Tăng trưởng tín dụng: Không cần nôn nóng

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Đạt 3/4 chỉ tiêu sau hơn 3 quý của năm 2013, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng dường như đã sắp hoàn thành kế hoạch...

Tăng trưởng tín dụng: Không cần nôn nóng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Năm 2013, ngành ngân hàng đã có khá nhiều nỗ lực. Làm thế nào để đưa tín dụng ra nền kinh tế, trong bối cảnh phải đảm bảo chất lượng đồng vốn được đưa ra khi đồng vốn đó liền khúc ruột với tài sản khách hàng, cũng là tài sản của mỗi ngân hàng, là vô cùng áp lực.

Bí quyết xin... cho vay

Khảo sát mới nhất của HSBC về kinh tế Việt Nam cho thấy đến tháng 11/2013, lượng đơn hàng mới của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tăng 2 tháng liên tiếp. Chuyên gia kinh tế Trinh Nguyên của HSBC nhận định “chỉ số PMI tiếp tục được cải thiện cho thấy hoạt động sản xuất ở trong nước đang dần ổn định.

Chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh tế tiếp tục được thúc đẩy nhờ vào hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ với sự hỗ trợ của nguồn vốn FDI ổn định. Điều này giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn cắt giảm nợ, với dòng vốn nước ngoài đang đổ vào cân bằng với nhu cầu yếu ở trong nước”.

Trở lại với vấn đề tín dụng, không hoãn Thông tư 02 và không có Quyết định 780, liệu bao nhiêu DN đủ sức để thoát khỏi vòng vây nợ nần, chờ đợi được đến giai đoạn “hoạt động dần ổn định”, bước vào chu kì khá hơn kể từ tháng 10 năm nay?

Cái gì cũng có hai mặt. Với những chính sách này, điểm nghẽn tín dụng trong nền kinh tế có thể sẽ phình to. May là điểm nghẽn đã được khoanh hẹp. Trên cơ sở khoanh hẹp vùng bệnh và có thêm phương án giải cứu, giảm áp lực thời gian và trích nợ dự phòng rủi ro nhờ VAMC, các ngân hàng rảnh tay nỗ lực tiếp cận vốn tới mỗi DN.

Giờ đây, chìa khóa cạnh tranh của các ngân hàng không còn ngồi một chỗ, chờ khách đến gõ cửa xin vay mà là đi đến tận DN, gõ cửa xin cho vay. Thậm chí, ngân hàng nỗ lực phát tờ rơi, mở tổng đài gọi điện 16/24 h đến khách hàng DN lẫn cá nhân. Nhiều DN… than thở không vay được tiền, nhưng số DN than thở vì “bị” nhiều ngân hàng chào đón cũng nhiều không kém.

Ông Nguyễn Tiến A - Giám đốc Công ty Tngân hàngH MTV Ngân Hà cho biết, nội chuyện tiếp ngân hàng, đã có lúc bộ phận kế toán của ông phải cử hẳn một kế toán viên để làm tiếp... nguyên tháng. “Mà đó là Ngân Hà mới thuộc nhóm tư nhân kinh doanh quy mô nhỏ. Còn có những DN bạn quy mô lớn, đặc biệt nhóm xuất khẩu thì hiện tại để “trông nhiều giỏ mà bỏ thóc”, mỗi DN có khi mở tới vài ba tín dụng thư khác nhau ở các ngân hàng khác nhau.

Các DN muốn vay bao nhiêu cũng có, ngân hàng sẵn sàng đến tận nơi làm hồ sơ chứ không như lúc trước DN phải đến ngân hàng và chịu hạch sách. Nhưng tất nhiên “chuẩn” tín dụng của ngân hàng vẫn rất cao. Các ngân hàng không dễ dàng và không “bừa” như trước”.

Ông Phạm Linh - Phó Tổng Giám đốc ngân hàng OCB cho biết mặc dù tăng trưởng tín dụng khó khăn, song đối với khối khách hàng DN, OCB cũng có “đối sách”. Không chỉ là “xem mặt đặt tên”, xây dựng hệ thống khách hàng thân thiết truyền thống và đồng hành với những DN khỏe, cho các DN này vay vốn mà OCB cũng đã tích cực tiếp cận những DN “yêu yếu” nhưng có tiềm năng, có khả năng triển khai phương án kinh doanh vừa trả nợ ngân hàng, vừa tái sản xuất.

