Thắt và mở chính sách tiền tệ

Theo Yên Lam/saigondautu.vn

Kinh tế 9 tháng 2018 tăng trưởng ấn tượng 6,98%, đạt mức cao nhất tính từ năm 2011, tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn đối mặt nhiều thách thức do phải đối mặt với những biến động của kinh tế thế giới đã và đang gia tăng gây sức ép lên chính sách tiền tệ, làm ảnh hưởng mục tiêu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, đã có những chia sẻ về chính sách tiền tệ trong thời gian vừa qua.

Cải thiện chất lượng tăng trưởng

Thắt và mở chính sách tiền tệ - Ảnh 1
TS. Nguyễn Trí Hiếu

  Phóng viên: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng không nên chỉ nhìn vào con số tăng trưởng mà bỏ quên những thách thức về chất lượng tăng trưởng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là con số GDP 9 tháng tăng trưởng rất khả quan. Thế nhưng, nền kinh tế nói chung còn rất nhiều vấn đề phải nỗ lực cải thiện để tăng chất lượng tăng trưởng. Thí dụ, số lượng doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động và đóng cửa trong 9 tháng lên đến 73.103 DN, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này chứng tỏ các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thất bại. Trong số đó, phần đông là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), với khó khăn lớn nhất họ đang phải đối mặt là khó tiếp cận nguồn vốn và lãi suất vay cao. Về khách quan, hơn 90% DN khởi nghiệp thường thất bại trong 3 năm đầu, nên có thể nói sự thất bại là bản chất của các DN nhỏ.

Nhưng riêng với nền kinh tế Việt Nam, những DN nhỏ đi vào hoạt động gặp thêm trở ngại lớn, trong đó có việc Chính phủ ưu đãi những DN lớn, DN có vốn nhà nước, trong khi DN nhỏ sự tiếp sức của Chính phủ vẫn còn hạn chế. 

Vấn đề nữa cần quan tâm, tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu, nhưng trong xuất khẩu khối DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp đến 60%. Các DN FDI tuy đóng góp lớn vào GDP, đem đến công ăn việc làm cho người lao động, là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, các DN FDI lại không có sự chuyển giao công nghệ, chỉ đến thuê lao động làm gia công, đến khi hết thời hạn họ đưa tất cả công nghệ về mẫu quốc.

Hơn nữa, thực trạng chuyển giá tại nhiều DN FDI đang khiến Việt Nam thất thoát nguồn thu thuế, cùng với đó là việc nhiều công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang gây tác hại về môi trường rất lớn. Thực tế đến nay chúng ta vẫn chưa có biện pháp mạnh mẽ buộc các DN FDI tuân thủ và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Đây là những mặt cần phải quan tâm để tăng trưởng GDP của Việt Nam nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế với các nền kinh tế khác, cải thiện các vấn đề an sinh xã hội, môi trường, y tế, giáo dục…

Giữ tăng trưởng tín dụng 14-15%

Năm ngoái, tín dụng là công cụ quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng năm nay tín dụng 9 tháng qua tăng trưởng thấp, trong khi GDP vẫn đạt tốc độ tăng trưởng rất cao. Ông nhận định gì về vai trò của tín dụng trong tăng trưởng kinh tế hiện nay?

Về mặt số học, tăng trưởng kinh tế dựa rất nhiều vào vốn vay ngân hàng (NH). Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường đẩy mạnh tín dụng để có thể giúp phát triển kinh tế. Tuy nhiên, diễn biến năm nay cho thấy ngoài tín dụng, các nguồn lực khác cũng đã được sử dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Như vậy tăng trưởng GDP vẫn tốt trong khi tín dụng tăng trưởng thấp, cũng chứng minh tín dụng chỉ là công cụ cho tăng trưởng, không bắt buộc phải luôn đẩy mạnh tín dụng, vì đẩy mạnh tín dụng sẽ đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông, làm tăng lạm phát. Chính vì thế, năm nay nếu tăng trưởng tín dụng đạt mức 14-15% là hợp lý, và công cụ tín dụng nên được sử dụng hiệu quả hơn. 

Bên cạnh đó, cần phát huy việc sử dụng các nguồn lực khác như vốn của nhà đầu tư để thúc đẩy tăng GDP. Đặc biệt, những yếu tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế như quy trình sản xuất lao động, con người, tri thức… cũng cần được quan tâm để cùng hỗ trợ phát triển kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Như ông nói, tín dụng không phải chịu sức ép hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như năm ngoái, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng năm nay chính sách tiền tệ của NHNN vẫn đối mặt áp lực lớn trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thưa ông?

Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất, vì họ nhìn thấy rủi ro lạm phát ở Hoa Kỳ khi nền kinh tế tăng trưởng tốt. Bởi lẽ, kinh tế tăng trưởng tốt, người lao động đòi hỏi lương cao, từ đó làm tăng lạm phát. Để đối phó với tăng lạm phát, FED  tăng lãi suất để lượng tiền đi vào lưu thông giảm, từ đó kiểm soát được lạm phát ở mức mong muốn khoảng 2%.

