển tích cực và khả năng hấp thụ vốn tương đối tốt của nền kinh tế. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 21 - 22% từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng còn phải tăng trưởng tín dụng thêm 10-11%, tương đương việc đưa ra thị trường thêm khoảng 600.000 tỷ đồng vốn.

Giám đốc Trường Doanh nhân Bizlight Bùi Quang Tín cho rằng, đến cuối tháng 9, các ngân hàng thương mại tăng 11,02% để dành phần còn lại cho những tháng cuối năm, mức tăng tín dụng trung bình mỗi tháng quý IV từ 2-4% thì riêng quý cuối cùng của năm mức tăng trưởng khoảng 9%-10%. Như vậy, toàn hệ thống có thể chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng 17 – 18% vào cuối năm.

Nhưng theo Giám đốc Trường đào tạo cán bộ ngân hàng BIDV  Cấn Văn Lực, từ nay đến cuối năm có thể đạt được mức 20 - 21%, vì theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt được 11,2%, còn 3 tháng cuối năm, nhiều ngân hàng đã và đang được ngân hàng nhà nước cho tăng hạn mức. Trong bối cảnh phục hồi liên quan tới tiêu dùng thì khả năng đạt được 20 - 21% là khả thi.

Phải “nắn” dòng tín dụng

Tuy nhiên, theo ông Lực, tăng trưởng tín dụng theo định hướng của chính phủ nhưng không để tăng bằng mọi giá mà vẫn phải luôn bảo đảm nắn dòng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên và hiệu quả; phối hợp tốt chính sách tiền tệ và tài khóa, không gây áp lực quá lớn đối với lạm phát.

Song song với đó, nếu muốn đạt mức tăng trưởng như mong muốn, cần thúc đẩy và bảo đảm các nguồn vốn khác phải hiệu quả. Bởi vì, vốn tín dụng chỉ chiếm khoảng 60% còn lại là vốn đầu tư công, đầu tư nước ngoài, tư nhân.

3 tháng cuối năm phải tăng thêm khoảng 10%, sẽ tạo nhiều áp lực về mặt nguồn vốn đối với hệ thống ngân hàng. Ông Lực cho rằng cần phải tính tới yếu tố thời vụ để Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hỗ trợ cần thiết, bảo đảm thanh khoản của hệ thống nhất là vào dịp cuối năm.

Để nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong những tháng còn lại của năm 2017, sẽ điều hành toàn hệ thống tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay; phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ.

Điều này khiến ông Lực lo ngại rằng hệ thống ngân hàng vừa phải tăng huy động tiền gửi, vừa phải giảm lãi suất cho vay sẽ là một thách thức lớn. Ngoài ra, bên cạnh việc xử lý nợ xấu không thể làm ngay và nhanh được, thì chênh lệch đầu vào, đầu ra hiện nay của các ngân hàng ở mức 2,2 -2,4% thì rõ ràng giảm lãi suất cho vay là vấn đề khó khăn.

Do đó, lãi suất cả đầu vào, đầu ra từ nay đến cuối năm nên giữ ổn định. Lãi suất không phải là điều cản trở của doanh nghiệp đi vay mà quan trọng hơn là Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt để giảm chi phí không chính thức.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc hạ lãi suất cho vay phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là các ngân hàng phải có những biện pháp để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp kinh doanh tốt nhưng không đủ tài sản thế chấp để có thể tiếp tục vay vốn. Do đó, các ngân hàng cần có giải pháp hỗ trợ pháp lý, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế phù hợp để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn.