“Thay máu” nhà đầu tư chiến lược

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Thị trường gần đây bắt đầu xuất hiện thông tin về những cuộc đến và đi của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Xu hướng “thay máu” này được kỳ vọng diễn ra nhộn nhịp trong thời gian tới.

“Thay máu” nhà đầu tư chiến lược
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mới đây, VinaCapital thông báo, quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) sẽ thoái vốn khỏi CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPP). Theo đó, VOF sẽ bán 23,6% cổ phần nắm giữ tại đây với tổng giá trị 63,1 triệu USD (1.310 tỷ đồng) sau 5 năm nắm giữ. AGPP là nhà sản xuất và phân phối thuốc trừ sâu hàng đầu tại Việt Nam.

Bên sẽ nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần này là Standard Chartered Private Equity (SCPE). Giá mỗi cổ phần mà SCPE trả cho VOF là 85.000 đồng, cao hơn 22% so với giá trị sổ sách tại thời điểm cuối tháng 5/2014.

Trước đó, SCPE công bố đã mua thành công một lượng lớn cổ phần thiểu số trong CTCP Thương mại và dịch vụ Cổng Vàng với tổng giá trị 35 triệu USD. Sở hữu và vận hành 11 thương hiệu nhà hàng độc quyền với hơn 60 nhà hàng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Cổng Vàng hiện là chủ của chuỗi nhà hàng món ăn châu Á lớn nhất tại Việt Nam.

Chỉ với 2 thương vụ trên, SCPE đã bỏ ra số tiền lên đến 2.000 tỷ đồng, trong đó, thương vụ mua lại cổ phần của Cổng Vàng là khoản đầu tư đầu tiên của SCPE tại Việt Nam.

SCPE chọn đầu tư vào các công ty có đội ngũ quản lý tốt bằng việc góp vốn trực tiếp vào các công ty hoặc mua lại từ các đối tác khác. Quy mô các khoản đầu tư của SCPE thường từ 10 - 100 triệu USD cho mỗi giao dịch. SCPE muốn có được tỷ lệ sở hữu từ 10 - 49% và nhắm đến 1 ghế trong HĐQT tại các công ty mà SCPE đầu tư vào. Thường thì trong vòng 5 năm, SCPE sẽ thoái vốn. SCPE cho biết đang tích cực tìm kiếm cơ hội trong khu vực Đông Nam Á.

Trong lĩnh vực chứng khoán, mới đây, CTCK Sài Gòn (SSI) cho biết, ANZ sẽ thoái toàn bộ hơn 61 triệu cổ phần SSI, tương đương với tỷ lệ 17,51%, sau khi đã nắm giữ từ tháng 9/2007 đến nay. Với thị giá hiện tại vào khoảng 30.700 đồng/cổ phần, tổng số cổ phần SSI mà ANZ sẽ thoái trị giá 1.873 tỷ đồng. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SSI và những người thân trong gia đình sẽ tham gia mua lại số cổ phần này.

Chia tay với ANZ, SSI sẽ có một khoảng trống cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mới nhảy vào. Hiện tại, SSI đang có 1 cổ đông lớn nước ngoài khác là Daiwa Securities Group Inc., với tỷ lệ sở hữu là 10,03%. Do “room” cho nhà đầu tư nước ngoài tại SSI đã kín từ năm 2011, nên sau khi ANZ rút lui, Daiwa Securities có cơ hội nâng tỷ lệ sở hữu của mình tại đây. Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ thông tin nào cho biết ý định của Daiwa Securities hay nhà đầu tư nước ngoài nào khác sẽ vào thế chỗ ANZ.

Trước việc ANZ thoái vốn, Chủ tịch SSI nhìn nhận: “Hiện tại, với vị thế, quy mô cũng như đội ngũ của mình, SSI đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài khác muốn hợp tác với SSI để cùng đưa SSI lên một tầm hoạt động mới theo lộ trình phát triển được McKinsey tư vấn từ năm 2010, nhưng chưa có cơ hội vì đã hết room. Nhà đầu tư nước ngoài từ lâu chờ Chính phủ cho phép mở room, nhưng với việc thoái vốn của ANZ, SSI đã có room cho họ mà không phụ thuộc vào quy định mở room nữa”.

Thực tế, một số nhà đầu tư nước ngoài, khi đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam, ban đầu họ chỉ có ý định nắm giữ trong vòng 5 năm, nhưng thời gian qua họ đã bị mắc kẹt không thể rút ra do chưa tìm được người thay thế khi thị trường không thuận lợi. Trong 2 năm qua, TTCK Việt Nam đã khởi sắc trở lại, những nhà đầu tư chưa từng một lần bỏ vốn vào Việt Nam thì giờ cũng đã sẵn sàng tham gia cuộc chơi, như trường hợp của SCPE.

Trong lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư Nhật Creed Group đồng ý bơm 600 tỷ đồng vào Dự án City Gate Towers của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) qua trái phiếu dự án do NBB phát hành. Sắp tới, họ cũng sẽ mua 4,6 triệu cổ phần NBB với giá 19.800 đồng/cổ phần, so với thị giá hiện tại khoảng 22.900 đồng/cổ phần. Như vậy, sau đợt phát hành riêng lẻ sắp tới của NBB, tỷ lệ sở hữu của Creed Group tại công ty bất động sản này sẽ là 11,37%.

Các nhà đầu tư Nhật thường thận trọng. Bất động sản, đặc biệt bên ngoài nước Nhật không phải là “khoái khẩu” của họ. Ở Việt Nam, không nhiều dự án bất động sản có sự tham gia đầu tư của các công ty Nhật, Creed Group là một trường hợp hiếm. Đầu tư vào NBB cũng là thương vụ đầu tiên của tập đoàn này tại Việt Nam.