Thấy gì từ hành xử của khối ngoại?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Câu chuyện về dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục là chủ đề nóng và nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư...

 Thấy gì từ hành xử của khối ngoại?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

    Câu chuyện về dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục là chủ đề nóng và nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, bởi sự tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm đến nay của thị trường đều mang dấu ấn mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài và trong những phiên gần đây, khối nhà đầu tư này lại là nhân vật đứng đằng sau những lệnh bán lớn ATC.

    Từ cổ phiếu vốn hóa lớn…

    Cổ phiếu vốn hóa lớn rõ ràng tác động chính đến chỉ số thị trường và khi dòng vốn ngoại giải ngân hơn 254 triệu USD vào thị trường Việt Nam lại chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu này thì không khó để VN-Index nằm trong top các thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới từ đầu năm.

    Dòng tiền ngoại mua ròng mạnh mẽ nhất vẫn đến từ 3 chữ cái quen thuộc “ETF”. Nếu như Quỹ FTSE Vietnam ETF mua ròng hơn 50 triệu USD thì VNM ETF còn mua thậm chí gấp đôi số đó, chưa kể quỹ ETF của MSCI thì giá trị giải ngân của các quỹ mở nước ngoài này cũng xấp xỉ 4.000 tỷ đồng.

    Tuy nhiên, dòng tiền ngoại không phải lúc nào cũng hào phóng vậy, khi mà mức định giá thị trường biên (frontier market) không còn rẻ như trước thì dòng tiền này lại có xu hướng bán ròng, cụ thể, từ 22/5, các nhà đầu tư ngoại đã bán 26 triệu USD trên thị trường Việt Nam, 1 tỷ USD tại thị trường Thái Lan và 13 triệu USD tại thị trường Dubai.

    Xu hướng bán ròng của các quỹ ETF sẽ không diễn ra thường xuyên và kéo dài, bởi chỉ khi có mức chiết khấu lớn giữa giá và NAV thì các quỹ này mới có áp lực rút ròng chứng chỉ quỹ, trong khi hoạt động giao dịch liên tục sẽ làm khoảng cách này thu hẹp và cân bằng trong xu hướng trung hạn.

    Như vậy, để hoạt động giải ngân trở lại như thời điểm đầu năm, sẽ phải mất một thời gian nữa, tính bằng quý. Nhưng trên thị trường vẫn còn đó những quỹ ngoại mới.

    Đến cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ…

    Gần đây, cái tên Mutual Fund Elite đã không còn xa lạ với nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam. Quỹ ngoại đến từ Phần Lan này trong thời gian nửa đầu năm đã liên tục mua và trở thành cổ đông lớn nắm giữ trên 5% của 12 công ty đang niêm yết với tổng giá trị giải ngân hơn 900 tỷ đồng. Trong đó, có không ít doanh nghiệp có vốn hóa vừa và nhỏ như TTF, EBS, VPK, LIX, SED, SJD, DQC, DXP, DVP, TCT…

    Giám đốc quản lý Quỹ, ông Petri Deryng cho biết, quỹ này đang có xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ thị trường Thái Lan sang thị trường Việt Nam. Ông cũng chia sẻ là đã tìm hiểu về thị trường Việt Nam từ cách đây 5 năm và nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp Việt.

    Có thể dễ dàng nhận thấy các công ty được đầu tư là những doanh nghiệp có hoạt động ổn định như cảng biển, sách giáo dục, điện nước…; các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu như bóng đèn, phích nước, xà phòng; đáp ứng yêu cầu trả cổ tức hàng năm ổn định, dòng tiền đều và hoạt động kinh doanh ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế.

    Quỹ có chiến lược nâng số công ty đầu tư lên con số 50 nên sẽ không bất ngờ nếu trong thời gian tới, Mutal Fund Elite tiếp tục trở thành cổ đông lớn của các công ty niêm yết. Nếu nhìn hiệu quả đầu tư 3 năm gần đây của quỹ này với mức tăng trưởng thần kỳ 200% thì có thể thấy, chiến lược đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa của quỹ đang đi đúng hướng.

    Không chỉ có Mutual Fund, một quỹ ngoại mới khác là Halley Sicav đến từ Luxembourg thời gian này cũng liên tục nâng tỷ lệ sở hữu tại 2 công ty PET và PVC. Giá 2 cổ phiếu đã có mức tăng ấn tượng trong thời gian ngắn một phần nhờ dòng tiền mua vào của quỹ này.

    Trong môi trường đầu tư ổn định, mặt bằng lãi suất thấp được duy trì thì dòng tiền nội sẽ đóng vai trò dẫn dắt thị trường, khi đó, câu chuyện dòng vốn ngoại có lẽ sẽ ít tác động đến nhà đầu tư hơn lúc này.