Thấy gì sau hơn một năm thực hiện Nghị định 24?

TS. Vũ Đình Ánh

(Tài chính) Chính sách quản lý thị trường vàng vẫn cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện, song không phải là quay trở lại như trước khi có Nghị định 24 mà là theo hướng xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa chính sách quản lý ngoại hối và vàng với chính sách tiền tệ tín dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) đã cụ thể hóa vai trò can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào thị trường vàng miếng trên nguyên tắc khẳng định độc quyền sản xuất vàng miếng và quyền cấp giấy phép cũng như kiểm tra kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng miếng.

So với trước khi thực hiện Nghị định 24, thị trường vàng miếng trong nước đã có nhiều thay đổi cơ bản theo hướng tích cực, ổn định hơn hẳn cả về cân đối cung cầu và giá cả, thiết lập lại trật tự trên thị trường vàng miếng… Để củng cố những thành quả đã đạt được và tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đối với thị trường vàng miếng những năm tới, cần tập trung vào một số trọng tâm sau:

Thứ nhất, việc khẳng định NHNN đóng vai trò bán buôn trên thị trường vàng thông qua tổ chức đấu thầu là phù hợp với nguyên tắc NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng SJC; đồng thời NHNN độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu, do đó nguồn cung vàng miếng duy nhất là NHNN, theo đó, quyền quyết định lượng cung, thời điểm cung (bán vàng miếng) và giá bán thuộc về NHNN là hợp lý. So với cơ chế NHNN cấp quota nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp trước đây thì cơ chế mới đã trả lại cho Chính phủ, mà đại diện trực tiếp là NHNN, quyền chủ động trong quản lý giám sát cân đối cung cầu, diễn biến giá cả cũng như cân đối nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu vàng nguyên liệu. Hơn nữa, cơ chế mới theo Nghị định 24 còn vừa cơ bản khắc phục được tình trạng đầu cơ trên thị trường vàng, vừa chuyển được lợi nhuận từ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới (nếu có) về tay Nhà nước, đồng thời chấm dứt cơ chế xin - cho và lạm dụng biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp trên thị trường vàng miếng. Trên quan điểm bình ổn giá vàng là không cần thiết nên hoạt động cung vàng miếng của NHNN chỉ nhằm thu hẹp tới mức thấp nhất chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới cũng như biến động giá vàng trong nước hòa nhịp với thế giới. Nói cách khác, sự tham gia của NHNN vào thị trường vàng miếng cả với tư cách người bán “đầu tiên” cũng như người mua “cuối cùng” đều theo nguyên tắc thị trường với khẳng định NHNN luôn sẵn sàng bán ra và mua vào vàng miếng với mức giá thị trường thế giới cùng với một biên độ nhất định để bù đắp chi phí giao dịch, phòng ngừa rủi ro.

Thứ hai, quá trình thực hiện Nghị định 24 đã quán triệt quan điểm NHNN không và sẽ không kinh doanh vàng miếng trên cả thị trường trong nước cũng như quốc tế, theo đó càng không có chuyện NHNN độc quyền kinh doanh vàng miếng mà NHNN chỉ độc quyền sản xuất vàng miếng tương tự như độc quyền không thể tranh cãi trong việc in tiền và cung tiền của NHNN. Theo đó, hạch toán chi phí của NHNN liên quan đến sản xuất, giao dịch lưu thông vàng miếng dựa trên nguyên tắc phi lợi nhuận nên hạch toán vào chi phí nghiệp vụ của NHNN là hợp lý. Bên cạnh đó, các khoản thu được từ hoạt động tổ chức đấu thầu vàng đều được xử lý theo quy chế tài chính đối với NHNN nhằm đảm bảo mọi lợi ích có được từ độc quyền Nhà nước phải thuộc về Nhà nước.

Thứ ba, NHNN cũng không đóng vai trò kinh doanh vàng trên thị trường thế giới mà chỉ thực hiện xuất nhập khẩu hay mua bán vàng trên thị trường thế giới để duy trì cân bằng cung cầu với giá theo thị trường thế giới cho thị trường vàng miếng trong nước nên việc NHNN mở tài khoản vàng ở nước ngoài phục vụ thực hiện nhiệm vụ như nêu trong Nghị định 24 là cần thiết và phù hợp với thông lệ giao dịch vàng trên thị trường thế giới. Tới đây, các quy định về phương án, cách thức, quy trình mua bán vàng miếng cần cụ thể và có tính pháp quy cao hơn, đồng thời xem xét bổ sung phương thức giao dịch vàng tài khoản cho các cá nhân và tổ chức được phép kinh doanh vàng miếng vừa nhằm hạn chế bớt giao dịch vàng miếng vật chất vừa phù hợp chủ trương chống vàng hóa, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, vừa chuẩn bị cho các bước đi tiếp theo liên quan đến huy động và sử dụng nguồn lực vàng trong xã hội.

