Tháng 7 xuất siêu có phải là “hương vị ngọt ngào”?

Theo Bùi Trinh – Lê Hoa (SGTT)

Phải chăng nhập khẩu là một trong những nguyên nhân quan trọng làm chỉ số giá tiêu dùng giảm, và đây cũng chính là “hương vị ngọt ngào” của kinh tế vĩ mô?

Tháng 7 xuất siêu có phải là “hương vị ngọt ngào”?

Nhìn vào mục đích của nhập khẩu qua các năm, có thể thấy nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu phục vụ sản xuất. Các năm từ 2005 – 2011, nhập khẩu cho sản xuất chiếm trên dưới 90% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong khi đó nhập khẩu trực tiếp cho tiêu dùng chỉ chiếm từ 7 – 9%. Như vậy, có thể thấy nền sản xuất trong nước phụ thuộc mạnh vào nhập khẩu và khi nền sản xuất suy trầm sẽ kéo theo sự suy giảm về nhập khẩu, cán cân thương mại và tỷ giá không còn căng thẳng. Cũng có thể nói nhập khẩu giảm là một dấu hiệu của việc suy trầm trong sản xuất còn tiếp diễn ở những tháng sau đó. Và khi nền sản xuất khởi sắc thì cán cân thương mại và tỷ giá sợ khó tránh khỏi căng thẳng.

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu của nước ta liên tục sụt giảm và sự sụt giảm này lại nằm ở khu vực kinh tế trong nước. Điều này cho thấy nền sản xuất thực sự đáng báo động. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Nhiều chứng minh cho thấy nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng trong những năm qua ngày càng phụ thuộc vào yếu tố vốn. Nếu giai đoạn 2000 – 2005, để tạo ra một đơn vị giá trị gia tăng cần khoảng 5 đồng vốn thì đến giai đoạn hiện nay, hệ số này lên đến trên 7. Và nếu nhân tố vốn đóng góp vào tăng trưởng trong giai đoạn 2000 – 2005 chỉ khoảng 60%; năng suất, nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng 22% thì giai đoạn hiện nay, yếu tố vốn đóng góp vào tăng trưởng lên đến trên 70%, năng suất, nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng dưới 10%.

Điều này cho thấy vốn là yếu tố quyết định đến sự tăng trưởng nên với chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2011, nền kinh tế trở nên kiệt quệ.

Hiện nay, tình hình tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trong nước thực ra không hề được cải thiện do những đòi hỏi ngặt nghèo của các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, lãi suất cho vay, dù còn 15%, vẫn là quá cao đối với họ. Hầu hết các doanh nghiệp hiện chỉ cố để đủ trả lãi ngân hàng, như vậy, họ sẽ không có động cơ để mở rộng sản xuất trong khi tăng trưởng của nền kinh tế dựa vào việc này.

Một điều ngạc nhiên nữa là chỉ số CPI tháng 7 tiếp tục giảm, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ lại tăng khá so với tháng trước. Liệu lập luận cho rằng CPI giảm do sự suy giảm của tổng cầu có bị lung lay? Có nhiều nguyên nhân được cơ quan chức năng dẫn ra, nhưng có một điều thú vị là chỉ số giá nhập khẩu còn giảm sâu hơn CPI rất nhiều. Vậy phải chăng nhập khẩu là một trong những nguyên nhân quan trọng làm chỉ số giá tiêu dùng giảm, và đây cũng chính là “hương vị ngọt ngào” của kinh tế vĩ mô?