Tăng vốn không còn đường lùi

Theo Yên Lam/saigondautu.vn

Trong cuộc đua tăng vốn điều lệ (VĐL) đang nóng lên, nhóm NHTMCP có quy mô lớn đang có lợi thế. Nhóm NHTM có vốn nhà nước cũng được cởi nút thắt để bổ sung VĐL. Giữa bối cảnh ngành Ngân hàng (NH) nỗ lực tăng vốn, thách thức ngày càng tăng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) có quy mô nhỏ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ráo riết tăng vốn
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10, BIDV đã phát hành thành công 3.450 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm, 300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 210 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 12 năm. Đây là NH “nổi tiếng” trong huy động vốn trái phiếu khi vốn cấp 1 gặp khó, phải dựa vào nguồn vốn cấp 2.
Bài toán VĐL của BIDV còn khởi sắc hơn khi mới đây NH đã xin ý kiến cổ đông về việc chào bán cổ phần và tăng VĐL thông qua phát hành 603 triệu cổ phần riêng lẻ (tương đương 6.033 tỷ đồng) cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là KEB Hana Bank của Hàn Quốc trong năm 2018-2019. Tỷ lệ cổ phần phát hành tương đương 17,65% VĐL hiện tại. Sau khi phát hành, dự kiến KEB Hana Bank nắm giữ 15% quy mô VĐL và VĐL của BIDV sẽ tăng lên mức 40.220 tỷ đồng.
Một NHTM có vốn nhà nước cũng nhận tin tốt liên quan đến tăng vốn là Vietcombank. Cụ thể, NHNN đã chấp thuận cho NH này tăng VĐL từ hơn 35.977 tỷ đồng lên hơn 39.575 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được cổ đông thông qua, tương ứng phát hành thêm tỷ lệ 10%. Nếu thành công, Vietcombank sẽ trở thành nhà băng có VĐL cao nhất hệ thống, thay vì đứng thứ 2 sau Vietinbank như hiện tại. 
Tại các NHTMCP, tăng vốn cũng là mục tiêu lớn được đặt ra. Ngay từ đầu năm, VPBank đã trình kế hoạch tăng vốn từ 15.706 tỷ đồng lên 27.000 tỷ đồng (tăng 72%). VIB và MB thông qua phương án tăng VĐL thêm lần lượt 43,5% và 19%, lên mức 8.100 tỷ đồng và 21.600 tỷ đồng.
LienVietPostBank đặt mục tiêu tăng hơn 38% VĐL, từ mức gần 7.500 tỷ đồng lên hơn 10.368 tỷ đồng. TPBank có kế hoạch nâng từ 5.842 tỷ đồng lên 8.533 tỷ đồng, HDBank tăng thêm 22%, lên 11.972 tỷ đồng. SCB, VietBank, OCB, ACB cũng đề ra phương án tăng vốn với mức tăng lần lượt 16%, 31%, 50% và 16%. Dựa trên kế hoạch này, nhiều NH cũng đã ráo riết thực hiện để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Một mục tiêu nhiều mục đích
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt, năm nay BIDV đề ra kế hoạch tăng VĐL thêm 28%. Đây vẫn là câu chuyện tiếp diễn của năm 2017, khi hệ số CAR của BIDV chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức yêu cầu của Thông tư 36/2014 là 9%.
Tương tự, hệ số CAR của Vietinbank cũng đang tiệm cận mức tối thiểu theo yêu cầu của Thông tư 36 và dưới chuẩn Basel II.
NH cũng đã tăng quỹ dự phòng chung để bổ sung vốn tự có nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Vietcombank nếu không thành công phát hành cổ phiếu để tăng vốn cũng sẽ không đạt yêu cầu về vốn nếu áp dụng CAR theo tiêu chí Basel II vào năm 2019. Qua đó có thể thấy, áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR, thực hiện Basel II đang là yêu cầu cấp thiết, buộc các NH cần tìm đường tăng vốn để hóa giải nguy cơ này.
So với các NHTM có vốn nhà nước, nhóm NHTMCP tham gia thí điểm Basel II không chịu nhiều áp lực tăng vốn, song nhóm này cũng không đứng ngoài cuộc đua. Bởi với các NH này tăng vốn là yêu cầu cần thiết đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô tăng trưởng tín dụng, đầu tư.
Cụ thể, với việc tăng vốn gần gấp 3 lần từ 11.655 tỷ đồng lên 34.966 tỷ đồng, lãnh đạo Techcombank cho biết sẽ chuyển đổi nguồn vốn chủ sở hữu có sẵn của NH thành vốn có thể sử dụng đầu tư, hoặc cho vay tín dụng, nâng hạn mức tín dụng tối đa đối với khách hàng. Đây cũng là chủ đích của nhiều NHTMCP khi không ngừng tăng vốn. 
Theo quy định của Thông tư 36, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với 1 khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của NHTM; tổng dư nợ tín dụng đối với 1 khách hàng và người có liên quan không vượt qua 25% vốn tự có.
Như vậy, các NH có VĐL 5.000 tỷ đồng, cho vay tối đa đối với 1 khách hàng chỉ 750 tỷ đồng. Nhưng nếu VĐL đạt 20.000-30.000 tỷ đồng có thể cấp tín dụng tối đa đến 3.000-4.000 tỷ đồng. 
Hồi tháng 4-2018, báo cáo của NHNN cho biết tính từ thời điểm tháng 1-2011, các TCTD đã cấp tín dụng vượt giới hạn cho 147 dự án/danh mục dự án, với tổng số tiền đã phê duyệt 191.718 tỷ đồng, đến nay hầu hết khoản cấp tín dụng vượt giới hạn vẫn còn hiệu lực.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 13/2018 cho phép NH được cấp tín dụng vượt giới hạn đối với một số đối tượng, chủ yếu là những đơn vị có kết quả hoạt động tốt. Do đó, để có thể nâng hạn mức tín dụng cho nhiều khách hàng hơn và không rơi vào cảnh cấp tín dụng vượt giới hạn, các NHTMCP đang tranh thủ thời điểm tốt để hút vốn từ nhà đầu tư, nâng cao năng lực tài chính. 
Ngoài ra, tăng vốn còn cần thiết vì các NH eo hẹp về VĐL sẽ dẫn đến hạn chế tiềm năng tăng trưởng về tín dụng. Kể cả NH lớn như Vietcombank (có tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản chỉ đạt 6,2% vào cuối tháng 6-2018) cũng khẳng định không có ý định đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao hơn mức 15% NHNN giao. Do đó, để được cấp hạn mức tín dụng cao hơn, bổ sung VĐL đang được cấp tập thực hiện.

