Tháng 9, cơ hội hay thử thách?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Ngay từ đầu tháng 9, Nghị định 60/2015/NĐ-CP chính thức có hiệu lực mở room 100% cho nhà đầu tư nước ngoài; cho phép phát triển sản phẩm chứng quyền có đảm bảo tài sản, tạo không gian cho các CTCK cung cấp công cụ kinh doanh, công cụ bảo vệ mới cho nhà đầu tư. Cơ hội mở ra cho các CTCK, nhà đầu tư để thị trường bứt phá đi lên. Các đối tác ngoại là cầu nối quan trọng giúp các CTCK kết nối với nguồn nhân lực quốc tế chất lượng cao.

TTCK tháng 9 với nhiều điểm mới sẽ mang đến những tín hiệu tích cực và là cơ hội mới thích hợp để đầu tư. Nguồn: internet
TTCK tháng 9 với nhiều điểm mới sẽ mang đến những tín hiệu tích cực và là cơ hội mới thích hợp để đầu tư. Nguồn: internet

TTCK tháng 9 với nhiều điểm mới sẽ mang đến những tín hiệu tích cực và là cơ hội mới thích hợp để đầu tư. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng việc nới room cho CTCK vào thời điểm TTCK không mấy thuận lợi, do nền kinh tế chịu ảnh hưởng không nhỏ từ diễn biến giá dầu giảm kỷ lục và Trung Quốc đột ngột phá giá đồng nhân dân tệ sẽ khiến thị trường khó thể bứt phá.

Ai là người tiên phong?

Việc nới room đã mở ra cơ hội mới cho quá trình tái cấu trúc hệ thống các công ty chứng khoán (CTCK) được nhanh và hiệu quả hơn. Công ty chứng khoán SSI đã chấp nhập "bán mình" khi quyết định xin nới room lên tới 100%. Với quyết định trên, cổ phiếu SSI bắt đầu giao dịch rất sôi động và nhộn nhịp đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đại diện SSI cho biết đã sẵn sàng quản trị theo thông lệ quốc tế, tuyển nhân sự chủ chốt mạnh và khả năng bọc lót có hệ thống khi nhân sự biến động. Sự nới room lên 100% cho khối ngoại là bước đột phát trong tái cấu trúc cổ đông để tăng cường sự độc lập và kiểm soát từ nhiều nhóm cổ đông khác nhau. Bộ máy sẽ có áp lực phải tự động điều chỉnh trong một sân chơi quốc tế mới, nhưng vẫn đảm bảo lợi ích của các cổ đông, khách hàng và người lao động.

Các cổ đông nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn lực mới để xây dựng và quản trị chiến lược, phát triển nhân lực quốc tế chất lượng cao. Từ đó, nguồn lực mới sẽ tạo ra sức mạnh hệ thống giúp các doanh nghiệp hội nhập theo tiêu chuẩn quốc tế. Công cuộc hội nhập, mở cửa ngành tài chính là tất yếu đối với Việt Nam và đi cùng với nó là quá trình thanh lọc các công ty trong ngành chứng khoán.

Nhận định về cơ hội cho công tác tái cấu trúc hệ thống CTCK đang triển khai hiện nay, các chuyên gia cho rằng khi khối ngoại được nới room 100%, cơ hội rõ ràng là mở ra rất nhiều cho các CTCK Việt Nam. Theo đó, các đối tác ngoại sẽ là cầu nối quan trọng giúp các CTCK trong nước được kết nối nhanh chóng hơn với nguồn nhân lực quốc tế chất lượng cao và các bạn hàng toàn cầu theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trước những áp lực cạnh tranh, các CTCK cần phải thay đổi và lớn mạnh để hoàn thiện chiến lược phát triển và quy trình quản trị.

Vẫn chịu nhiều áp lực

Chiến lược kinh doanh bền vững và quản trị là chìa khóa để giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài. Việc các CTCK có thêm yếu tố nước ngoài sẽ giúp các công ty hội nhập với thị trường quốc tế nhanh hơn và sẽ đưa ra được nhiều hơn những sản phẩm có thể tạo nên giá trị khác biệt, tạo gia tăng giá trị cho các cổ đông.

Thị trường chứng khoán chuẩn bị có nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu đa dạng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, sẽ có rất nhiều sản phẩm vừa là công cụ đầu tư, vừa bảo vệ rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Sự khởi sắc của TTCK phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là sức khỏe của các DN và nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, với điểm nhấn thực thi chính sách nới room và triển khai sản phẩm mới cho thấy TTCK đang có sự thay đổi về chất, để bước lên mặt bằng mới, hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường.

Trở lại hoạt động giao dịch của thị trường, sau khi thị trường tăng mạnh đã chịu áp lực chốt lời tiếp tục diễn ra trên diện rộng. Trạng thái thận trọng dâng cao khiến thị trường tiếp tục có phiên điều chỉnh khá sâu và giao dịch ảm đạm.

Các chuyên gia cho rằng thị trường vẫn đang trong giai đoạn giằng co, tích lũy chứ chưa có cơ hội bùng nổ trở lại. TTCK bị dìm hàng bởi các nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng và các nhóm đầu cơ giảm rất sâu chưa biết khi nào lên được.

Diễn biến giá dầu thô thế giới có những biến động phức tạp trong ngắn hạn và chưa có tín hiệu khởi sắc trong trung và dài hạn trong khi nhóm các mã dầu khí tăng quá nóng đã đẩy mạnh tâm lý chốt lời của nhà đầu tư.

Lực cầu khá yếu, chủ yếu xuất hiện tại vùng giá thấp khiến thanh khoản tiếp tục giữ ở mức thấp và nhiều mã điều chỉnh giảm mạnh do bên bán hạ giá nhằm thoát vị thế nắm giữ.

Dự báo các phiên giao dịch tới vẫn chậm và dòng tiền yếu là tác nhân chính khiến cho áp lực bán xuất hiện. Điều này cho thấy hoạt động chốt lãi của NĐT nhiều hơn là bán để thoát hàng. Do đó, mức suy giảm trên dù lớn nhưng chưa quá đáng lo ngại.

Các cổ phiếu lớn vẫn có sự điều chỉnh tiếp theo nên chỉ số VN-Index sẽ chịu tác động. Nhưng nhiều cổ phiếu khác đã suy giảm mạnh về khối lượng giao dịch cho thấy mức giá giảm sâu hơn nữa sẽ khó xảy ra.

Trong một điều kiện thích hợp nhất, có thể sẽ có một số cổ phiếu tăng giá trở lại giúp chỉ số này cân bằng hơn. Hiện khối ngoại đang trở lại với xu hướng bán ròng, trong khi quỹ VNM ETF vẫn chứng kiến sự sụt giảm số chứng chỉ quỹ trước ngày cơ cấu danh mục.