Với những DN như vậy, ngân hàng sẵn sàng ngồi lại, tham vấn, cùng xây dựng kế hoạch tài chính, kế hoạch kinh doanh và từ đó, kí kết hợp đồng cho vay. “Nhờ đó, tính riêng về tăng trưởng tín dụng khối khách hàng DN, OCB đã đạt chỉ tiêu tới 20% tính đến tháng 10/2013” - ông Linh nói.

Còn theo ông Phạm Khắc Khoan - Tổng giám đốc KienLongBank, xây dựng bộ phận nghiên cứu DN đã và đang là công việc thường nhật của KienLong. Ngay từ bây giờ, KienLongBank đã xác định và khoanh vùng, nghiên cứu, tiếp cận các DN có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc đối tượng nằm trong nhóm được hưởng lợi của Hiệp định Đối tác Kinh tế thương mại Xuyên Thái Dương - TPP.

Xác định khách hàng sớm, cơ hội tiếp cận, tư vấn cho khách hàng và kí kết vốn, mức độ đảm bảo đồng vốn cho vay đều cao hơn. “TPP chỉ là một ví dụ vì trước nay, KienLongBank đều làm theo cách này. Cũng như, gắn bó với các DN kể cả lúc họ khó khăn nhất thời là một bí quyết để giữ khách hàng. Khi DN khó khăn mà mình không bỏ rơi họ, DN cũng không rời bỏ mình” - ông Phạm Khắc Khoan cho biết

Tự tháo áp lực

Với các nỗ lực nhiều phía, dù không tăng mạnh nhưng vốn đưa ra thị trường thời gian qua đã có chất lượng hơn. Nói chung trên một địa bàn, chẳng hạn tại TP. Hồ Chí Minh, chất lượng vốn đã tập trung cho sản xuất. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối tháng 9/2013, nếu dư nợ ước đạt 900.000 tỉ đồng, trong số đó 84% dư nợ cho vay là tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Theo quy luật thông thường của nền kinh tế, từ nay đến cuối năm, DN vào mùa Tết sẽ tăng nhu cầu vay vốn. Theo đó, tín dụng sẽ tăng trưởng nhanh hơn. TS. Lê Thẩm Dương cho rằng hiện tại, đang hội tụ nhiều yếu tố để tăng trưởng tín dụng được đẩy ra nhịp nhàng, phù hợp với nền kinh tế.

“Thứ nhất,  mặc dù tháng 10/2013 nền kinh tế Việt Nam trở lại xuất siêu, song tính chung 10 tháng, kinh tế đã tăng nhập siêu hơn 15% so với cùng kỳ. Nhập siêu là một tín hiệu cho thấy các DN bắt đầu nhập nguyên vật liệu sản xuất trở lại và nền kinh tế đã bước qua đáy. Thứ hai, yếu tố thời vụ là đương nhiên khiến tín dụng tăng, thứ ba, các chính sách của NHNN sẽ “ngấm”.

Đây mới là nền tảng để tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn mà không nhất thiết phải “nôn nóng” chỉ vì chỉ tiêu. Thậm chí năm 2014, tín dụng sẽ có nền tảng sẽ tăng tốt hơn mà không nhất thiết phụ thuộc yếu tố chu kỳ hay tác động mạnh từ kinh tế thế giới".

Hay như ý kiến của TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương: Trong một nền kinh tế phát triển ổn định, bình thường thì tăng trưởng tín dụng trên 10%, thậm chí 14-16% vẫn là mức khá cao và do đó, việc tăng trưởng tín dụng thấp đi trong những năm gần đây cho thấy nền kinh tế dần “bình tĩnh” hơn với câu chuyện tăng trưởng.

Việc duy trì tăng trưởng tín dụng thấp có thể ví như một minh chứng cho nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, hạ nhiệt mức tăng trưởng nóng và giảm ICOR – hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vốn đã cao ngất của Việt Nam trong những năm đầu mở cửa và hội nhập.