"Thầy dùi" chứng khoán

Theo Thời báo Kinh doanh

Dẫu biết rằng mức độ tin tưởng vào các nhận định, dự báo xuất hiện công khai trên thị trường chứng khoán (TTCK) ngày một… kém và ít đi. Nhưng cũng giống như gia vị của một món ăn, thiếu đi có thể sẽ "mất ngon", không có "thầy dùi" thị trường sẽ kém hào hứng.

"Thầy dùi" chứng khoán
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) phải "chạy ăn" từng đồng để tồn tại, làm sao đủ tiền để nuôi một bộ phận phân tích mà hiệu quả đôi khi cũng khó đong đếm. Các chuyên gia kinh tế, tài chính hàng đầu cũng ngại xuất hiện để đưa ra các dự báo cụ thể. 
 
Một phần của thị trường 
 
Hai nguồn cung bị thiếu hụt này dẫn đến việc nhà đầu tư (NĐT) giờ muốn xem, nghe, đọc các nhận định chỉ tập trung vào một vài CTCK lớn, vài đầu báo và lên các trang mạng có tính chất "undeground", chẳng hạn như mạng xã hội, các diễn đàn… Tuy nhiên, tại các trang này, việc phát biểu "linh tinh" bừa bãi cũng ngày một hạn chế, chưa kể nhận định sai rất dễ bị "ném đá" từ các thành viên khác nên hiện giờ chỉ còn một vài nhân vật "chịu nói" và chịu "ăn" gạch đá mà thôi. 
 
Có một thực tế, là mặc dù tự nhủ không thể tin được, nhưng nhiều NĐT vẫn thích nghe một số "thầy dùi" nhận định. Ví dụ: Nếu hôm nay, NĐT mua vào vì cho rằng thị trường sẽ lên, liếc qua trang cá nhân của một "thầy dùi" cũng có nhận định giống như mình, thì cũng tự tin hơn hẳn, hay ít nhất cũng… đỡ ghét hơn. Cũng chính vì vậy mà có vẻ như các "thầy dùi" giờ đây cũng rất biết lựa thời điểm để xuất hiện nhiều. Đó là khi thị trường thuận lợi, vì khi đó cứ bảo sóng tăng thì kiểu gì cũng tăng thật. Còn trong trường hợp thị trường giảm thì mọi người cũng tự hiểu là "thầy dùi" có nói thì sai cũng là… bình thường. Ở đây, sự thay đổi của bộ phận "thầy dùi" hoặc có thể "hoa mỹ" hơn là… tái cấu trúc cũng cho thấy những diễn biến thú vị trên TTCK. Và, ít nhất thì một số "thầy dùi" cũng có giá trị nhất định của mình. 
 
Nói nhảm vẫn có… sức hút 
 
Cách đây 3 năm, đã từng xuất hiện một nhóm tư vấn chứng khoán hoạt động tự do nói về hệ thống dự báo cổ phiếu của mình có độ chính xác cao đến mức chấp nhận… "bao lỗ" cho khách hàng. "Bao lỗ" có nghĩa là nếu khách hàng nghe theo tư vấn của nhóm này thì nếu bị thua lỗ, nhóm này sẽ chịu thay còn nếu lãi thì ăn chia theo một tỷ lệ nhất định. Một số thành viên trong nhóm cũng đã cất công mời mọc mọi người chứng kiến tính ưu việt của hệ thống nhưng chỉ một thời gian sau đó, khi thị trường ỉu xìu thì nhóm này cũng mất tích. 
 
Có một chiến lược được khá nhiều các "thầy dùi" sử dụng, đó là tìm cách công bố các nhận định của mình ra bên ngoài để thu hút sự chú ý, tranh thủ sự ủng hộ của nhiều người. Đến khi bắt đầu có "thành tích", có thể "tiền hô hậu ủng" đối với một bộ phận (chưa rõ ít hay nhiều) của các NĐT thì tính đến chuyện thu lợi từ "trí tuệ" của mình. Ngặt nỗi, khi mới bắt đầu nhận định, thường các "thầy dùi" nói rất "trúng", nhưng khi để quyền lợi chi phối, không hiểu vì "run" hay vì mục đích nào khác, các nhận định ngày càng thiếu chính xác và uy tín vì vậy cũng mất luôn.
Hiện nay trên thị trường có một số "thầy dùi", nhưng nổi tiếng thì cũng không nhiều, có thể kể ra một vài cái tên, chẳng hạn như D. hay K. Nói về các nhân vật này, một NĐT cho biết, anh nể họ vì khả năng… ăn gạch đá rất giỏi, nói sai nhưng không sợ bị chỉ trích. Một chi tiết cũng đáng "học hỏi" khác là sự tự tin, nói nghe "như thật" nhưng không biết có thật hay không. Chẳng hạn như K. hiện là một môi giới tự do, khi giới thiệu về mình trên website đã liệt kê thành tích là thành viên hoạt động tích cực trên một diễn đàn "chuyên ngành" chứng khoán, tự phong mình là chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn đầu tư. 
 
Những "thầy dùi" này, khi mới gặp có thể khiến người đối diện phải "nể" trước một tràng kiến thức, kinh nghiệm đưa ra, nhưng nếu có ý định "nghe theo" thì lại phụ thuộc vào yếu tố "hên xui". Vì có thể nhiều người xui xẻo nghe "thầy dùi" nói nhiều lần sai nhưng nếu ai may mắn nghe được vào số ít lần đúng thì lại xem là thần tượng. Một cách "mông má" cũng khá độc đáo của "thầy dùi" D. đó là nhiều khi nhân vật này nhận định 9 - 10 lần nhưng chỉ trúng 1 - 2 lần, những lần nói sai thường được "ỉm" đi, nhưng lần nào kêu gọi "bà con" đầu tư trúng cổ phiếu nào đó thì lại "nổ" rất lớn. 
 
Một chuyên gia chứng khoán khi được đề nghị bình luận về các "thầy dùi" đã không trả lời thẳng mà trầm ngâm rằng: Thị trường cũng như cuộc đời, như xã hội, có người này người nọ, có như vậy mới tạo ra sự đa sắc thú vị. Thực ra, tại TTCK nước ngoài, vốn được xem là chuyên nghiệp, cũng có không ít "thầy dùi". "Thầy dùi" chuyên nghiệp hẳn hoi. Đơn cử vào trước thời điểm doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh, có những lúc các chuyên viên phân tích đều "nhìn nhau" để dự báo vì nếu lỡ có sai thì… sai chung không sao, còn nếu đúng thì tất nhiên là an toàn cho tất cả.