Tăng vốn ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn

Theo Chinhphu

Với 386/409 đại biểu tán thành (chiếm 78,3%), sáng 15/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011, trong đó, vốn ngân sách cho nông nghiệp nông thôn tăng 24,4% so với năm 2010.

Chú trọng công trình liên quan trực tiếp nông nghiệp, nông thôn

 Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổng số thu ngân sách -Trung ương năm 2011 là 398.679 tỷ đồng; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương 206.321 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương năm 2011 là 519.279 tỷ đồng, bao gồm cả 126.208 tỷ đồng cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.

Vốn ngân sách cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn năm 2011 được chú trọng với 68.920 tỷ đồng, tăng 24,4% so với kế hoạch 2010.

Quốc hội đề nghị Chính phủ trong phương án phân bổ vốn cần chú trọng đầu tư các công trình, dự án cấp bách phục vụ trực tiếp nông nghiệp, nông thôn (3.319 tỷ đồng), ưu tiên các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, có số thu cân đối ngân sách địa phương dưới 50%, nhất là các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các công trình biển đảo.

Lưu ý việc sử dụng vốn hiệu quả ở các tập đoàn, doanh nghiệp

Theo Nghị quyết của Quốc hội, trong 5 tập đoàn và Tổng công ty 91 được bố trí vốn ngân sách, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được phân bổ 1.324 tỷ đồng cho việc đầu tư hạ tầng đảm bảo an toàn đường sắt trên tuyến đường sắt Thống Nhất, tuyến số 1 đường sắt đô thị Hà Nội… 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam được bố trí 215 tỷ đồng đầu tư chương trình cấp điện nông thôn, cấp điện cho các hộ đồng bào dân tộc Khmer chưa có điện, dự án thủy lợi thủy điện Quảng Trị…

Một số ngân hàng thương mại cũng được chi cấp bù chênh lệch lãi suất đối với những khoản vay do các ngân hàng này thực hiện cho vay ưu đãi các đối tượng theo nhiệm vụ Nhà nước giao…

Quốc hội cũng thông qua việc đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia theo đề nghị của Chính phủ nhằm thực hiện chiến lược phát triển mạnh ngành Dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 9/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được để lại ít nhất 50% lợi nhuận từ phần chia cho nước chủ nhà trong xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro và các hợp đồng phân chia sản phẩm.

Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kê khai danh mục cụ thể đối với từng dự án, công trình sử dụng nguồn vốn này, báo cáo tại kỳ họp Quốc hội thứ IX trước khi phân bổ đầu tư cụ thể. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với Tập đoàn Dầu khí nhằm đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả.