Thêm Quy chế Tổ chức và quản lý thị trường UPCoM
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ban hành Quy chế Tổ chức và quản lý thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (Quy chế UPCoM) theo Quyết định số 634/QĐ-SGDHN ngày 24/9/2019.
HNX vừa ban hành Quy chế Tổ chức và quản lý thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (Quy chế UPCoM) theo Quyết định số 634/QĐ-SGDHN ngày 24/9/2019 nhằm phù hợp với các quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Theo HNX, việc sửa đổi quy chế giao dịch UPCoM lần này nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia thị trường thuận lợi và dễ dàng hơn, đặc biệt là gắn đấu giá cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước với đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.
Quy chế mới quy định rõ thị trường đăng ký giao dịch tại HNX là thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết và doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định pháp luật về cổ phần hóa. Đồng thời, cũng xác định rõ “doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định pháp luật về cổ phần hóa” thay vì “doanh nghiệp cổ phần hóa dưới hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng” như trước đây.
Các đối tượng đăng ký giao dịch vẫn bao gồm 4 loại như trước đây gồm: Công ty đại chúng không đủ điều kiện niêm yết; Công ty đại chúng đủ điều kiện niêm yết nhưng chưa niêm yết trên Sở GDCK; công ty hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng; và doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định pháp luật về cổ phần hóa (quy chế cũ gọi là doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa) chưa niêm yết trên Sở GDCK.
Về hồ sơ đăng ký giao dịch, doanh nghiệp vẫn phải nộp báo cáo tài chính có kiểm toán, tuy nhiên bổ sung một số trường hợp đặc biệt không phải nộp báo cáo tài chính kiểm toán và được nêu cụ thể trong quy chế.
Việc chấp thuận giao dịch đối với cổ phiếu chuyển từ niêm yết sang UPCoM cũng có thay đổi, HNX sẽ ban hành quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch căn cứ vào ngày ban hành quyết định hủy niêm yết chứ không căn cứ vào ngày hủy niêm yết như trước đây.
Về trình tự, thủ tục thay đổi đăng ký giao dịch đối với doanh nghiệp cổ phần hóa cũng được quy định lại cho thống nhất với những thay đổi tại Thông tư số 13/2019/TT-BTC. Sở GDCK sẽ cấp quyết định chấp thuận thay đổi đăng ký giao dịch cho doanh nghiệp trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ thay vì nhận được giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán đã được điều chỉnh do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cấp.
Tổ chức đăng ký giao dịch có trách nhiệm đăng ký ngày giao dịch đầu tiên cho số lượng chứng khoán mới đăng ký giao dịch và hoàn tất các thủ tục để đưa chứng khoán mới vào giao dịch trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày Sở GDCK cấp quyết định chấp thuận thay đổi đăng ký giao dịch thay vì 5 ngày làm việc trước ngày giao dịch đầu tiên dự kiến.
Về hạn chế giao dịch, trường hợp cổ phiếu của doanh nghiệp bị hạn chế giao dịch do vi phạm quy định về vốn chủ sở hữu, quy chế mới đã làm rõ nội dung về vốn chủ sở hữu nhằm thống nhất với nội dung phân bảng theo quy mô vốn. Cụ thể: Tổ chức đăng ký giao dịch bị âm vốn chủ sở hữu căn cứ theo báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét. Trường hợp tổ chức đăng ký giao dịch là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính tổng hợp. Trường hợp tổ chức đăng ký giao dịch có công ty con thì vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất.
Về hủy đăng ký giao dịch, doanh nghiệp UPCoM sẽ bị hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trong các trường hợp: Không đáp ứng được điều kiện là công ty đại chúng; điều kiện về vốn và cổ đông tối thiểu khi đăng ký giao dịch trên UPCoM; doanh nghiệp hợp nhất, sáp nhập, chia, giải thể, phá sản; bị thu hồi giấy phép hoạt động, hoặc doanh nghiệp được chấp thuận niêm yết cổ phiếu tại Sở GDCK.
Bên cạnh đó, nhằm thống nhất với quy định tại Thông tư số 40/2018/TT-BTC, quy chế mới cũng quy định đối với doanh nghiệp cổ phần hóa bán đấu giá cổ phần qua Sở GDCK đồng thời với đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM, giá tham chiếu của ngày giao dịch đầu tiên được xác định trên cơ sở giá đấu thành công bình quân (trước đây là giá thanh toán bình quân cổ phần trúng giá) của cuộc đấu giá công khai hoặc giá phân phối cho nhà đầu tư (đối với chào bán theo hình thức dựng sổ).
Ngoài ra, Quy chế còn bổ sung phụ lục ký hiệu các trạng thái chứng khoán trong ngày giao dịch nhằm thống nhất với quy chế giao dịch chứng khoán niêm yết cũng như giúp nhà đầu tư thực hiện theo dõi các trạng thái chứng khoán trên bảng điện tử được dễ dàng hơn.
Trước đó, ngày 15/3/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết.
Thông tư này tập trung sửa đổi, bổ sung đối tượng và thời hạn thực hiện đăng ký giao dịch, quy định về thủ tục, hồ sơ đăng ký giao dịch, thay đổi đăng ký giao dịch và hủy đăng ký giao dịch.