Thận trọng tín dụng ngoại tệ

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh/Theo Thoibaonganhang.vn

Lãi suất cho vay đồng USD (kỳ hạn ngắn 2,73%-3,4%/năm chưa bao gồm tỷ giá) trong nước hiện đang ở mức thấp hơn tương đối so với lãi suất VND (6,5%-9%/năm). Với thực tế này, đòi hỏi ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải tăng cường giám sát việc cho vay bằng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ước tính đến hết tháng 8/2017, tăng trưởng tín dụng ngành Ngân hàng đạt 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,2%), trong đó tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng lên đến 11,5%, gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn ước tăng 8,8% (cùng kỳ 2016 tăng 11%), chiếm 54% tổng tín dụng. Tín dụng ngắn hạn ước tăng 14,1% (cùng kỳ tăng 9%), chiếm gần 46% tổng tín dụng.

Huy động vốn 8 tháng đầu năm 2017 tăng 9,1% so với cuối năm 2016, nhưng giảm so với cùng kỳ 2016 là 11,4%. Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 8,7% so với cuối năm 2016, phát hành giấy tờ có giá tăng 18,6%.

Đặc biệt, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các NHTM tiếp tục tăng 68% so với đầu năm và đạt 160.000 tỷ đồng, thanh khoản của các NHTM vẫn khá dồi dào, lãi suất liên NH các kỳ hạn duy trì ở mức thấp đáng kể so với lãi suất huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư (lãi suất liên NH kỳ hạn qua đêm 1%, lãi suất 1 tuần là 1%, lãi suất 1 tháng là 1,6%).

Từ các diễn biến đó có thể thấy, cơ cấu nguồn vốn của các NHTM đã có sự cải thiện đáng kể, các NHTM đang tích cực thực hiện quy định về giới hạn đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Như: huy động vốn trung và dài hạn tăng mạnh, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng giấy tờ có giá đạt 18,6%, trong khi tốc độ tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 9,1%.
Thêm vào đó cho vay trung và dài hạn tiếp tục xu hướng giảm, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, khả năng các NHTM thực hiện giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn có thể thực hiện theo đúng lộ trình đã điều chỉnh tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giới hạn đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh tín dụng bằng ngoại tệ là một vấn đề đáng lưu ý. Việc gia tăng này ngoài nguyên nhân là do kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm tăng đáng kể ước đạt 135,6 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Song theo đánh giá của các chuyên gia nguyên nhân chính là do lãi suất cho vay đồng USD (kỳ hạn ngắn 2,73%-3,4%/năm chưa bao gồm tỷ giá) trong nước hiện đang ở mức thấp hơn tương đối so với lãi suất VND (6,5%-9%/năm).

Với thực tế này, đòi hỏi NHNN cần phải tăng cường giám sát việc cho vay bằng ngoại tệ của các NHTM. Có như vậy mới đảm bảo giảm áp lực tỷ giá vào những tháng cuối năm và thực hiện có hiệu quả lộ trình chống USD hóa đã được Chính phủ phê duyệt.

Một diễn biến nữa cũng cần lưu ý, đó là tiền gửi Kho bạc tại NHTM tăng mạnh, đã hỗ trợ tích cực tình hình thanh khoản của các NHTM, thể hiện ở lãi suất cho vay liên NH giảm mạnh ở mức thấp. Tuy nhiên, đến cuối năm tiền gửi kho bạc sẽ giảm mạnh, nhu cầu rút tiền của người dân tăng cao sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn, trong khi đó cho vay tiếp tục tăng mạnh để đạt chỉ tiêu 21%.

Chính vì vậy, để đảm bảo thanh khoản hệ thống, ổn định lãi suất thị trường những tháng cuối năm, trước hết các NHTM  cần sớm chủ động có những biện pháp cân đối nguồn vốn.