Khi FED tăng lãi suất còn làm tăng giá trị đồng USD, gây áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ. Đồng thời, hiện nay đồng NDT mất giá rất lớn so với USD, trong khi VNĐ vững giá hơn so với USD. Như vậy đồng nghĩa với việc VNĐ tăng giá so với đồng NDT, dẫn đến lo ngại tăng nhập siêu từ Trung Quốc sang Việt Nam. 

Hai điều trên khiến Việt Nam đứng trước nhiều áp lực đối với tỷ giá USD/VNĐ. Theo đó, nếu tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Năm nay, theo mục tiêu, lạm phát của Việt Nam giữ ở mức 4%. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng thực hiện, vì ngoài vấn đề nói trên Việt Nam còn đối mặt với các vấn đề như giá xăng dầu, giá thực phẩm, giá dịch vụ y tế, giao thông đang tăng, tạo áp lực lớn đối với chỉ tiêu lạm phát.

Giá dầu trên thế giới có khả năng tiếp tục tăng mạnh do tác động của chính sách tái áp đặt các lệnh trừng phạt giai đoạn 2 của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, bắt đầu có hiệu lực vào tháng 11 này. Khi giá dầu thế giới tăng sẽ kéo giá xăng trong nước tăng, kéo theo nhiều mặt hàng khác cùng tăng. Do đó áp lực lạm phát cuối năm rất lớn.

Hạn chế đẩy tiền ra lưu thông

Như vậy thời điểm này có thể kết luận không kỳ vọng giảm lãi suất trong năm nay, thưa ông?

Với tất cả diễn biến trên thị trường thế giới cũng như trong nước hiện nay, hạ lãi suất là điều không khả thi. Bởi xu hướng lạm phát tăng sẽ tác động đến lãi suất huy động. Thông thường, người gửi tiền kỳ vọng lãi suất huy động cần phải có biên độ ít nhất khoảng 2% trên lạm phát, lãi suất cho vay có biên độ khoảng 3% trên lãi suất huy động. Đây là yếu tố đẩy lãi suất cho vay tăng (tối thiểu từ 9%/năm).

Điều quan trọng nữa tác động đến việc không thể giảm lãi suất là tỷ giá. Khi tỷ giá xuất hiện áp lực, những người đầu cơ sẽ kỳ vọng tỷ giá tăng lên, thường là họ có động thái đổi VNĐ ra USD găm giữ để chờ tỷ giá tăng bán ra kiếm lời. 

Vì vậy, để hạn chế chuyện đó NH phải tăng lãi suất VNĐ lên nhằm giữ chênh lệch lãi suất VNĐ/USD ở một khoảng cách lớn để duy trì tiền gửi VNĐ, tránh việc đổi và găm giữ USD. Để đối phó với điều đó nhằm giữ ổn định tỷ giá, việc tăng lãi suất tiền gửi VNĐ là bắt buộc.

Lãi suất cho vay hiện tại đã tăng so với đầu năm, và từ giờ đến cuối năm có thể sẽ tăng thêm. Rõ ràng chúng ta không đạt được mục đích giảm lãi suất trong năm nay, vì điều kiện kinh tế của thế giới và Việt Nam không cho phép.

Tôi xin nhấn mạnh, đối với Chính phủ và NHNN làm sao giữ lạm phát ở mức 4% để ổn định nền kinh tế là nhiệm vụ rất khó khăn để thực hiện trong giai đoạn này. Có nhiều ý kiến cho rằng, NHNN đang thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, biểu hiện của chính sách tiền tệ là một mặt đang thắt chặt, một mặt lại đang thả lỏng. Điểm thả lỏng nằm ở chỗ mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra rất cao, lên đến 17%.

Nhưng ngược lại, chính sách tiền tệ thắt chặt ở chỗ lãi suất cho vay vẫn được giữ ở mức cao. Cho nên có thể nói, mặc dù chúng ta vẫn hay nói chính sách tiền tệ linh hoạt, nhưng có lẽ cũng cần một chính sách rõ ràng hơn.

Xin cảm ơn ông.

Hiện tại, bộ ba lãi suất trên thị trường tiền tệ gồm lãi suất huy động, lãi suất OMO và lãi suất trên thị trường liên NH lần lượt vào khoảng 5%/năm, 4,75%/năm và 4%/năm. Đây là khoảng cách được xem hợp lý trong bối cảnh hiện nay của thị trường. Tuy nhiên, NHNN sẽ buộc phải tăng lãi suất điều hành khi mà lãi suất huy động và lãi suất trên thị trường liên NH tăng lên, bởi gần như chính sách tiền tệ sẽ được điều hành theo hướng thắt chặt hơn trong thời gian tới.