Thêm thời gian để có cái nhìn đúng đắn, toàn diện về thị trường vàng

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tình trạng lượng vàng bán ra trong các phiên đấu thầu gần đây đang có xu hướng giảm có thể xuất phát từ bão hòa cung – cầu, tuy nhiên cần có thêm thời gian để có cái nhìn đúng đắn toàn diện về thị trường vàng. Đó là nhận định vừa qua của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Thêm thời gian để có cái nhìn đúng đắn, toàn diện về thị trường vàng
Tình trạng lượng vàng bán ra trong các phiên đấu thầu gần đây đang có xu hướng giảm có thể xuất phát từ bão hòa cung – cầu. Nguồn: internet

Kết thúc phiên đấu thầu vàng miếng ngày 25/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết, chỉ bán được 11.300 lượng vàng trong tổng số 15.000 lượng vàng miếng được chào thầu. Có nghĩa là tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 75,3%, mức thấp thứ 2 kể từ khi tổ chức đấu thầu tới nay (Tỷ lệ trúng thầu thấp nhất được ghi nhận là 8% ở phiên đầu tiên, xuất phát từ tâm lý e ngại và thăm dò của thị trường).

Hầu hết các phiên giao dịch khác đều có tỷ lệ trúng thầu cao, khoảng trên 95%. Bên cạnh đó, lượng vàng được đem ra đấu thầu cũng đang có xu hướng giảm dần. Khi mới bắt đầu tổ chức đấu thầu vàng hồi tháng 3, Ngân hàng Nhà nước tổ chức tới 3,4 phiên/tuần, lượng vàng chào bán mỗi phiên là 40.000 lượng. Lượng vàng chào bán đã giảm dần còn 26.000 lượng/phiên. Số phiên giao dịch cũng giảm còn 2 phiên/tuần và hiện tại chỉ còn một phiên duy nhất.

Giá trúng thầu vàng trong các phiên gần đây đã bám khá sát với giá thu mua trên thị trường (giá trúng thầu trong phiên vừa qua cao hơn giá các doanh nghiệp niêm yết thu mua trên thị trường cùng thời điểm khoảng 100.000 đồng/lượng). Giá trúng thầu cao nhất trong phiên vừa qua là 37,32 triệu đồng/lượng, thấp nhất là 37,30 triệu đồng/lượng, có nghĩa là chỉ chênh nhau khoảng vài trăm nghìn đồng. Từ các số liệu trên, đã có một số ý kiến cho rằng thị trường vàng đã bão hòa cung – cầu, vì thế đây là thời điểm Ngân hàng Nhà nước nên để thị trường tự vận động theo quy luật cung cầu như trước đây.

Trả lời câu hỏi trên của báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc Nhà nước can thiệp vào thị trường vàng theo Nghị định 24/CP đã giúp bình ổn cũng như quản lý thị trường vàng miếng một cách hữu hiệu. Sau một thời gian dài thị trường được thả nổi, tạo ra tình trạng lộn xộn và bất ổn, cơ chế quản lý hiện nay đã giảm thiểu tình trạng mất cân đối cung cầu, loại trừ tác động tiêu cực tới thị trường ngoại hối và tỷ giá, cũng như góp phần cân bằng lại thu nhập giữa các tầng lớp dân cư.

Tình trạng ế vàng trong các phiên đấu thầu gần đây có thể là một biểu hiện của sự bão hòa cung – cầu trên thị trường. Tuy nhiên, ông Đào Minh Tú khẳng định, để đánh giá một cách chính xác hơn thì phải thêm một vài phiên nữa, cũng như dựa vào giá trên thị trường thế giới. Hơn nữa, hiện mới chỉ bước đầu áp dụng cơ chế mới để quản lý thị trường vàng, nên theo Phó thống đốc, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cơ chế quản lý vàng làm sao cho hiệu quả nhất.

Bên cạnh yếu tố cung – cầu trong nước, sự ổn định của giá vàng còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới. Tuần này là tuần tăng thứ 2 liên tục của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, với việc các quỹ lớn như SPDR Gold Trust tiếp tục bán vàng ra, việc giá vàng đảo chiều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhìn xa hơn, thị trường vàng chắc chắn có những diễn biến mới, khi nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ một lần nữa trở lại.

Thêm vào đó, nỗ lực tái cơ cấu của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2, sẽ mở rộng tầng lớp trung lưu của nước này – tầng lớp có xu hướng tích trữ vàng. Dự đoán giá vàng quốc tế còn biến động mạnh, đem lại những tác động khó lường cho thị trường vàng trong nước. Trong bối cảnh phức tạp như vậy, cộng thêm việc vẫn chưa có phương án quản lý thị trường tự do nào tỏ ra hoàn toàn ưu việt, việc Ngân hàng Nhà nước thận trọng là điều cần thiết.