Thành công kép cho tầm cao mới

trí dũng

(Tài chính) Một năm khép lại với bao thử thách đặt lên vai thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng Việt Nam nhưng cũng là một năm có nhiều “kỳ tích” vượt khó được tạo dựng. Với vai trò là ngân hàng nòng cốt đi đầu trong hệ thống, năm qua, Vietcombank - VCB đã khắc ghi được nhiều kết quả đầy ấn tượng…

Trong 5 năm tới, Vietcombank dự kiến, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản đạt 9 - 12%/năm. Nguồn: internet
Trong 5 năm tới, Vietcombank dự kiến, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản đạt 9 - 12%/năm. Nguồn: internet

Từ thành công kép…

Năm 2013, trong bối cảnh nền kinh tế và ngành Ngân hàng còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, với quan điểm điều hành “Nhạy bén - Linh hoạt - Quyết liệt” song hành cùng phương châm hành động “Đổi mới, Chất lượng, An toàn, Hiệu quả” đã đưa đến thành công kép cho VCB.

Có thể nói, một trong những cụm từ được dư luận dùng nhiều để đánh giá về hoạt động của VCB trong năm qua là cụm từ “tiên phong”. Nhìn nhận lại một năm đầy nỗ lực trên nhiều mặt trận của VCB mới thấy được sự khách quan từ dư luận. VCB hoàn thành vai trò của một trong những ngân hàng nòng cốt đi đầu trong thực hiện các chủ trương của Chính phủ, NHNN, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn thị trường tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội…

Những tháng đầu năm 2013, khi mặt bằng lãi suất giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng có tín hiệu cải thiện tốt, VCB đã tiên phong thực hiện giảm lãi suất trên cả hai chiều huy động và cho vay. Đặc biệt, VCB vào cuộc nhanh, thực hiện có hiệu quả giảm lãi suất cho các đối tượng thuộc 05 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ về mức lãi suất 9%/năm. Động thái này đã tạo hiệu ứng lan toả tích cực toàn thị trường. Ngoài ra, các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất thấp; cho vay mua nhà ở cũng được VCB triển khai mạnh mẽ. Theo đó, tính đến hết năm 2013, VCB đã thực hiện giải ngân được 200.584 tỷ VND và dư nợ cho vay đạt 65.498 tỷ VND cho một số đối tượng ưu tiên với lãi suất thấp nhất là 5,5%/ năm; Đồng thời, với việc giải ngân được 128 tỷ VND cho khách hàng cá nhân có thu nhập thấp mua nhà ở, VCB là ngân hàng có dư nợ đã giải ngân lớn nhất đối với gói cho vay hỗ trợ nhà ở.

Không dừng lại ở đó, nhằm góp phần vào sự phát triển hạ tầng cơ sở của đất nước, VCB đã tham gia tài trợ vốn cho nhiều dự án có tính trọng điểm quốc gia như: Dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu (giá trị hợp đồng tín dụng 14.500 tỷ VND trong đó VCB tài trợ 6.500 tỷ VND); Dự án cảng biển trung tâm điện lực duyên hải (1.000 tỷ VND); Dự án đường dây 500KW Sơn La - Lai Châu (3.200 tỷ VND). Ngoài ra VCB còn chủ động tìm kiếm các dự án hiệu quả với các tổng công ty lớn để thực hiện ký kết hợp đồng tài trợ vốn, đầu tư. Riêng tháng 12/2013, VCB đã giải ngân 40 triệu USD cho Tập đoàn Viettel; giải ngân 65,5 triệu USD cho Vietnam Airlines; giải ngân 900 tỷ VND cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), đầu tư trái phiếu của Vinacomin...

Bên cạnh việc linh hoạt đưa ra các giải pháp kinh doanh hiệu quả, năm 2013 VCB cũng đổi mới triệt để phương thức quản trị quan hệ khách hàng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc chu đáo và chia sẻ lợi ích với khách hành. Điều này không chỉ thể hiện qua xây dựng nét văn hóa doanh nghiệp mà còn được thể hiện qua phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ, các chi nhánh, phòng giao dịch. Theo đó, trong năm 2013 VCB đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thành lập 15 chi nhánh cùng 38 phòng giao dịch...

Trong 5 năm tới, Vietcombank dự kiến, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản đạt 9 - 12%/năm, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn từ 12 - 16%/năm, tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 3%, ROE đạt 12 - 15% và hệ số an toàn vốn CAR từ 10 - 12%.

Những nỗ lực trên đã mang lại kết quả kinh doanh năm 2013 đầy khởi sắc trên nhiều khía cạnh: Tổng tài sản đạt 467.761 tỷ VND, tăng 13,1% so với 31/12/2012, vượt kế hoạch 9%; Huy động vốn từ nền kinh tế đạt 331.546 tăng 16,2% so với đầu năm; Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 275.285 tỷ VND, tăng 14,5% so với năm 2012 cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành; Nợ xấu chiếm tỷ lệ 2,62% trên tổng dư nợ; Doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đạt 41,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2012, chiếm gần 15,8% thị phần xuất nhập khẩu cả nước; Doanh số mua bán ngoại tệ đạt 26,3 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2012; Dịch vụ chuyển tiền kiều hối đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2012. Các kết quả trên đã mang lại lợi nhuận hợp nhất năm 2013 cho VCB 5.727 tỷ VND, đạt 100,4% kế hoạch.

Đến tầm cao mới…

Với mục tiêu phấn đấu trở thành một trong hai ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam có sức ảnh hưởng khu vực và là một trong 300 tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới vào năm 2020, nhiệm vụ then chốt của VCB là xây dựng một hệ thống quản trị ngân hàng hiện đại, phát triển bền vững theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Trên cơ sở kết quả hoạt động trong năm qua, Ban lãnh đạo VCB xác định, năm 2014 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện thành công các kế hoạch của giai đoạn 2013 – 2018 và các mục tiêu đến năm 2020.

Theo đó, VCB tiếp tục bám sát thực hiện các mục tiêu: Hoàn thiện mô hình tổ chức hướng đến mô hình tập đoàn ngân hàng tài chính đa năng hiện đại, đi đôi với tăng cường năng lực quản trị điều hành và năng lực kinh doanh; Rà soát, chuẩn hóa mô hình chi nhánh, phát triển mạng lưới giao dịch theo chiều rộng và chiều sâu, từng bước mở rộng mạng lưới hoạt động ra thị trường quốc tế; Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tích cực xử lý các khoản nợ tồn đọng; Đa dạng hóa kênh huy động vốn cũng như cấp tín dụng trong nước, mở rộng mạng lưới khách hàng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân bên cạnh việc giữ chân các khách hàng truyền thống. Sẵn sàng và chủ động tiếp cận thị trường vốn quốc tế khi điều kiện thuận lợi; Rà soát danh mục đầu tư góp vốn, tái cơ cấu phù hợp, có kế hoạch và lộ trình tái cơ cấu các công ty con; Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nâng dần tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ trong cơ cấu thu nhập chung, củng cố thị phần trong các dịch vụ ngân hàng truyền thống như dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại; Tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản trị rủi ro; nâng cao vai trò của bộ máy kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2 – 2013