Đừng để thụt lùi
Trong khi đó, các NHTMCP có quy mô nhỏ dự kiến tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong việc tăng VĐL. Hiện nay, hàng loạt kế hoạch tăng vốn của các NH nhỏ như SaigonBank tăng từ 3.080 lên 4.080 tỷ đồng, VietCapital Bank tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, BaoVietBank tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 5.200 tỷ đồng… cho đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.
Trong khi VĐL các NH lớn ngày càng tăng dần, áp lực của nhóm NH nhỏ cũng phình to. Vì khi nhiều các nhà băng nhóm trên ngày càng tăng về quy mô VĐL sẽ kéo giãn khoảng cách xa hơn, khiến các NH nhỏ càng bé nhỏ hơn khi nhìn vào toàn hệ thống NH.
Chính vì vậy, khi nhóm lớn có sự cấp thiết thì nhóm nhỏ cũng không có đường lùi trong hoạt động tăng vốn mà phải sớm tìm giải pháp, hoặc nhanh chóng cải thiện hoạt động thu hút vốn đầu tư hoặc chọn con đường hợp nhất sáp nhập để tăng năng lực tài chính và sức cạnh tranh. 
Năm nay NamABank dự kiến tăng VĐL từ 3.021 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 11%, tổng giá trị phát hành là 332 tỷ đồng và chào bán hơn 164,6 triệu cổ phần dự kiến thu về khoảng 1.646 tỷ đồng. VietABank có 2 phương án tăng vốn từ 3.500 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng trong năm nay là phát hành 35 triệu cổ phiếu trả cổ tức 10% và phát hành riêng lẻ 35 triệu cổ phần, hoặc phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phần cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, khả năng các NH này chỉ tăng được một phần vốn nhờ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, và lợi nhuận của các NH này còn nhỏ nên tổng giá trị khoản này cũng nhỏ. Phần còn lại, các NH nhỏ phải dựa vào việc chào bán cổ phiếu. Song hiện nay, cổ phiếu ngành NH ngày càng có sự phân hóa mạnh. Giá cổ phiếu các NH nhỏ quá thấp, lợi nhuận èo uột sẽ khó nhận được sự chú ý của nhà đầu tư trong và ngoài nước.