Thay đổi lớn trên thị trường trái phiếu

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 của Thủ tướng Chính phủ vừa được ban hành, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ phải qua xếp hạng tín nhiệm.

Như một xu hướng phát triển của thị trường vốn, những năm gần đây thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng sôi động. Doanh nghiệp chuộng phát hành cổ phiếu tăng vốn hơn vì không chịu sức ép phải trả lại hàng năm, hàng quý, thậm chí hàng tháng. Ngoài ra, phát hành cổ phiếu sẽ giúp tăng năng lực tài chính trực tiếp, doanh nghiệp có điều kiện mở rộng hạn mức tín dụng với ngân hàng trong trường hợp cần thiết. Theo số liệu của Bộ Tài chính, khối lượng huy động trái phiếu doanh nghiệp năm 2014 là 26.722 tỷ đồng.

Dẫu vậy, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đến thời điểm hiện tại mới bằng khoảng 2,3% GDP. Quy mô này tương đối nhỏ so với nhiều nước trong khu vực. Một nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp nước ta chậm tiến hơn so với các thị trường khác là thông tin về thị trường còn phân tán, thiếu hệ thống, chưa được cập nhật và thiếu minh bạch. Điều này trực tiếp gây khó khăn cho các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu và giảm đi sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, nhu cầu đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp vẫn có, nhưng cái khó là tìm nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp đạt được các tiêu chí thông tin, định mức rủi ro của thị trường.

Tới đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có thay đổi lớn, có thể khắc phục được hạn chế nêu trên. Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 của Thủ tướng Chính phủ vừa được ban hành, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ phải qua xếp hạng tín nhiệm kể từ năm 2020. Cũng theo Quyết định này, từ nay tới năm 2030, Bộ Tài chính sẽ xem xét và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho tối đa 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Theo Chính phủ, việc phát triển dịch vụ này nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, nâng cao tính công khai minh bạch, thúc đẩy huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư.

Các tổ chức, doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm không xa lạ với thị trường tài chính thế giới, nhưng rất mới với thị trường Việt Nam, nơi mà nhiều loại trái phiếu được phát hành chưa được đánh giá bởi một tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập và điều này kéo thị trường trái phiếu Việt Nam lùi xa so với thế giới. Từ tháng 11 năm ngoái, Nghị định số 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm (Credit rating agency - CRA) tại Việt Nam của Chính phủ đã có hiệu lực. CRA mở ra một cánh cửa minh bạch hơn đối với thị trường nợ bởi nó sẽ đưa ra mức tín nhiệm đối với sản phẩm trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Hiện nay trái phiếu gần như không có xếp hạng tín nhiệm, chủ yếu phát hành cho ngân hàng để đảo nợ.