Thận trọng khi lập Sở Giao dịch vàng quốc gia

Theo daibieunhandan.vn

Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia để góp phần huy động vàng trong dân, phục vụ phát triển. Đề xuất này đang nhận được những ý kiến trái chiều.

Huy động vàng cho phát triển kinh tế

Lý giải cho đề xuất này, theo VGTA, nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn.

Mặc dù Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo NHNN thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng đến nay chưa có giải pháp nào được thực hiện.

Hơn nữa, dự kiến đến tháng 7 tới, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển trong những năm tới rất lớn.

Vì vậy, VGTA kiến nghị Bộ Tài chính và NHNN cho thành lập Tổ công tác nghiên cứu xây dựng Đề án huy động vàng trong dân để phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, NHNN cần nghiên cứu để sớm thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia. Qua đó, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân.

VGTA nhận định, Sở Giao dịch vàng quốc gia góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng; loại bỏ những sàn vàng “chui”; giảm tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới; tăng nguồn thu cho ngân sách thông qua thu thuế…

Đặc biệt, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

Đề xuất thích hợp, nhưng…

Theo Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP Hồ Chí Minh (HASEM) Phương Ngọc Thạch, đây không phải là lần đầu tiên, ý tưởng huy động vàng trong dân mới được đưa ra.

Trước đó, tháng 8.2011, với ý tưởng lập lại trật tự thị trường vàng và huy động nguồn lực vàng trong dân, Nhà nước giao cho NHNN đứng ra huy động vàng thông qua các tổ chức tín dụng, quy đổi thành ngoại tệ để phục vụ nhu cầu phát triển.

Cùng với đó là hạn chế sự ảnh hưởng của vàng đối với tỷ giá và giá trị VNĐ. Thế nhưng ý tưởng đó đã chưa thể thực hiện. Đến bây giờ, VGTA “lật lại” với đề xuất triển khai đề án lập Sở Giao dịch vàng quốc gia. “Trong bối cảnh hiện nay, đề xuất này là thích hợp, góp phần loại bỏ sàn vàng ảo, sàn vàng chui. Chính phủ dùng vàng huy động đó làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay nước ngoài, lãi và chi phí vay sẽ thấp hơn so với các đợt phát hành trái phiếu quốc tế thời gian qua. Rõ ràng, Sở Giao dịch vàng quốc gia có nhiều ý nghĩa, nhất là trong hoàn cảnh nước ta hiện nay khi nợ công tăng mạnh, sắp “tốt nghiệp” vay ưu đãi ODA”, ông Thạch nói.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải lại tỏ ra băn khoăn. Bởi trước đó, vào khoảng năm 2008 - 2009 đã có rất nhiều sàn vàng hoạt động. Song, trên thực tế, hoạt động của các sàn vàng này “không thực sự mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Thay vào đó, nó đem lại những bất lợi do nhiều công ty cung cấp dịch vụ sàn vàng đã lôi kéo người tham gia giao dịch với hình thức như đánh bạc, dẫn tới thua lỗ, tan cửa nát nhà. Thậm chí còn kéo theo một số ngân hàng bị thua lỗ trong kinh doanh vàng làm cổ đông mất vốn.

Chính vì thế, Chính phủ đã chỉ thị NHNN chấn chỉnh và không còn cách nào khác là phải đóng cửa các sàn vàng. Thêm vào đó, Chính phủ đang nỗ lực chống vàng hóa, đô la hóa một cách triệt để và đã có những tín hiệu tích cực.

Biểu hiện là thời gian gần đây, giá vàng trong nước đã ngang bằng giá vàng thế giới, thậm chí có lúc còn thấp hơn. Điều đó cho thấy công cuộc chống vàng hóa đang được định hướng tốt, làm mất hiệu lực của vàng so với thời kỳ trước”. Do vậy, chuyên gia này cho rằng, “bây giờ lại đề xuất lập Sở Giao dịch vàng quốc gia là đi ngược mục tiêu chống vàng hóa của Chính phủ. Do đó, cần hết sức cân nhắc”.

Phải loại bỏ lợi ích nhóm

Theo các chuyên gia, việc lập Sở Giao dịch vàng quốc gia để huy động vàng trong dân, phục vụ cho phát triển kinh tế cần hết sức thận trọng. Bởi trên thực tế, 500 tấn vàng tích trữ trong dân không hẳn là “tiền chết”, nằm yên một chỗ hay là một sự lãng phí, vì vàng vẫn đang có vai trò là một phương tiện tích trữ tài sản, một loại hàng hóa được giao dịch đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, lượng vàng tích lũy này đang được chuyển hóa dần thành VNĐ và ngoại tệ. Đó là lý do vì sao giá vàng trong nước dần ngang bằng với thế giới. “Nếu triệt để chống vàng hóa, đặc biệt thông qua chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt thì dù là 500 tấn hay 1.000 tấn vàng cũng sẽ lập tức “tan chảy”, chuyển thành VNĐ hoặc ngoại tệ và thậm chí điều này còn tốt hơn vàng”, ông tin tưởng.

Theo Chủ tịch HASEM Phương Ngọc Thạch, muốn quản lý vàng hiệu quả, yếu tố đóng vai trò quyết định là phải loại bỏ lợi ích nhóm. Ông phân tích, nhu cầu vốn cho phát triển trong những năm tới là rất lớn. Để góp phần huy động vàng có hiệu quả, NHNN cần thực hiện các giải pháp như không để giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng quốc tế, gửi tiết kiệm vàng trong ngân hàng thương mại như gửi ngoại tệ có lãi suất.

Trong trường hợp lập Sở Giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước phát hành chứng chỉ hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân phải bảo đảm giá trị của vàng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vàng phải có tính chuyển đổi quốc tế. “Trước hết, Nhà nước phải xây dựng được lòng tin trong dân, nói sao phải làm vậy. Thành viên ban quản lý Sở Giao dịch vàng quốc gia phải có tài sản thế chấp, Sở có tài sản nhà nước khoảng 45% và phải có giám sát kiểm tra của quản lý nhà nước”, ông Thạch nêu rõ.