Thứ tư, theo Nghị định 24, nguồn ngoại tệ được sử dụng để nhập khẩu vàng được lấy từ dự trữ ngoại hối nên NHNN đã chủ động hơn trong cân đối cung cầu ngoại tệ của quốc gia thay vì bị động như trước đây khi đáp ứng yêu cầu ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng có phép hay đối phó với biến động trên thị trường ngoại tệ tự do dưới áp lực của nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu vàng cả có phép và không có phép. Nguồn dự trữ ngoại hối tương đối dồi dào và đang tăng lên, tỷ giá hối đoái cơ bản ổn định, tính thanh khoản ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được đảm bảo khi cho vay bằng ngoại tệ không những không tăng mà còn giảm mạnh trong thời gian qua vừa là điều kiện, cơ sở và căn cứ vững chắc vừa là hệ quả tất yếu của việc NHNN độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, để tránh những lo ngại chính đáng về tác động tiêu cực có thể có của việc nhập khẩu vàng tới quy mô và cơ cấu dự trữ ngoại hối quốc gia nên có những quy định rõ hơn về xử lý mối quan hệ giữa ngoại tệ - vàng - đồng Việt Nam, cả quan hệ cung cầu lẫn giá cả khi NHNN sẽ thu được nội tệ từ bán vàng miếng nhưng lại phải sử dụng ngoại tệ để mua nguyên liệu sản xuất vàng miếng. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định rõ ràng về lượng vàng miếng dự trữ lưu thông và mối quan hệ giữa dự trữ vàng quốc gia với dự trữ ngoại hối quốc gia. Việc đưa vàng vào dự trữ ngoại hối sẽ kéo theo thay đổi bắt buộc về quy định quản lý ngoại hối nói chung và quản lý quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia nói riêng. Hơn nữa, việc NHNN mua bán vàng miếng với quy mô có khả năng còn rất lớn sẽ tác động tới cung VNđ, ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ quốc gia nên cần bổ sung các nguyên tắc để NHNN xử lý vấn đề này. Đến lượt mình, việc nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng chắc chắn tác động đến cung cầu ngoại tệ (chủ yếu là USD) theo đó tác động tới tỷ giá hối đoái và ngược lại việc NHNN bán vàng trên thị trường thế giới cũng tác động tương tự đến thị trường ngoại hối trong nước nhưng chưa rõ nguyên tắc xử lý vấn đề này. Cần bổ sung cụ thể các quy định liên quan đến xử lý mối quan hệ giữa ngoại tệ - vàng - đồng Việt Nam theo quan điểm thay vì xử lý mối quan hệ tay ba rất phức tạp đó bằng xử lý mối quan hệ tay đôi giữa một bên là ngoại tệ và vàng với một bên là nội tệ.

Thứ năm, thành công trong quản lý thị trường vàng miếng theo Nghị định 24 không thể tách rời bước đi đồng bộ và kiên quyết trong chính sách chống vàng hóa nền kinh tế, trước hết là trong hệ thống tài chính chính thức. NHNN đã quyết tâm thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng, qua đó giảm mạnh tâm lý nắm giữ, đầu cơ vàng, ngăn ngừa rủi ro cho các tổ chức tín dụng thông qua ban hành và thực hiện các quy định tại Thông tư số 22/2010/TT-NHNN ngày 29/10/2010, Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011 và Thông tư số 12/2012/TT-NHNN ngày 27/4/2012. Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, NHNN giám sát chặt chẽ việc các tổ chức tín dụng tuân thủ quy định không được giữ trạng thái vàng vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm vàng.

Rõ ràng, sau hơn một năm thực hiện Nghị định 24, thể chế quản lý và kinh doanh trên thị trường vàng miếng đã được cơ bản hoàn thiện và vận hành thông suốt, một mặt đã lập lại trật tự trên thị trường vàng vốn rất khó kiểm soát và nhiều biến động trước đây, mặt khác đã cụ thể hóa và sử dụng công cụ quản lý, can thiệp của Nhà nước vào thị trường vàng một cách hữu hiệu, hợp lý và hiệu quả. Chính sách quản lý thị trường vàng vẫn cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện, song không phải là quay trở lại như trước khi có Nghị định 24 mà là theo hướng xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa chính sách quản lý ngoại hối và vàng với chính sách tiền tệ tín dụng nhằm củng cố, lành mạnh hóa hệ thống tài chính quốc gia, phát triển hệ thống thị trường tài chính lành mạnh, có tổ chức; đồng thời hướng các nguồn lực kinh tế tài chính tập trung vào phát triển KT - XH.