Thanh khoản áp sát 10.000 tỷ đồng/phiên

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Với tốc độ tăng như hiện nay, VnIndex có thể chạm mốc 1050 trong tuần tới và có thể còn sớm vượt mốc này nhờ dòng tiền “nội ngoại kết hợp”. Dự báo Vn-Index sẽ tăng khoảng 35% và tạo đỉnh 1.350 điểm trong khoảng tháng 6 - 7/2018 và chạm mốc 1.500 điểm ngay trong năm 2018.

Thanh khoản áp sát 10.000 tỷ đồng/phiên. Nguồn: Internet
Thanh khoản áp sát 10.000 tỷ đồng/phiên. Nguồn: Internet

Trước đây, khi xuất hiện những phiên giao dịch với tổng giá trị giao dịch lên tới 5.000 – 6000 tỷ đồng/phiên, cũng là lúc thị trường kết thúc sóng tăng và đảo chiều sang giai đoạn điều chỉnh. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến nay, quy luật này đã bị phá vỡ, khi thanh khoản thị trường liên tục tăng, dần hình thành mặt bằng mới.

Sẽ vượt đỉnh 1.170 điểm…

Những ngày đầu năm mới chứng kiến hàng loạt phiên giao dịch đã kết thúc với thanh khoản thị trường trên 6.000 tỷ đồng. Đặc biệt như phiên ngày 9/1, chỉ tính riêng trên sàn HoSE, thanh khoản thị trường đã lập đỉnh, tăng vọt lên 7.051 tỷ đồng, cao gấp đôi so với trung bình 2017.

Nếu tính thêm cả HNX, Upcom và giá trị thỏa thuận trên 3 sàn, giá trị giao dịch phiên 9/1 đã lên tới 9.527 tỷ đồng. Kèm dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường, chỉ số VnIndex leo lên trên 1.000 điểm và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trong những năm trước, thông thường, thị trường trong tháng 1 tăng mạnh giống như hiện nay là hiệu tín hiệu tích cực cho vài tháng tiếp theo. Theo báo cáo của công ty Cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), diễn biến thị trường cho thấy một dòng tiền rất lớn đang hiện hữu, sẵn sàng tận dụng những cơ hội “giá rẻ”. Trong một đợt sóng mạnh như hiện tại, khả năng một pha điều chỉnh rõ rệt sẽ khó xảy ra trong vài phiên tới.

Chung quan điểm đó, nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định, sau khi vượt mốc 1.000 điểm, có khả năng Vn-Index sẽ phá đỉnh 1.170 điểm ngay trong quý I/2018, vì quý II là quý thường có nhiều thông tin tích cực, bao gồm kế hoạch kinh doanh năm mới, chia thưởng, trả cổ tức.

Đáng chú ý, việc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được MSCI đưa vào danh sách thị trường mới nổi đã thu hút không ít quỹ đầu tư chú ý và tiến hành đón đầu, đổ vốn vào thị trường này, khá giống với TTCK một số nước trước khi được nâng hạng.

Theo đó, một loạt nhà đầu tư lớn như F&N Beverage, WP Investments, Credit Suisse, ThaiBev, Jardine Cycle & Carriage, hay các quỹ như Pyn Elite Fund, Dragon Capital đã rót cả tỷ USD vào Việt Nam.

Nhờ dòng tiền nội ngoại kết hợp

VnIndex tăng điểm vượt bậc như hiện nay, đồng nghĩa với việc dòng tiền đổ vào TTCK cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Trong đó, dòng tiền từ khối ngoại đổ vào TTCK trong năm 2017 đã đạt kỷ lục hơn 27.000 tỷ đồng.

Chỉ riêng tháng cuối năm 2017, đã có 447 nhà đầu tư nước ngoài được Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cấp mã giao dịch, mức cao kỷ lục nhất trong các năm trở lại đây. Lũy kế đến hết tháng 12/2017, đã có 23.506 nhà đầu tư ngoại được cấp mã số giao dịch, bao gồm 3.550 tổ chức và 19.956 cá nhân.

Số lượng nhà đầu tư ngoại đăng ký mới tương đồng với tỷ lệ dòng tiền đổ vào TTCK. Trong tháng 12/2017, trên HoSE, giá trị mua và bán chứng khoán lần lượt đạt 17.419 tỷ đồng và 16.293 tỷ đồng, Theo đó, khối ngoại đã mua ròng 1.125 tỷ đồng trong tháng.

Sang năm 2018, xu hướng dòng vốn ngoại đổ vào thị trường tiếp tục tiếp diễn khi chỉ trong tuần giao dịch đầu tiên, khối ngoại đã mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng.

Yếu tố thu hút dòng vốn ngoại đầu tiên là việc TTCK có thêm nhiều “hàng hóa” chất lượng. Đặc biệt là các mã cổ phiếu của các “ông lớn” nhà nước như Vietnam Airlines, Sabeco, Vinamilk… hoặc các doanh nghiệp tư nhân có tiềm năng như HDBank, Vincom Retail…

Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin vào quyết tâm cải cách của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp lớn… dòng tiền khối ngoại được dự báo sẽ là động lực quan trọng hỗ trợ TTCK tăng điểm trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, giao dịch của nhà đầu tư ngoại hiện vẫn chỉ chiếm chưa đến 10% thanh khoản thị trường, phần lớn dòng tiền vẫn đến từ khối nội. Nói cách khác, tiềm năng thu hút dòng tiền từ khối ngoại vẫn còn rất lớn và Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn tăng hơn nữa dòng vốn chất lượng cao này vào TTCK.

Đông thời, sau thời gian dài đầu tư vào vàng, đô la, bất động sản, gửi tiết kiệm, các nhà đầu tư trong nước đang chuyển dần kênh đầu tư sang chứng khoán. Điều đó lý giải vì sao nhiều thời điểm, các công ty chứng khoán đã tăng cường margin nhưng thị trường vẫn tăng rất tốt và không hề điều chỉnh. Ngoài ra, việc các nhiều doanh nghiệp liên tục phát hành trái phiếu đã góp phần giúp thanh khoản duy trì ở mức cao.

Có thể thấy, sự phối hợp của cả dòng tiền nội, ngoại đang giúp quy mô TTCK Việt Nam đã cải thiện và tăng trưởng mạnh. Với tốc độ tăng như hiện nay, VnIndex có thể chạm 1050 trong tuần tới và thậm chí có thể còn sớm vượt mốc này – HSC dự báo.