Tấp nập mua bán ngoại tệ “chợ đen”: Buông lỏng quản lý?

Theo daibieunhandan.vn

Thị trường “chợ đen” ngoại tệ vẫn hoạt động tấp nập, dù Ngân hàng Nhà nước đã quy định cụ thể các tổ chức được phép thu đổi ngoại tệ. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Có hay không sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở cũng như Ngân hàng Nhà nước?

Bất nhất trong thực thi

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hiện chính sách quản lý thị trường ngoại hối khá hoàn chỉnh. Theo đó, nhằm chống “đô la hóa”, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã siết chặt các tổ chức được thu đổi ngoại tệ tại Thông tư số 20/2011 quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép. Cụ thể, chỉ các tổ chức tín dụng mới được mua, bán ngoại tệ tiền mặt. Riêng việc bán ngoại tệ có thể được thực hiện tại các đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.

Tuy nhiên, “với việc anh Nguyễn Cà Rê ở TP Cần Thơ bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng khi đổi 100 USD ở tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ cho thấy đang có sự bất nhất trong thực thi quy định liên quan đến quản lý ngoại hối”, ông Hiếu nói. Lý giải điều này, ông cho rằng trên thực tế, ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… vẫn có tình trạng cửa hàng vàng bạc dù không được phép song vẫn thu đổi ngoại tệ, nhất là khu “chợ ngoại tệ chui” phố Hà Trung (Hà Nội) mà Báo Đại biểu Nhân dân đã phản ánh trong số báo trước. “Trong đó, có thể có những người giao dịch lên tới hàng nghìn USD, vậy tại sao họ không bị bắt quả tang? Tại sao các cơ sở này vẫn tồn tại?”, ông Hiếu nêu vấn đề.

Chủ tịch Công ty Luật SB Law, Luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích, sở dĩ tồn tại “chợ đen” ngoại tệ là do nhu cầu của người dân vẫn rất lớn. Thế nhưng, nếu ra ngân hàng, thủ tục sẽ phức tạp hơn như phải chứng minh hợp đồng, trong khi ở “chợ đen”, mọi thứ diễn ra rất nhanh gọn. Chưa kể, mức giá đổi ngoại tệ tại “chợ đen” thường hấp dẫn hơn so với trong ngân hàng, do không chịu sự quản lý như về chính sách thuế.

Bên cạnh đó, các cơ sở thu đổi ngoại tệ “chui” thường có thâm niên nhiều năm hoạt động nên rất tinh vi. Số lượng các cơ sở này rất lớn nên gây khó cho cơ quan quản lý trong việc kiểm tra hoạt động. Ngoài ra, việc người dân thiếu thông tin về tổ chức, đại lý được phép thu đổi ngoại tệ khiến họ tìm ngay đến các cửa hàng vàng bạc khi có nhu cầu. Do vậy, thị trường “chợ đen” càng có cơ sở để tồn tại.

Tấp nập mua bán ngoại tệ “chợ đen”: Buông lỏng quản lý? - Ảnh 1
Người dân cần thực hiện giao dịch ngoại tệ tại các tổ chức được cấp phép
Nguồn: TTXVN

Ngân hàng Nhà nước không thể vô can

Cho rằng “điều quan trọng của quản lý nhà nước là phải công bằng”, Giám đốc Công ty Luật Basico, Luật sư Trần Minh Hải đặt vấn đề: “Công bằng pháp luật luôn phải thể hiện ở nhiều khía cạnh. Sao anh không bắt đầu bằng những vi phạm đang diễn ra trên thị trường hàng ngày, hàng giờ và những giá trị cực lớn mà lại chọn một sự việc quá nhỏ là đổi 100 USD bị phạt gần như kịch khung?”.

Từ lập luận đó, vị luật sư này cho rằng “chúng ta duy trì cả một bộ máy nhà nước để quản lý trật tự kinh doanh. Nếu anh quản lý tốt thì chỉ những nơi được cấp phép mua bán ngoại tệ mới đổi tiền, nhưng do quản lý chưa tốt nên người dân đến đâu cũng có thể đổi được, vì họ đâu biết đơn vị này có được cấp phép hay không”.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà chỉ rõ, để “chợ đen” ngoại tệ tồn tại “không thể không có vai trò giám sát, quản lý của chính quyền sở tại”. Thêm vào đó, theo ông, NHNN cũng không thể vô can khi ban hành quy định nhưng không kiểm tra, giám sát thực hiện. Bằng chứng là dù đã quy định các tổ chức tín dụng phải công khai đại lý thu đổi ngoại tệ nhưng mới chỉ có một số ít ngân hàng tuân thủ!

Sớm siết chặt quản lý

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử phạt anh Nguyễn Cà Rê khi đổi ngoại tệ tại tổ chức không được phép sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân về thu đổi ngoại tệ. Song, điều đó vẫn chưa đủ!

Theo đó, một mặt, NHNN cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết. Trong đó, cần thực hiện nghiêm quy định công khai danh sách tổ chức, đại lý thu đổi ngoại tệ của các tổ chức tín dụng; làm rõ chế tài xử lý khi không thực hiện.

Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức kinh doanh ngoại hối bất hợp pháp. “Chế tài đã có nhưng vì thực hiện chưa nghiêm nên những “con voi” này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Do vậy, đã đến lúc cần sớm siết lại hoạt động mua, bán trao đổi ngoại hối”, Luật sư Trần Minh Hải đề xuất.

Mặt khác, cần sửa đổi một số quy định liên quan. Hiện, theo Nghị định số 96/2014 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, người có hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép bị xử phạt 80 - 100 triệu đồng. Cơ sở kinh doanh không có giấy phép nhưng vẫn thực hiện thu mua, quy đổi ngoại tệ bị xử phạt 500 - 600 triệu đồng.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, quy định này chưa phân loại mức độ vi phạm khi “đánh đồng” người vi phạm chỉ với 100 USD cũng như 100.000 USD. Do vậy, cần nghiên cứu để đưa ra các mức vi phạm. “NHNN cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm các nước xem họ kiểm soát thị trường “chợ đen” thế nào, qua đó rút ra bài học cho Việt Nam”, ông Hà đề xuất.

Về lâu dài, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam cần duy trì chỉ một thị trường tỷ giá. Muốn vậy, nền kinh tế phải mạnh lên, đồng nghĩa đồng tiền của Việt Nam sẽ trở thành một trong những ngoại tệ được hoán đổi tự do trên thị trường tài chính. Song, “có thể 10 - 20 năm nữa chúng ta mới đạt được”, ông Hiếu nhận định.