Tháng 4 – “đến hẹn lại lên”?

Theo Thùy Linh/thoibaokinhdoanh.vn

Thông thường tháng 4 là một trong những thời điểm Vn-Index có xác suất tăng điểm cao nhất trong năm do được sự hỗ trợ về thông tin kết quả kinh doanh quý I, phương án trả cổ tức và kế hoạch kinh doanh.

Thông thường tháng 4 là một trong những thời điểm Vn-Index có xác suất tăng điểm cao nhất trong năm. Nguồn: Internet
Thông thường tháng 4 là một trong những thời điểm Vn-Index có xác suất tăng điểm cao nhất trong năm. Nguồn: Internet

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của quý I/2018 với mức đóng cửa cao nhất trong lịch sử khi Vn-Index đạt 1.174,46 điểm, dù gặp phải không ít tác động tiêu cực từ thị trường quốc tế.

Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số Vn-Index đã tăng gần 20% và là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới trong quý I, mức vốn hóa thị trường tăng 17% so với cuối năm 2017, vào khoảng 82,2% GDP, chưa tính trái phiếu, chỉ tính cổ phiếu.

Bứt phá từ quý I

Đà bứt phá của thị trường chứng khoán Việt Nam được cho là đến từ nền tảng vĩ mô tích cực, cùng với đó là hoạt động giao dịch sôi nổi của các nhà đầu tư.

Trong quý I/2018, khối ngoại mua vào hơn 1,6 tỷ cổ phiếu với tổng giá trị đạt 76.527 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 1,35 tỷ cổ phiếu với tổng giá trị đạt 66.103,7 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng của khối này đạt 268,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 10.424 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất là cặp đôi cổ phiếu VRE và VIC được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trên sàn HoSE, với tổng giá trị đạt lần lượt là 4.920 tỷ đồng và hơn 2.888 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, VIC đã chính thức “soán ngôi” VNM trở thành mã có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4 (2/4), thị trường chứng khoán đã chinh phục đỉnh lịch sử mới 1.196 điểm, dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu lớn, bluechip, ngân hàng và bất động sản.

Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch ngày 3/4, Vn-Index đã “tạm nghỉ” do gặp áp lực chốt lời tại một số mã lớn, đặc biệt là VIC và VNM, đẩy Vn-Index lùi về dưới ngưỡng 1.188 điểm.

Trong phiên giao dịch ngày 3/4, trong khi các cổ phiếu “đầu tàu” là VIC, VNM, GAS, SAB điều chỉnh nhẹ, VJC, MSN cũng quay đầu giảm điểm, thì nhóm cổ phiếu ngân hàng lại phát huy được sắc xanh.

ROS giảm 6,8% xuống 134.600 đồng/cổ phiếu, SAB giảm 3,8% xuống 229.000 đồng/cổ phiếu, VNM giảm 3% xuống 193.700 đồng/cổ phiếu; GAS giảm 2,28%, xuống 133.000 đồng/cổ phiếu…

ROS là một cổ phiếu điển hình cho sự chênh vênh khi giao dịch luôn trong tình trạng tăng trần – giảm sàn – tăng giá – giảm mạnh khiến nhà đầu tư không khỏi đau đầu. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã giảm 20,5%, hiện đang giao dịch tại mốc giá 134.600 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, năm 2017, ROS cũng ghi dấu ấn với những tháng giao dịch tăng điểm cả tháng thường xuyên tăng sát trần và trần, nhưng đã điều chỉnh sẽ giảm sàn liên tiếp và luôn trong tình trạng trắng bên mua.

Trong phiên giao dịch ngày 3/4, khối ngoại quay trở lại bán ròng gần 400 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó VNM đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với 91,41 tỷ đồng, tiếp theo là VIC với 78,74 tỷ đồng, GAS với 45,14 tỷ đồng, VJC với 30,68 tỷ đồng, PLX với 20,27 tỷ đồng.

Triển vọng cho tháng 4
Hiện, thị trường chứng khoán có 741 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn, 723 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch. Số mã cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch tăng liên tục. 

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhận định: “Sự phát triển của thị trường chứng khoán được đánh giá là một trong những xu hướng rất tốt trong năm nay”.

Từ năm 2008 đến nay có tới 7 năm chỉ số Vn-Index tăng điểm vào tháng 4, trong khi số năm giảm điểm chỉ là 3 lần nhưng chỉ điều chỉnh nhẹ.

Tiềm năng của tháng 4 đến từ mùa Đại hội cổ đông thường niên với những kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng. Cùng với đó là kết quả kinh doanh quý I được công bố, đây là những thông tin được giới đầu tư chờ đón và là chất xúc tác cho những “sóng” cổ phiếu với các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ lên sàn trong tháng 4 này, có thể kể tới TPBank hay FPT Retail. Những doanh nghiệp này đều có nền tảng cơ bản tốt nhận được sự quan tâm đầu tư từ quỹ ngoại.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng sẽ đón chờ nhiều thông tin tốt từ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra từ 21/5 – 18/6, với nhiều dự án Luật được thông qua.

Từ những thông tin tích cực trên, công ty Chứng khoán BSC đưa ra nhận định: trong trường hợp tích cực, sau một vài phiên củng cố tại 1.170 điểm, Vn-Index sẽ tiếp tục bứt phá, bỏ xa ngưỡng hỗ trợ này, dưới sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính, bất động sản.

Trong ngắn hạn, Vn-Index có thể đạt đỉnh 1.250 điểm, giao dịch tiếp tục phân hóa mạnh, khối lượng giao dịch được cải thiện.

Tuy nhiên, ngoài triển vọng tích cực, công ty Chứng khoán MBS cũng đưa ra khuyến cáo với các nhà đầu tư, trước khi chạm đỉnh lịch sử, thị trường đã có những cú giảm mạnh, có thể kể đến như phiên ngày 5 – 6/2, khiến các nhà đầu tư bất ngờ. Diễn biến giảm mạnh này được cho là phản ứng trước tác động của thị trường thế giới.

Cuộc chiến thương mại có nổ ra hay không phụ thuộc vào cuộc đàm phán trong tháng 4 này; đồng thời Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng tăng lãi suất thêm 1 lần trong quý II, sự sụt giảm của các cổ phiếu công nghệ… 

Những rủi ro này sẽ tác động tới thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Bởi vậy trong tháng 4, nhà đầu tư nên cẩn trọng trước những cú sập bất ngờ.