Thanh toán không dùng tiền mặt: Đề bài khó cho khu vực nông thôn

Theo Nhuệ Mẫn/tinnhanhchungkhoan.vn

Hiện tại, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn là vấn đề rất khó, bởi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Các dịch vụ thanh toán không tiền mặt gặp nhiều trở ngại khi phát triển tại khu vực nông thôn. Nguồn: Internet
Các dịch vụ thanh toán không tiền mặt gặp nhiều trở ngại khi phát triển tại khu vực nông thôn. Nguồn: Internet

Băn khoăn từ người sử dụng

Chia sẻ tại Hội nghị “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn” diễn ra cuối tuần trước, ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc Công ty TNHH Lucavi (Bắc Ninh) cho biết: “Lĩnh vực ngân hàng đã có sự phát triển mạnh mẽ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại và cả trong vài năm tới.

Chúng ta đang bàn nhiều đến cuộc cách mạng 4.0, nhưng nếu các ngân hàng không cải tổ mạnh mẽ, đầu tư công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ phù hợp thì rất khó để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn”.

Minh họa cho nhận định này, ông Cường cho biết câu chuyện từ chính mình: “Từ nhà tôi phải đi 3 km mới đến được 1 điểm giao dịch của ngân hàng. Như vậy, để giao dịch được bằng phương thức hiện đại này, tôi phải mất quá nhiều chi phí thời gian.

Trong khi đó, tôi, cũng như những người dân tại Bắc Ninh hiện đã dùng điện thoại thông minh rất nhiều, nhưng chủ yếu để nghe, gọi, lướt Facebook, nhắn tin Zalo, chưa dùng nó cho các giao dịch thương mại”.

Bên cạnh đó, đại diện Hội Nông dân Việt Nam, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch cho biết, đã xuất hiện các nhóm tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao ăn cắp tiền của tài khoản cá nhân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng xâu vùng xa, vốn chưa biết cách tự bảo vệ thông tin tài khoản và nhận thức chưa đầy đủ về giao dịch an toàn. Trong khi đó, công tác thông tin tuyên truyền cho người dân ở nông thôn chưa rộng khắp.

“Mặc dù số lượng tài khoản ngân hàng gia tăng nhưng việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng sâu vùng xa hoặc nông thôn vẫn còn thấp. Thanh toán thẻ vẫn qua rút tiền tại cây ATM (chiếm tới 85%), chỉ có 15% là phát sinh qua thanh toán”, ông Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho biết thêm, muốn thanh toán không dùng tiền mặt thì phải có tài khoản ở ngân hàng và tài khoản phải có tiền.

Mà tại Việt Nam, tỷ lệ người dân sống ở nông thôn cao (khoảng 70%), do đó những người có tài khoản ở ngân hàng chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức được trả lương qua tài khoản theo Chỉ thị 20/2007 của Chính phủ và người dân sống ở các đô thị. Còn người dân ở vùng nông thôn chưa thực sự làm quen với tài khoản ngân hàng.

“Việc tốn phí khi thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm phí chuyển tiền, làm thẻ, in sao kê, chậm thanh toán, rút tiền mặt tại ATM, phí giao dịch… Và quy trình, thủ tục mở tài khoản còn phức tạp cũng là hai cản trở lớn khiến nhiều người ngần ngại khi sử dụng hình thức này”, ông Nam nhận định. 

Các nguyện vọng chính đáng

Góp ý cho công tác đẩy mạnh thanh toán điện tử tại khu vực nông thôn, ông Cường cho rằng, với đặc thù tại các vùng quê, chẳng hạn tại Bắc Ninh, các ngân hàng không cần lắp đặt quá nhiều cây ATM.

Thay vào đó, nên tích cực tuyên truyền, tạo các sản phẩm dịch vụ hấp dẫn để người dân tăng cường giao dịch qua Internet. Đồng thời, phải có chính sách bảo mật tốt, đảm bảo an toàn hình thức giao dịch này, giúp người dân yên tâm sử dụng.

“Hiện tại, người dân suốt ngày đọc được các tin tức về việc mất tiền trong tài khoản, đến các ngân hàng cũng bị xâm nhập mà không kiểm soát được nên cảm thấy rất lo lắng”, ông Cường cho biết.

Bên cạnh đó, ông Nam nêu quan điểm, cần phát triển hệ thống và dịch vụ thanh toán bán lẻ như: Tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ; Xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH); Hoàn thiện hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng; Phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử; Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.

Trong đó, về tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ, cần tiếp tục phát triển (cả về số lượng và chất lượng) kết hợp với sắp xếp hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới POS; phát triển mạng lưới POS dùng chung, thanh toán POS trên thiết bị di động (mPOS); Tăng cường chấp nhận thanh toán thẻ trong các giao dịch thanh toán trực tuyến; Mở rộng ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...

“Tôi rất mong muốn được dùng thẻ nhiều hơn ở quê mình, hay thanh toán bằng điện thoại thông minh, internet với những đối tác của tôi tại Bắc Ninh, với người nông dân Bắc Ninh.

Tôi muốn những nhân viên của tôi không phải xếp hàng ở cây ATM chờ rút tiền mỗi kỳ lương; Muốn có nhiều hơn những điểm thanh toán, chấp nhận thẻ”, ông Cường nói.